Cảnh báo xu hướng quảng cáo rượu bia nhắm đến phụ nữ
Nhiều chuyên gia cảnh báo các quảng cáo đồ uống có cồn nhắm vào phụ nữ có thể làm gia tăng chứng rối loạn sử dụng, lạm dụng rượu.
Màu xanh có nghĩa là bé trai, màu hồng là bé gái. Những tín hiệu phân biệt giới tính từ lâu đã xuất hiện và tồn tại trong cuộc sống. Nhiều nhà tiếp thị sử dụng các định kiến và quy tắc giới tính tương tự để thuyết phục khách hàng mua sản phẩm của họ và nó dường như luôn hiệu quả.
Một nghiên cứu năm 2018 được thực hiện tại thành phố New York (Mỹ) cho thấy phụ nữ sẵn sàng trả nhiều hơn tới 13% số tiền cho cùng một loại hàng hóa như nam giới - từ sản phẩm chăm sóc cá nhân đến sản phẩm sức khỏe - nếu chúng được đổi thương hiệu để nhắm mục tiêu cụ thể đến phụ nữ.
Những năm gần đây, ngành công nghiệp rượu bia cũng đang tận dụng đặc điểm này để hướng đến nhóm khách nữ giới, từ việc thay đổi bao bì, độ cồn đến chú ý lượng calo.
Các tổ chức phòng chống lạm dụng đồ uống có cồn, cơ quan y tế và truyền thông liên tục đưa tin về thực tế là ngày càng có nhiều phụ nữ uống đồ có cồn ở mức độ không tốt cho sức khỏe, cũng như tình trạng gia tăng số phụ nữ uống rượu và tử vong liên quan đến rượu.
Tuy nhiên, trước bối cảnh ngày càng nhiều quảng cáo rượu nhắm đến phụ nữ được đưa ra, những thông điệp, lời cảnh báo đó dường như chưa được xem trọng.
Chiêu trò
Các chuyên gia cho biết giới tiếp thị thường liên kết việc uống rượu với những gì phụ nữ đang tìm kiếm: tình bạn, sự thư giãn hay trao quyền.
“Các công ty rượu cho phụ nữ thấy rằng: chỉ cần họ có được sản phẩm phù hợp, đồ uống có cồn phù hợp, họ có thể đạt được bất cứ điều gì”, Anathansia Daskalopoulou, giảng viên bộ môn Marketing tại trường Quản lý, ĐH Liverpool, cho biết.
Khi Carol Emslie, giáo sư chuyên nghiên cứu về sử dụng và lạm dụng chất kích thích, cùng đồng nghiệp nói chuyện với những phụ nữ trong độ tuổi 30-40, họ nhận thấy rằng nhiều người coi việc uống rượu như một cách để “thể hiện bản sắc của mình ngoài những trách nhiệm chính trong cuộc sống”, chẳng hạn như sự nghiệp hoặc áp lực chăm sóc con cái.
Hiểu được điều đó, các nhà tiếp thị rượu tập trung nhấn mạnh vào những ham muốn này để chào mời phụ nữ mua đồ uống có cồn.
Theo bà Anathansia, xu hướng tiếp thị tập trung vào phụ nữ không có gì đáng ngạc nhiên khi quyền lực kinh tế xã hội của phụ nữ tăng lên.
"Họ tập trung vào vóc dáng thon gọn, cân nặng, bao bì màu hồng, ánh nhũ, thông điệp về tình chị em, tình bạn, tình mẫu tử và cả sự quyến rũ, các thông điệp trao quyền vào những ngày kỷ niệm như Quốc tế Phụ nữ, Valentine...", bà cho biết.
Năm ngoái, nhân ngày Quốc tế Phụ nữ, một cửa hàng rượu ở bang Washington (Mỹ) bán 1.000 chai rượu cho phụ nữ với giá một cent (0,01 USD), trong khi thương hiệu Bacardi cho ra mắt loại rượu mới có vị đào, chanh hoặc dưa chuột được quảng cáo là hoàn hảo cho "một ngày đi spa”.
Hậu quả
Kate Baily, người dẫn chương trình, đồng tác giả của cuốn sách Love Yourself Sober: A Self-Care Guide to Alcohol-Free Living for Busy Mothers (Tạm dịch: Yêu bản thân một cách tỉnh táo: Hướng dẫn tự chăm sóc bản thân cho các bà mẹ bận rộn không cần đến rượu), cho biết tác động của tiếp thị rượu đến các bà mẹ là một vấn đề đáng quan tâm.
Cô cho rằng các quảng cáo rượu vẽ ra bức tranh phụ nữ sử dụng đồ uống có cồn như một cách giải tỏa căng thẳng hay phần thưởng tự tặng mình vào cuối ngày. Bên cạnh đó, mạng xã hội cũng tạo ra sức ảnh hưởng không nhỏ khi lan truyền những hình ảnh không thật về cuộc sống làm mẹ.
"Chúng tôi cảm thấy các bà mẹ là nhóm rất dễ bị tổn thương về sức khỏe tâm thần. Cứ 3 người thì có 1 người gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần khi mới làm mẹ", Kate nói. Điều đó có nghĩa là một số người có nguy cơ mắc chứng rối loạn sử dụng rượu, đặc biệt nếu họ uống theo cách được khuyến khích trên mạng hay quảng cáo.
Theo một nghiên cứu năm 2016 được công bố trên tạp chí y khoa Anh BMJ, phụ nữ đang uống rượu với tỷ lệ gần như tương đương nam giới. Các số liệu thống kê cũng cho thấy tình trạng lạm dụng rượu ở phụ nữ đang gia tăng.
Một nghiên cứu năm 2017 của Mỹ cho thấy chứng rối loạn sử dụng rượu ở phụ nữ tăng vọt 83% từ năm 2002 đến 2013, một nghiên cứu ở Anh vào cùng năm cũng cho ra kết quả số phụ nữ tử vong do rượu đạt con số cao nhất kể từ năm 2008.
Các chuyên gia cũng lo lắng về khả năng trẻ em tiếp nhận những thông điệp vốn nhắm đến người lớn, tiềm ẩn những hệ lụy cho cuộc sống sau này.
“Những gì chúng ta cần nhớ là quảng cáo rượu bình thường hóa việc uống rượu. Những người trẻ tuổi đang sử dụng các phương tiện truyền thông giống nhau và có thể tiếp nhận những thông điệp về rượu như người lớn”, bà Carol cảnh báo.
Bà cho rằng các chính phủ nên có giải pháp để hạn chế quảng cáo rượu, điều chỉnh các loại thông điệp nhắm đến phụ nữ nói riêng. Điều đó có thể góp phần hạn chế một số hậu quả mà loại hoạt động tiếp thị này gây ra, cũng như thúc đẩy các tổ chức quảng bá lối sống không rượu.