Cảnh báo về những 'hành vi áp đặt' ở Biển Đông
Trong một dòng chia sẻ được đăng tải tối 20-8 (giờ Việt Nam) trên trang Twitter cá nhân, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton là quan chức Mỹ cấp cao mới nhất lên án các hoạt động gần đây của Trung Quốc tại Biển Đông, gọi đó là các 'hành vi áp đặt'.
Trước đó, giới chức Nhật Bản, Ấn Độ… cũng nhiều lần lên tiếng phản đối các hành động đơn phương ở Biển Đông, cho rằng chúng gây ảnh hưởng đến tự do hàng hải và an ninh trong khu vực.
Những tuyên bố mạnh mẽ của Mỹ
“Những nỗ lực leo thang gần đây của Trung Quốc nhằm đe dọa các bên khác từ bỏ hoạt động khai thác tài nguyên ở Biển Đông là đáng lo ngại”, ông John Bolton viết. “Mỹ kiên quyết đứng về phía những bên chống lại hành vi cưỡng ép và các thủ đoạn bắt nạt đe dọa đến hòa bình và an ninh khu vực”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus trước đó cũng nhấn mạnh, việc Trung Quốc tiến hành cải tạo và quân sự hóa các tiền đồn ở Biển Đông, cùng với các hành động khác nhằm khẳng định những yêu sách bất hợp pháp của Bắc Kinh ở vùng biển này, bao gồm cả việc để đe dọa các quốc gia khác, là hành động làm “xói mòn hòa bình và an ninh khu vực”.
Trong khi đó, trả lời báo chí trong chuyến thăm Việt Nam ngày 18 và 19-8, Đại tướng David Goldfein, Tham mưu trưởng Không quân Mỹ và Đại tướng Charles Brown Jr., Tư lệnh Không quân Mỹ tại khu vực Thái Bình Dương cũng đều bày tỏ quan ngại về tình hình ở Biển Đông.
Đại tướng David Goldfein, Tham mưu trưởng Không quân Mỹ một lần nữa nhấn mạnh lại tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo rằng Mỹ luôn phản đối mạnh mẽ các hoạt động của Trung Quốc gây ảnh hưởng và thách thức quyền lợi chính đáng cũng như chủ quyền của Việt Nam.
Còn Đại tướng Charles Brown Jr., Tư lệnh Không quân Mỹ tại khu vực Thái Bình Dương thì khẳng định, Mỹ luôn kiên định với chính sách đảm bảo một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương rộng mở và tự do.
Ông Charles Brown Jr. nhấn mạnh thêm, một trong những phần quan trọng nhất là đảm bảo quyền tự do đi lại của tàu thuyền, máy bay trong bất kỳ khu vực nào mà luật pháp quốc tế cho phép, đảm bảo chủ quyền và quyền lợi hợp pháp của các nước tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Và nỗ lực của cộng đồng quốc tế
Điều đáng chú ý là không chỉ Mỹ mà rất nhiều quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới đều bày tỏ mối quan tâm và lo ngại đến tình hình Biển Đông hiện nay. Philippines hôm 9-8 đã tuyên bố trao công hàm phản đối về sự hiện diện của 2 tàu khảo sát của Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước này. Tuyên bố được Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin đưa ra sau khi Bộ trưởng Quốc phòng nước này Delfin Lorenzana đề nghị Bộ Ngoại giao tiếp tục phản đối sự hiện diện không báo trước của tàu khảo sát Trung Quốc trong EEZ của Philippines.
Nhật Bản cũng liên tục thể hiện quan điểm kiên quyết, nhất quán về vấn đề Biển Đông, đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc đẩy mạnh việc triển khai hoạt động trên Biển Đông. Ngoại trưởng Nhật Bản Kono còn cảnh báo tình hình tại Biển Đông “mỗi năm một xấu đi” và kêu gọi các bên liên quan đảm bảo giải quyết tranh chấp hòa bình và phi quân sự hóa khu vực Biển Đông.
Một tuyên bố khác của Bộ Ngoại giao Nhật Bản được gửi cho hãng BBC cũng khẳng định: “Chính phủ Nhật Bản tin rằng vấn đề liên quan đến Biển Đông có liên quan trực tiếp đến hòa bình và ổn định trong khu vực, và là mối quan ngại chính đáng của cộng đồng quốc tế, bao gồm Nhật Bản. Chính phủ Nhật Bản phản đối mạnh mẽ bất kỳ hành động nào làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông.
Nhật Bản nhất quán ủng hộ việc tuân thủ toàn diện luật pháp biển và muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của những nỗ lực đối với các giải pháp hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế mà không thông qua việc sử dụng vũ lực hay hăm dọa, nhằm giải quyết tranh chấp liên quan đến các vấn đề tại Biển Đông với các nước liên quan”.
Với Ấn Độ, Biển Đông nằm ở giữa tuyến đường hàng hải trải dài từ Đông Ấn Độ Dương đến Tây Thái Bình Dương, có vai trò đặc biệt quan trọng đối với các quốc gia trong và ngoài khu vực trong phát triển kinh tế và quốc phòng - an ninh. Tầm quan trọng của Biển Đông được thể hiện cả ở các góc độ kinh tế, chính trị và quân sự. Vì thế, trên cơ sở chính sách Hành động hướng Đông và sáng kiến chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Ấn Độ đã từng bước tăng cường can dự vào vấn đề Biển Đông, đồng thời đẩy mạnh hợp tác với các quốc gia khu vực trong lĩnh vực hàng hải.
TS. Nguyễn Thanh Minh, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam cho biết, Ấn Độ đã cam kết tăng cường hợp tác bảo đảm an ninh và tự do hàng hải, cũng như sự an toàn của các tuyến giao thông đường biển đối với tự do thương mại, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm cả Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).
“Về khía cạnh này, mối quan ngại lớn của Ấn Độ là Biển Đông - khu vực nằm ở cửa ngõ của Ấn Độ, do vậy, đặt ra thách thức nghiêm trọng đối với hòa bình và ổn định của khu vực. Căn cứ vào mối quan ngại này, Ấn Độ có lợi ích an ninh hợp pháp đối với sự ổn định tại Biển Đông, bởi vì bất kỳ sự bất ổn nào trong khu vực này đều gây ảnh hưởng tiêu cực tới an ninh quốc gia của Ấn Độ. Lợi ích quan trọng nhất là tự do lưu thông hàng hải qua Biển Đông vốn đóng vai trò rất quan trọng đối với hoạt động buôn bán và thương mại bằng đường biển, cũng như đối với việc đảm bảo an ninh cho nguồn cung năng lượng từ khu vực Sakhalin của Nga. Lợi ích kinh tế của Ấn Độ ở Biển Đông liên quan tới quyền thăm dò các nguồn dầu khí trong khu vực này của Công ty ONGC Videsh (OVL) - công ty dầu khí đa quốc gia của Ấn Độ. Do vậy, động thái cứng rắn ngày càng tăng của Trung Quốc buộc Ấn Độ phải duy trì quyền lợi và bảo vệ lợi ích của mình tại khu vực này”, TS Nguyễn Thanh Minh viết.
Nói kỹ hơn về những sự kiện liên tiếp xảy ra trên Biển Đông thời gian qua, ông Lee Woong-hyeon, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Địa chính trị Hàn Quốc, nêu rõ, vì hòa bình và thịnh vượng của mọi người, các nước không nên chỉ dựa vào sức mạnh hoặc lực lượng quân sự.
Theo Giáo sư Lee Woong-hyeon, các nước trong khu vực không nên từ bỏ những nỗ lực trích dẫn, sử dụng và áp dụng các chuẩn mực quốc tế để giải quyết một cách hòa bình các vấn đề giữa các quốc gia. Khẳng định Biển Đông là tuyến đường giao thương, hàng hải lớn, nhộn nhịp nhất của thế giới, GS. Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn - Đại học quốc gia Hà Nội lý giải, các quốc gia Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga… đều có những lợi ích đan xen trong khu vực này.
Nguồn CAND: http://cand.com.vn/the-gioi-24h/canh-bao-ve-nhung-hanh-vi-ap-dat-o-bien-dong-558379/