Giang sơn tinh gọn, Việt Nam cất cánh!
Với quyết định 'sắp xếp lại giang sơn', địa phương và doanh nghiệp chắc chắn đều được hưởng lợi. Các địa phương được sáp nhập, đổi tên, giờ đã có 'người đồng hành' là các địa phương lân cận mạnh hơn để ưu tiên phát triển vùng.

Phường Cửa Nam, Hà Nội trong ngày đầu tiên vận hành mô hình chính quyền 2 cấp. (Ảnh: Thành Long)
Công cuộc cải cách hành chính của Việt Nam kể từ sau năm 1986 là một quyết định mang tính chiến lược, giúp đất nước bứt phá tạo ra một vận hội mới mang tính lịch sử. Điều quan trọng là quyết định này được sự ủng hộ, đồng thuận và tin tưởng tuyệt đối của toàn toàn dân. Mô hình chính quyền 2 cấp tinh gọn được mong chờ sẽ hoạt động hiệu quả cả về thời gian, nguồn lực và chi phí.
Khởi đầu cho một vận hội phát triển mới
Một đất nước chỉ có thể phát triển bền vững khi đồng thuận về yếu tố con người, đồng nhất về yếu tố vật lý, địa lý. Trước đây, sau thời kỳ Đổi mới, mô hình hoạt động cũ dần thiếu hiệu quả, bộc lộ rõ bộ máy cồng kềnh, cơ chế chồng chéo và nhiều cơ chế trung gian không cần thiết, phân cấp phân quyền chưa rõ ràng, đồng thời hệ thống thể chế và chính sách cũng còn nhiều điểm chưa đồng bộ và bất cập. Cơ chế này không theo kịp với tốc độ phát triển của kinh tế, xã hội và tốc độ phát triển của thế giới.
Để giải quyết được những vấn đề mang tính cốt lõi trên, việc tái cấu trúc đơn vị hành chính cấp tỉnh là một quyết sách mang tính sống còn của quốc gia, giúp tối ưu hóa nguồn lực và nâng cao hiệu quả quản lý. Đây là sự khởi đầu cho một vận hội phát triển mới, hướng tới một Việt Nam phát triển bền vững, kiến tạo giá trị mới và duy trì những giá trị bền vững đã tồn tại cùng sự phát triển của nền văn hóa của cả dân tộc.
Cụ thể hơn, việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh từ 63 xuống còn 34 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, xuất phát điểm từ cốt lõi với mong muốn phát triển đồng bộ thay thế việc phát triển cục bộ và dàn trải. Việc tinh gọn bộ máy hành chính dựa trên nguyên tắc phát huy lợi thế của nhau, bổ sung để tạo ra sức cộng hưởng trong một khu vực vệ tinh nhất định.
Chẳng hạn, Hải Dương sáp nhập với Hải Phòng sẽ hình thành nên một trọng tâm tăng trưởng khu vực Đồng bằng sông Hồng, tạo sự tối ưu trong việc sử dụng nguồn lực, với một bên là đô thị mới đồng bộ, một bên là thế mạnh về văn hóa xã hội, nông nghiệp, đặc sản địa phương. Từ đó, giúp phát triển toàn bộ khu vực một cách hài hòa, thống nhất và tăng trưởng nhanh không chỉ theo cấp số cộng.
Bộ máy tinh gọn - đồng nghĩa với việc giảm số lượng nhân sự, ngân sách nhà nước được thắt chặt và sử dụng hiệu quả, dành nguồn lực đó để phát triển các dự án đầu tư, nâng cao cơ sở hạ tầng công cộng phục vụ toàn dân.
Ở góc độ vĩ mô, việc giảm các cấp hành chính giúp giảm sự chồng chéo, phân mảnh trong quản lý nhà nước, đặc biệt là các quy hoạch phát triển vùng, liên vùng, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng và thuận lợi cho doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Xét về mặt nguồn vốn, việc khai thông môi trường kinh doanh giúp việc thu hút nguồn lực của các nhà đầu tư nước ngoài sẽ hiệu quả hơn, đây cũng là một trong những trụ cột quan trọng để phát triển đất nước, tạo đà tăng trưởng cho nhiều khía cạnh khác như tạo thu nhập cho nhân lực địa phương, phát triển kinh tế chung cho khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
Đồng thời, tập trung nguồn lực để đầu tư giao thông và hạ tầng đồng bộ. Khi các vùng kinh tế lớn được hình thành với quy hoạch ổn định, rõ ràng, phân cấp phân quyền chuẩn mực, các doanh nghiệp trong và ngoài nước sẽ tiếp cận thị trường khu vực nhanh gọn hơn, việc đầu tư và thương mại sẽ được thu hút và triển khai một cách nhanh chóng và dễ dàng.
Chuỗi giá trị phục vụ cho các doanh nghiệp đầu tư này cũng sẽ được tăng trưởng, như chuỗi giá trị nông nghiệp với các vùng sản xuất nông nghiệp quy mô lớn liên vùng, hoặc chuỗi giá trị du lịch với các tuyến du lịch liên vùng, đẩy mạnh phát triển và quảng bá các sản phẩm du lịch địa phương, mà không bị giới hạn bởi các ranh giới hành chính rời rạc như trước đây. Đây là bước đi tất yếu, giúp giải quyết các điểm nghẽn trong phát triển kinh tế vùng mà với cơ chế cũ chúng ta chưa giải quyết được triệt để.

Mô hình chính quyền 2 cấp được mong chờ sẽ hoạt động hiệu quả cả về thời gian, nguồn lực và chi phí. (Ảnh: Gia Thành)
Địa phương thêm "người đồng hành"
Điều quan trọng nhất ở thời điểm hiện tại là tất cả cần phải chuyển hóa thành hành động một cách hợp nhất, đồng bộ, quyết liệt, quyết tâm, một lòng.
Với quyết định sáp nhập này, địa phương và doanh nghiệp chắc chắn đều được hưởng lợi. Các địa phương được sáp nhập, đổi tên, giờ đã có “người đồng hành” là các địa phương lân cận mạnh hơn để ưu tiên phát triển vùng, họ sẽ tận dụng lợi thế sẵn có của mình về địa lý, tài nguyên và hạ tầng để hợp nhất với thế mạnh của các địa phương trọng tâm, để ưu tiên phát triển toàn khu vực.
Từ đó, thay vì các thương hiệu của địa phương nhỏ, nay sẽ có các vùng thương hiệu lớn hơn, dễ nhận biết trên bản đồ đầu tư, kinh doanh, văn hóa, du lịch. Đối với cộng đồng doanh nghiệp, đây là cơ hội để họ mở rộng quy mô hoạt động theo địa lý, tiếp cận thị trường rộng hơn và giảm tải thủ tục hành chính nhiều hơn.
Hạ tầng đồng bộ và phát triển giúp doanh nghiệp giảm chi phí vận tải, logistics, từ đó giảm chi phí hàng hóa sản xuất và thương mại, người hưởng lợi trực tiếp là người tiêu dùng.
Ngoài ra, khi các liên kết vùng được hình thành, các chính sách và cơ chế ưu đãi về thuế, đất đai, nguồn vốn sẽ được đề xuất nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp mong muốn đầu tư, sản xuất và thương mại, kết nối liên doanh nghiệp để nâng cao năng lực cạnh tranh cho một sản phẩm hàng hóa nhất định.
Cần tư duy đồng bộ, có trọng tâm
Việc địa phương nỗ lực chủ động nhận biết lợi thế của mình để đề xuất các chính sách và chương trình hành động cụ thể hòa nhập vào các đơn vị hành chính lớn vì một mục tiêu chung của đất nước chính là điểm mấu chốt giúp đẩy nhanh tiến độ triển khai và thông suốt trong quá trình vận hành.
Để hiện thực hóa mục tiêu “sắp xếp lại giang sơn” vì sự thịnh vượng như thông điệp của Tổng Bí thư Tô Lâm đã gửi gắm đến từng địa phương, từng cán bộ, từng người dân, cần có những giải pháp đồng bộ từ Trung ương đến địa phương và sự chủ động từ cộng đồng doanh nghiệp.
Nhà nước và Chính phủ đóng vai trò then chốt trong "đầu tàu" dẫn đường, vì vậy, chính sách và thể chế cần sớm được hoàn thiện, ban hành các quy hoạch cấp vùng, liên vùng một cách chi tiết và cụ thể, giao cho các địa phương hiện thực hóa chương trình hành động về hành chính, đầu tư, kinh doanh, đảm bảo phù hợp với mô hình mới để vận hành một cách trơn tru, ít vướng mắc nhất có thể.
Để hiện thực hóa mục tiêu “sắp xếp lại giang sơn”, từng cán bộ, từng người dân, cần có những giải pháp đồng bộ từ Trung ương đến địa phương và sự chủ động từ cộng đồng doanh nghiệp.
Về thủ tục hành chính, cần tiếp tục tinh giản, thông thoáng, tăng cường Chính phủ số, đẩy mạnh dịch vụ công để giảm thời gian và chi phí cho người dân và doanh nghiệp. Phát triển hạ tầng ưu tiên các dự án kết nối vùng, các dự án kết nối khu công nghiệp-cảng, đa dạng mô hình giao thông trên các tuyến trọng điểm.
Về cán bộ quản lý, không nhất thiết phải thực hiện di dời trụ sở và cán bộ tỉnh nhỏ sang địa bàn trung tâm, mà cần đẩy mạnh số hóa để các cán bộ có thể làm việc từ xa, đồng thời chia đều các trụ sở để dễ dàng hỗ trợ người dân và doanh nghiệp khi cần, tiếp tục bồi dưỡng cán bộ có đủ kiến thức chuyên môn và ngoại ngữ để sẵn sàng thực chiến.
Đối với địa phương, cần chủ động đưa ra chương trình hành động phù hợp để với yếu tố địa lý, bản địa và phát triển nguồn lực nội tại phù hợp với thế mạnh của đơn vị sáp nhập.
Đối với cộng đồng doanh nghiệp, cần chủ động thích ứng, mở rộng cơ hội đầu tư và ưu tiên các khu vực lân cận để một mặt giúp địa phương tăng năng lực đồng đều về tất cả các phương diện, chủ động liên kết với các doanh nghiệp trong khu vực để nâng cao chuỗi giá trị địa phương.
Doanh nghiệp và địa phương cần chủ động tạo điều kiện và không gian, môi trường để cùng nhau phát triển. Trong đó, đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ số là điều tiên quyết.
Có thể khẳng định, quyết định tái cấu trúc đơn vị hành chính là một sự kiện lịch sử. Đây chính là thời khắc chín muồi để tất cả các tổ chức chung tay hành động, biến điều chưa có thành có thể, biến điều sẵn có thành thứ mạnh mẽ hơn. Tất cả vì mục tiêu cuối cùng là hình thành một Việt Nam hợp nhất - mạnh mẽ - phồn vinh.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/giang-son-tinh-gon-viet-nam-cat-canh-319667.html