Cảnh báo váy áo phụ nữ xuất vào Liên minh Kinh tế Á - Âu sắp vượt ngưỡng ưu đãi
Theo Bộ Công Thương, một số hàng dệt may xuất khẩu vào Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU FTA) sắp vượt ngưỡng ưu đãi cho phép.
Ngày 23-11, Bộ Công Thương đã thông báo về việc một số mặt hàng dệt may xuất khẩu sang khu vực Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU).
Theo đó, Bộ Công Thương vừa nhận được Công hàm của Ủy ban Kinh tế Á - Âu (EEC) cảnh báo về việc các mặt hàng dệt may của Việt Nam hưởng ưu đãi thuế quan xuất khẩu vào Liên minh Kinh tế Á - Âu theo Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu (VN-EAEU FTA) có nguy cơ vượt mức ngưỡng (trigger level) áp dụng biện pháp phòng vệ năm 2020 theo quy định VN-EAEU FTA.
Cụ thể, các mặt hàng váy, đầm, quần áo phụ nữ (mã HS 6104.41, 6104.42, 6104.43, 6104.44, 6104.49, 6204.42, 6204.44, 6204.49) của Việt Nam xuất khẩu vào EAEU trong thời gian từ tháng 1-2020 đến tháng 9-2020 đã đạt 94,4% mức ngưỡng quy định cho năm 2020.
Lượng nhập khẩu ưu đãi các mặt hàng comlê, áo khoác, blazer, quần tây (mã HS 6103.41, 6103.42, 6103.43...) trong thời gian từ tháng 1-2020 đến tháng 9-2020 lên tới 72,0% mức ngưỡng tương ứng cho năm 2020 và khối lượng nhập khẩu ưu đãi đối với áo sơmi, áo chui đầu, gilê, áo cộc (Mã HS 6110) lên tới 71,5% mức ngưỡng tương ứng cho năm 2020.
Theo Điều 2.10 của VN-EAEU FTA quy định về biện pháp phòng vệ ngưỡng đối với 12 nhóm mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, mặt hàng dệt may đang có nguy cơ bị áp dụng biện pháp phòng vệ ngưỡng khi nhập khẩu vào EAEU. Theo đó, tùy thuộc lượng xuất khẩu vượt ngưỡng, các mặt hàng dệt may của Việt Nam sẽ bị áp mức thuế ưu đãi trong thời gian 6 tháng hoặc 9 tháng.
Hiệp định VN-EAEU chính thức có hiệu lực từ ngày 5-10-2016, các doanh nghiệp Việt Nam và Liên minh có điều kiện khai thác các ưu đãi thương mại, đầu tư mà hai nước dành cho nhau trong Hiệp định, góp phần tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại và đầu tư.
Kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu đã tăng trên 25% so với cùng kỳ trong giai đoạn này. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, về phía Việt Nam, các mặt hàng đã tận dụng các ưu đãi của Hiệp định chủ yếu là dệt may, giày dép, thủy sản, nông sản, điện thoại và linh kiện.
Về phía Liên minh Kinh tế Á - Âu, các mặt hàng được hưởng lợi chủ yếu là cá hồi nước ngọt, ngô, phân bón các loại, dầu thực vật, sắt thép, xe tải và một số phương tiện vận tải dùng động cơ diesel... Ngoài ra, số liệu cũng cho thấy các dòng hàng của Việt Nam và các nước Liên minh Kinh tế Á - Âu được áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo Hiệp định đang có xu hướng tăng.