Cảnh báo về mạo danh đặc sản

Tình trạng mạo danh đặc sản vùng miền ngày càng tràn lan, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng và uy tín của thương hiệu các nhà sản xuất

Ngày nay, với sự nở rộ của việc bán hàng online thông qua mạng xã hội, các hội nhóm và cả các trang thương mại điện tử... các "đặc sản dỏm" đã chen chân vào để lừa đảo người tiêu dùng.

Mập mờ thương hiệu

Hoạt động buôn bán sản phẩm đặc sản vùng miền, OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) diễn ra khá sôi động trên các nền tảng mạng xã hội như "Nhóm đặc sản miền sông nước" gần 81.000 thành viên, "Chợ đầu mối nông sản - Đặc sản Đà Lạt" 215.600 thành viên, "Sỉ lẻ hạt điều rang muối Bình Phước" 108.300 thành viên hay "Đặc sản vùng miền - OCOP (Việt Nam) 44.100 thành viên...

Hạt điều gắn mác Bình Phước bán tràn lan trên mạng với giá rẻ hơn một nửa so với thị trường.Ảnh: Lê Tỉnh

Hạt điều gắn mác Bình Phước bán tràn lan trên mạng với giá rẻ hơn một nửa so với thị trường.Ảnh: Lê Tỉnh

Theo ghi nhận, mỗi ngày các hội nhóm trên có hơn hàng chục bài viết đăng bán nhiều sản phẩm khác nhau, từ hạt điều, bơ, sầu riêng, gà đen... Chính từ sự nhộn nhịp đó, nhiều đối tượng xấu đã lợi dụng chèn bán những sản phẩm kém chất lượng, giả mạo các thương hiệu nổi tiếng.

Bà Thanh Kiều, ngụ TP Thủ Đức (TP HCM), cho biết trước đó đã mua 10 kg bơ 034 trên một tài khoản Facebook tên M.L, được quảng cáo dẻo, thơm ngon, ruột vàng, cơm dày, hạt lép. Khi bà nhận hàng lại phát hiện loại bơ này bị nhão và đây là loại bơ sáp. Đáng nói, phía ngoài thùng carton vẫn dán nhãn "Bơ 034 - Đặc sản Tây Nguyên - Cam kết hàng ngon 100%". "Tôi liên hệ người bán để trả hàng và yêu cầu hoàn tiền nhưng họ không phản hồi" - bà Kiều kể.

Tương tự, bà Như Quỳnh, một nhân viên văn phòng tại TP HCM, cho hay đã mua hạt điều rang muối của tài khoản L.L ở một hội nhóm bán điều Bình Phước giá 45.000 đồng/hộp và cái kết không ăn được do hạt bị sâu, vỡ bay mùi mốc và thâm đen.

Bên cạnh mạng xã hội, hàng giả mạo thương hiệu, hàng kém chất lượng còn xuất hiện trên một số sàn thương mại điện tử thu hút hàng ngàn lượt mua, thậm chí tạo website giả và đưa thông tin không đúng về mặt hàng đang bán. Theo chủ một đơn vị chuyên bán đặc sản Bình Định tại TP HCM, cho biết tình trạng tài khoản đăng bán các sản phẩm chả cá Quy Nhơn, chả bò, chả heo... gắn mác đặc sản Xứ Nẫu rất nhiều trên mạng nhưng chưa được kiểm chứng về chất lượng. Do đó, nhiều người tiêu dùng khi mua nhầm loại hàng này đã có những phản hồi tiêu cực về sản phẩm do không ngon, dai như quảng cáo, gây ảnh hưởng thương hiệu, uy tín và làm giảm sức hút của đặc sản Bình Định.

Hiệp hội kêu cứu

Mới đây, ông Vũ Thái Sơn, Chủ tịch Hội Điều Bình Phước, có văn bản gửi các cơ quan chức năng của tỉnh về việc bảo vệ thương hiệu "Hạt điều Bình Phước" trước việc một số website, mạng xã hội... lợi dụng thương hiệu "đặc sản Bình Phước" để rao bán hạt điều giá rẻ.

Theo đó, các cơ sở này rao bán hạt điều bể giá chỉ 100.000 đồng/6 hộp (3 kg) hay 100.000 đồng/3 hộp hạt điều còn vỏ lụa 1,5 kg. Thế nhưng, qua xác minh thì những sản phẩm trên không có nguồn gốc từ Bình Phước, mà là hạt điều nhập khẩu vụ cũ, kém chất lượng. Cụ thể, sản phẩm có nhiều hạt sâu, nhăn teo, một số bị mốc, không còn mùi vị đặc trưng của nhân điều, sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Đa số sản phẩm không có nhãn mác, không có hạn sử dụng... Do vậy, không có cơ sở truy xuất nguồn gốc chế biến, không biết ai là người chịu trách nhiệm về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài ra, khi về cân lại thì sản phẩm không đủ trọng lượng như công bố, loại 1,5 kg chỉ có 1,12 kg (cả hộp).

Chủ tịch Hội Điều Bình Phước khẳng định "Hạt điều Bình Phước" đã được Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chỉ dẫn địa lý. Tình trạng trên gây ảnh hưởng xấu đến thương hiệu "Hạt điều Bình Phước" và quyền lợi của các doanh nghiệp điều, cũng như gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng khi sử dụng các sản phẩm hạt điều kém chất lượng.

Ông Trần Văn Sơn, Tổng Giám đốc Tập đoàn Gia Bảo (chủ nhãn hiệu hạt điều Bà Tư Bình Phước - doanh nghiệp được phép sử dụng chỉ dẫn địa lý hạt điều Bình Phước) nói thêm, đây là hạt điều nhập khẩu vụ cũ, kém chất lượng không thể chế biến xuất khẩu nên đẩy hàng ra thị trường nội địa. "Nhiều cơ sở đặt tên sản phẩm mỹ miều, xử lý nhiều gia vị che giấu chất lượng nguyên liệu và đăng quảng cáo trên Facebook, livestream để thu hút người mua" - ông Sơn nói thêm.

Mới đây, tại hội nghị tập huấn về quy chuẩn kỹ thuật địa phương nước mắm Phú Quốc (Kiên Giang), nhiều đại biểu cũng đề cập về tình trạng nhiều sản phẩm nước mắm tùy tiện lấy nhãn hiệu Phú Quốc. Tình trạng này không phải mới đây nhưng hầu như chưa có vụ việc nào được xử lý.

Hay như xoài cát Cần Giờ, một đặc sản nổi tiếng của TP HCM, cũng bị mạo danh rất nhiều, khách du lịch đến Cần Giờ cũng mua phải hàng không đúng xuất xứ do tiểu thương lấy hàng từ nơi khác về bán. Thực trạng này được ông Nguyễn Hữu Hoài Phú, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP HCM, nhắc đến nhiều lần tại các sự kiện về tiêu thụ nông sản, đặc sản TP HCM bên cạnh vấn đề hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm.

Bị chê giá cao

Bà Mai Thị Thùy Trang, Giám đốc HTX Tài Thịnh Phát Farm (tỉnh Cà Mau), cho biết cua Cà Mau nổi tiếng nhưng cũng gặp nhiều "tai tiếng" do trên thị trường hàng dỏm, hàng kém chất lượng rất nhiều. Trước đây, do quen với việc xuất khẩu cua tiểu ngạch sang Trung Quốc và buộc dây lớn nên giá cua bị rẻ ảo (vì cân cả dây). Thế nên, khi HTX bán cua chỉ buộc dây vào càng để chống bị kẹp người tiêu dùng chê giá cao. "Thị trường nhiều nơi bán cua Cà Mau 50.000 đồng/con nhưng là cua ốp. Tại Cà Mau, cua này người ta bán chỉ 70.000 - 80.000 đồng/kg (4 con) nên người tiêu dùng mua rẻ mà đắt" - bà Trang nêu thực tế.

VƯƠNG NGỌC - LÊ TỈNH

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/canh-bao-ve-mao-danh-dac-san-196240723193318592.htm