Cảnh báo về sự gia tăng số ca đột quỵ trong giới trẻ
Chỉ trong vòng 20 ngày sau khi thành lập (ngày 9-11-2020), Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận khoảng 750 bệnh nhân đột quỵ, trong đó có 10% là bệnh nhân trẻ tuổi.
Nhiều người trẻ chủ quan vì nghĩ bệnh đột quỵ chỉ xảy ra ở người lớn tuổi.
Trẻ hóa đột quỵ
Liên tiếp có những bệnh nhân đột quỵ nhập viện trong thời gian gần đây. Bác sĩ Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết: Gần đây nhất, Trung tâm đã tiếp nhận ca đột quỵ não là một nữ giáo viên 34 tuổi. Theo người nhà của bệnh nhân này, buổi sáng sau khi thức dậy chuẩn bị đi làm, chị đột ngột thấy chóng mặt, tê bì nửa người, nói hơi khó nghe. Nằm nghỉ tại nhà cả ngày, đến chiều tối thì bệnh tình nặng hơn, chị được đưa vào cấp cứu tại bệnh viện tỉnh rồi được chuyển tới Bệnh viện Bạch Mai. Theo các bác sĩ, bệnh nhân bị đột quỵ tắc thân nền.
Tương tự, theo bác sĩ Phạm Văn Cường (Trung tâm Đột quỵ não, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108), Trung tâm cũng ghi nhận nhiều người trẻ bị đột quỵ não, trong đó có trường hợp mới 12 tuổi. Cách đây không lâu Trung tâm đã tiếp nhận một bệnh nhân nam 26 tuổi không có tiền sử bệnh lý tim mạch, tăng huyết áp và trong gia đình không có ai bị đột quỵ não. Sau 3 ngày bị đau đầu, buồn nôn, chóng mặt, bệnh nhân mới nhập viện, kết quả chụp cộng hưởng từ cho thấy bệnh nhân bị đột quỵ. Đến bệnh viện quá muộn, bệnh nhân đã bỏ qua khoảng thời gian "vàng" trong điều trị đột quỵ.
Theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 200.000 người bị đột quỵ, 1/3 trong số đó ở độ tuổi từ 40 - 45. Theo Giáo sư, Tiến sĩ Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, mô hình bệnh tật của Việt Nam hiện có sự thay đổi từ các bệnh truyền nhiễm, bệnh nhiệt đới sang các bệnh liên quan tới chuyển hóa như cao huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid... Số người bị đột quỵ ngày càng tăng, ngày càng trẻ hóa mà nguyên nhân chính là người trẻ có thói quen ăn uống có hại như ăn quá nhiều thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn, lười vận động, hút thuốc lá thường xuyên.
Giảm gánh nặng bệnh tật
Theo các chuyên gia y tế, các dấu hiệu của đột quỵ ở độ tuổi nào cũng giống nhau. Tuy nhiên, người trẻ dễ bỏ qua giai đoạn "vàng" cấp cứu. Lý do của việc đến bệnh viện muộn, theo bác sĩ Mai Duy Tôn, là “người trẻ thường chủ quan, không nhận diện rõ các dấu hiệu điển hình của đột quỵ và không nghĩ là đột quỵ có thể xảy ra với người trẻ tuổi. Với người bệnh đột quỵ, thời gian là vàng. Khi không được cấp cứu kịp thời, bệnh nhân mất đi cơ hội để phục hồi và để lại hệ lụy đáng tiếc về sức khỏe, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội”.
Thông thường, khoảng 1/3 số ca đột quỵ xuất hiện sau khi có một hoặc nhiều cơn đột quỵ nhẹ, hay còn gọi là cơn thiếu máu não thoáng qua với các dấu hiệu như mất thị lực đột ngột, yếu một cánh tay hoặc chân trong ít phút... Với người bị đột quỵ não, các triệu chứng là: Đột ngột có cảm giác tê hay yếu liệt ở mặt, tay hoặc chân (các triệu chứng thường xảy ra ở một bên của cơ thể - nửa người); đột ngột không nói được, giọng nói bị méo hoặc bệnh nhân bị nói nhảm, vô nghĩa, không hiểu được lời nói; đột ngột mất thị lực, đặc biệt là khi triệu chứng xuất hiện ở một bên mắt. Bên cạnh đó, dấu hiệu khác là bệnh nhân đột ngột đau đầu dữ dội; chóng mặt, cơ thể bị mất thăng bằng hoặc không thể thực hiện vận động theo ý muốn. Theo các chuyên gia y tế, giờ "vàng" điều trị đột quỵ là khoảng 3 - 6 giờ kể từ khi phát hiện bị đột quỵ. Càng được đưa đến viện sớm thì hiệu quả điều trị càng cao.
Bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng khoa Nội - Hồi sức thần kinh (Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức) khuyến cáo, tỷ lệ tái phát đột quỵ trong 5 năm đầu tiên là 25%, do vậy, người bệnh cần dự phòng đột quỵ tái phát và phục hồi thần kinh bằng tập phục hồi chức năng sớm, có thể tập ngay sau 24 giờ đầu.
Đột quỵ là bệnh có tỷ lệ tử vong và tàn phế cao nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa được. Để giảm nguy cơ đột quỵ, người dân cần khám sức khỏe định kỳ để tầm soát các yếu tố nguy cơ, nếu có bệnh thì cần được điều trị sớm, đặc biệt là với các bệnh lý chuyển hóa, béo phì, tăng huyết áp... Mỗi người cần rèn thói quen sống tích cực như không lạm dụng bia rượu, không hút thuốc lá hoặc sử dụng các chất kích thích; xây dựng chế độ ăn uống hợp vệ sinh, cân đối các chất, nên ăn nhiều rau xanh, hoa quả tươi, giảm muối, giảm mỡ; tăng cường tập thể dục hằng ngày, tránh tình trạng căng thẳng thần kinh quá mức và kéo dài.