Cảnh báo tỷ lệ trẻ tiêm vaccine '5 trong 1', viêm gan B thấp ở mức đáng lo ngại
Nếu không nâng được tỷ lệ trẻ đi tiêm chủng so với những tháng vừa qua thì dự kiến hết năm nay, tỷ lệ trẻ trên cả nước tiêm vaccine '5 trong 1' chỉ đạt khoảng 80%, tỷ lệ trẻ tiêm vaccine viêm gan B (VGB) chỉ đạt khoảng 70%...
PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, từ đầu năm 2019 đến nay, tỷ lệ trẻ tiêm chủng vaccine “5 trong 1” trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia thấp hơn so với mong muốn.
Cụ thể, tỷ lệ cần đạt được là từ 95% các trẻ trong độ tuổi tiêm chủng được tiêm vaccine “5 trong 1”, tương đương mỗi tháng cần đạt 8%, trong khi hiện tại tỷ lệ tiêm chỉ đạt 4-7%/tháng (tùy địa phương).
“Với tiến độ tiêm như hiện nay thì tỷ lệ tiêm vắc này trong cả năm 2019 ước chỉ đạt 80%, do đó các địa phương đang cố gắng tiêm bù cho các bé, để đạt tỷ lệ 95% như đề ra” – bà Hồng cho biết.
Về nguyên nhân khiến tỷ lệ trẻ tiêm vaccine “5 trong 1” thấp, theo bà Hồng, một phần do nhiều gia đình lo ngại phản ứng sau tiêm chủng, một phần do thiếu hụt vaccine cung ứng vaccine ComBE Five trong những tháng đầu năm.
Tuy nhiên, từ cuối tháng 5 vừa qua, Việt Nam đã đưa thêm một loại vaccine “5 trong 1” mới có tên DPT-VGB-Hib (SII) do Viện huyết thanh Ấn độ cung cấp vào tiêm chủng mở rộng tại 6 tỉnh/ thành (Hưng yên, Hà Nam, Nam định, Huế, Bến tre và Kon Tum) nên hiện tình trạng thiếu vaccine đã được khắc phục.
Đến thời điểm này, đã có 14.000 trẻ được tiêm vaccine SII. Các mũi tiêm đều an toàn, chỉ ghi nhận các ca phản ứng nhẹ.
Ngoài vaccine 5 trong 1, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương cũng lưu ý, còn khá nhiều trẻ trong cộng đồng chưa được tiêm vaccine phòng sởi, trong khi dịch sởi vẫn đang diễn biến khá phức tạp. Tương tự, bệnh nhân mắc viêm não Nhật Bản cũng đang gia tăng, hầu hết ca mắc đều chưa tiêm đầy đủ vaccine.
Đặc biệt, tỷ lệ trẻ tiêm vaccine phòng viêm gan B sơ sinh cũng còn rất thấp, chưa đạt tỷ lệ tiêm như mong muốn. Theo bà Hồng, tỷ lệ tiêm vaccine viêm gan B sơ sinh hiện mới đạt 14% trong 4 tháng, ước đạt hơn 70% cả năm 2019. Nguyên nhân thấp do nhiều mẹ cho rằng mẹ không mắc thì con không cần tiêm. Đây là quan niệm hết sức sai lầm.