Chuyên gia lưu ý cẩn trọng khi dùng đòn bẩy tài chính mua nhà

Theo nhiều chuyên gia, thời điểm này, nhà đầu tư cũng như người mua nhà để ở nên thận trọng dùng đòn bẩy tài chính, bởi nếu sử dụng sai cách đòn bẩy này, có thể rơi vào 'vòng xoáy nợ nần'.

Khổ vì vay nợ mua nhà

Chị Minh Hoa (phường Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: "Tôi vừa quyết định bán căn hộ chung cư mua cách đây 2 năm để trả ngân hàng chứ không gồng gánh được tiền trả gốc và lãi hằng tháng".

Chị Hoa cho biết, chị mua căn hộ rộng 65m2 giá hơn 3 tỷ đồng. "Lúc đó, tôi mua theo tiến độ và được hỗ trợ lãi suất 0% cho đến khi nhận nhà. Tôi bỏ ra 1 tỷ đồng và vay ngân hàng hơn 2 tỷ để mua nhà. Khi nhận nhà, năm đầu tiên, tôi phải trả cả gốc và lãi lên tới hơn 20 triệu đồng/tháng. Thời điểm đó, tâm lý có nhà mới nên 2 vợ chồng cố gắng làm ngày làm đêm trả nợ tiền nhà. Thế nhưng năm nay, công việc khó khăn, thu nhập của 2 vợ chồng tôi giảm một nửa nên mỗi lần đến ngày trả nợ đều chạy ngược chạy xuôi", chị Hoa nói.

Nhiều người khổ vì dùng đòn bẩy tài chính vượt khả năng của gia đình.

Nhiều người khổ vì dùng đòn bẩy tài chính vượt khả năng của gia đình.

Sau nhiều đêm mất ngủ, chị Hoa bàn với chồng bán căn nhà hiện tại, chấp nhận đi ở thuê để "nhẹ đầu". "Cũng may tôi bán nhà với giá cao hơn nên sau khi trừ tiền vay ngân hàng, vợ chồng tôi cũng có một khoản dư gửi ngân hàng đủ để trả tiền thuê nhà hằng tháng. Từ ngày bán nhà, không phải trả nợ ngân hàng, tôi ngủ ngon hơn hẳn", chị Hoa nói.

Còn anh Nguyễn Long (Hoàng Liệt, Hà Nội) chia sẻ: "Lúc nào tôi cũng nghe mọi người xung quanh nói nếu không vay tiền mua nhà thời điểm này thì lúc nào mới mua được nhà. Tôi cũng đánh liều vay 1,2 tỷ đồng để mua nhà hơn 3 tỷ đồng.

"Mặc dù được ưu đãi với mức lãi suất 5,5%/năm trong vòng 2 năm đầu nhưng tính ra mỗi tháng tôi cũng phải trả hơn 12 triệu đồng tiền gốc và lãi. Từ ngày mua nhà, tôi không dám đi nhậu với bạn bè vào buổi tối. Tôi cắt giảm chi tiêu hết sức và thay đổi mọi thói quen sinh hoạt. Nhiều lúc nghĩ khổ quá mà không biết làm thế nào, vì đã cố mua nhà rồi".

Thận trọng, tránh biến thành "vòng xoáy nợ nần"

Trong bối cảnh tài chính eo hẹp, đòn bẩy tín dụng được xem là công cụ then chốt giúp người trẻ tiếp cận nhà ở. Tuy nhiên, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng cảnh báo rằng, nếu sử dụng sai cách, đòn bẩy này có thể biến thành “vòng xoáy nợ nần”.

Theo ông, chỉ nên vay tối đa 80% trị giá căn nhà và đảm bảo khoản trả nợ hằng tháng không vượt quá 50% thu nhập ròng. Bên cạnh đó, cần có quỹ dự phòng ít nhất tương đương mức có thể trả nợ từ 6 - 12 tháng, để tránh rơi vào khủng hoảng nếu thất nghiệp hoặc biến động kinh tế.

Tuy vậy, hiện lãi suất cho vay thương mại vẫn ở mức 8 -10%/năm, khá cao so với thu nhập của người trẻ. Trong khi đó, thời hạn vay thường chỉ 15 - 20 năm, ngắn hơn so với khả năng chi trả thực tế, khiến áp lực trả nợ hằng tháng rất lớn.

Ngoài ra, ông Hiếu khuyến nghị người trẻ cần tính toán kỹ khả năng trả nợ trước khi quyết định vay, tránh tâm lý FOMO (sợ bỏ lỡ cơ hội) dễ bị quá sức. Việc lập bảng thu - chi và thử các kịch bản biến động thu nhập, lãi suất là rất cần thiết để đánh giá mức độ an toàn của khoản vay.

"Đòn bẩy tài chính là con dao hai lưỡi. Nếu không kiểm soát tốt, người vay dễ vướng vào nợ nần, thậm chí phải bán nhà khi thị trường đi xuống hoặc thu nhập không ổn định", ông Hiếu nói.

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, khoảng cách giữa thu nhập và giá nhà hiện nay “rất xa”. Nếu chỉ trông vào tiền lương, người trẻ phải mất 20-25 năm không chi tiêu mới đủ tiền mua nhà. Vì vậy, cần 3 điểm tựa để thực hiện đòn bẩy tài chính: lựa chọn căn nhà phù hợp, lựa chọn đối tác tài chính an toàn và có phương án tài chính cá nhân rõ ràng. Không nên vay nóng, tín dụng đen để mua nhà.

Ngọc Mai

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/chuyen-gia-luu-y-can-trong-khi-dung-don-bay-tai-chinh-mua-nha-post1756514.tpo