Cảnh báo về những sai lầm phổ biến ở người bệnh tăng huyết áp
Dù đều đặn uống một đơn thuốc điều trị huyết áp suốt hơn 10 năm, cụ ông 78 tuổi vẫn bất ngờ rơi vào tình trạng huyết áp tăng vọt không kiểm soát, đe dọa nhiều biến chứng nghiêm trọng nếu không được can thiệp kịp thời.
Ông T. (78 tuổi) có tiền sử tăng huyết áp 11 năm, điều trị tại bệnh viện tỉnh với một toa thuốc không thay đổi suốt nhiều năm.
Khoảng ba tuần trước, ông bắt đầu xuất hiện tình trạng huyết áp tăng cao đột ngột, dao động quanh mức 190 mmHg dù vẫn tuân thủ thuốc đầy đủ. Ban đầu, ông nghĩ chỉ là tình trạng nhất thời nên tiếp tục uống thuốc và nghỉ ngơi. Tuy nhiên, huyết áp chỉ giảm nhẹ xuống mức 150-160 mmHg rồi lại nhanh chóng tăng trở lại.

Ảnh minh họa.
Khi được đưa đến cấp cứu tại viện, huyết áp của ông đo được dao động từ 190 đến 200 mmHg, kèm theo triệu chứng hoa mắt, xây xẩm.
ThS.BS.CKII Nguyễn Thị Ngọc, người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân cho biết, đây là dấu hiệu nguy hiểm cho thấy bệnh nhân đang đối mặt với nguy cơ biến chứng nặng như đột quỵ, nhồi máu cơ tim, suy thận nếu không được kiểm soát kịp thời.
Còn theo TS.Trần Vũ Minh Thư, Trưởng khoa Nội tim mạch 2, hệ thống y tế Tâm Anh, nguyên nhân khiến huyết áp tăng dù đã uống thuốc có thể đến từ nhiều yếu tố như: dùng sai liều, uống không đúng thời điểm, tương tác với thuốc khác, ăn mặn, dùng nhiều caffeine hoặc tình trạng huyết áp kháng trị (không đáp ứng với thuốc hiện tại).
Trường hợp ông T., dù thời gian đầu huyết áp ổn định, nhưng gần đây thường xuyên dao động, đặc biệt sau khi ông được chẩn đoán viêm dạ dày mạn tính. Sau khi được làm các xét nghiệm, bác sỹ xác định nguyên nhân chính là do ông dùng một đơn thuốc kéo dài suốt 11 năm mà không điều chỉnh.
Ngay lập tức, bác sỹ Ngọc đã thay đổi liều lượng và phối hợp thêm các loại thuốc mới phù hợp hơn với tình trạng hiện tại. Sau một ngày điều trị, huyết áp của ông T. giảm xuống dưới 150 mmHg, triệu chứng hoa mắt, xây xẩm chấm dứt. Sau một tuần điều trị nội khoa tích cực, ông được xuất viện trong tình trạng ổn định với chỉ số huyết áp là 129/71 mmHg.
Bác sỹ Ngọc lưu ý, tăng huyết áp là bệnh lý mạn tính đòi hỏi điều trị liên tục và theo dõi sát. Mỗi bệnh nhân có thể có mức độ bệnh và nguy cơ biến chứng khác nhau, do đó phác đồ điều trị không thể áp dụng chung cho tất cả. Trong nhiều trường hợp, một loại thuốc không đủ hiệu quả và cần phối hợp thêm thuốc khác, sau khi đã loại trừ các nguyên nhân thứ phát.
Bác sỹ cũng cảnh báo về những sai lầm phổ biến ở người bệnh tăng huyết áp. Thứ nhất là tự ý ngừng thuốc khi thấy huyết áp đã ổn định. Đây là hành động nguy hiểm vì thuốc chỉ có tác dụng kiểm soát, không điều trị dứt điểm bệnh.
Khi ngưng thuốc, huyết áp có thể tăng đột ngột và gây biến chứng. Thứ hai là tự kê đơn hoặc dùng thuốc của người khác. Điều này dễ dẫn đến việc sử dụng thuốc không phù hợp với thể trạng, có thể gây hại hoặc làm nặng thêm tình trạng bệnh.
Ngoài ra, không ít bệnh nhân quên uống thuốc, uống không đúng giờ hoặc bỏ sót liều. Với thuốc huyết áp, điều này làm giảm hiệu quả kiểm soát, tăng nguy cơ tai biến mạch máu não, liệt nửa người, thậm chí tử vong.
Một thói quen nguy hiểm khác là dùng cùng một đơn thuốc trong nhiều năm mà không tái khám để bác sỹ điều chỉnh liều phù hợp với từng giai đoạn tiến triển của bệnh.
Theo bác sỹ Thư, để kiểm soát huyết áp hiệu quả, bên cạnh việc dùng thuốc đúng theo hướng dẫn, người bệnh cần duy trì lối sống lành mạnh: ăn nhạt, hạn chế chất béo bão hòa, tập thể dục đều đặn, ngủ đủ giấc, kiểm soát căng thẳng, không hút thuốc lá, không lạm dụng rượu bia.
Việc đo huyết áp thường xuyên, khám sức khỏe tim mạch định kỳ là cách hữu hiệu để phát hiện sớm các bất thường và ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm.