'Cánh bướm' Apple đã chết
Được đánh giá là một trong những tính năng tệ hại nhất trên MacBook, bàn phím 'cánh bướm' cuối cùng đã bị Apple loại bỏ.
MBài viết là quan điểm của biên tập viên Dieter Bohn, The Verge.
Sau khi Apple công bố chiếc MacBook Pro 13 inch mới, họ đã chính thức chia tay một trong những thiết kế tệ hại nhất trong lịch sử: bàn phím cánh bướm.
Mất 5 năm để Apple cố gắng sửa chữa thiết kế này nhưng không thành, và chỉ 6 tháng để họ chuyển toàn bộ dòng máy tính xách tay sang bàn phím mới với thiết kế "cắt kéo" phổ thông hơn.
Đây là tiến độ rất đáng kinh ngạc, nhưng quyết định Apple đưa ra vẫn là quá trễ. Họ gắn bó với thiết kế phím cánh bướm quá lâu, làm tổn hại đến hình ảnh của mình và khiến người dùng tốn kém, khó chịu.
Vẫn còn rất nhiều người dùng phải tiếp tục gắn bó với bàn phím cánh bướm. Nó có thể đã biến mất khỏi Apple Store, nhưng vẫn còn được sử dụng rộng rãi trên thế giới.
Thời đại mới đi cùng bàn phím gây tranh cãi
Kỷ nguyên của bàn phím "cánh bướm" bắt đầu với mẫu MacBook 12 inch ra đời năm 2015. Mẫu MacBook này mang ngôn ngữ thiết kế rất mới lạ, với đặc điểm là cổng Type-C và bàn phím bướm.
Trong một khoảng thời gian ngắn, đây giống như chiếc MacBook biểu tượng của Apple, nhưng nó không thể thành công vì quá nhỏ, yếu và đắt.
Chiếc MacBook tí hon này đã để lại dấu ấn là cơ cấu bàn phím được đưa lên toàn bộ dòng MacBook Pro và MacBook Air sau đó. Apple rõ ràng là rất tin tưởng thiết kế này và nghĩ rằng lợi ích của bàn phím sẽ vượt trội so với những điểm bất tiện.
Lợi ích lớn nhất của thiết kế này là bàn phím rất mỏng, đem lại nhiều không gian cho các linh kiện khác và khiến cả máy mỏng đi. Bàn phím cũng có cảm giác "chắc" hơn, khi ấn vào giữa hay các góc đều như nhau.
Tuy nhiên những lợi ích đấy đã không bù đắp được phần lỗi. Lỗi lớn nhất của bàn phím là nó không đáng tin cậy, dễ hỏng ngay khi có một hạt bụi nhỏ lọt vào phía dưới. Tệ hơn thế, cách thiết kế laptop của Apple khiến cho thay thế riêng một phím là việc bất khả thi. Người dùng phải mang tới trung tâm bảo hành của hãng để tháo cả máy ra.
Bàn phím này đã được nêu tên trên rất nhiều báo về công nghệ, giúp người dùng nhận ra nó tệ hại thế nào. Mặc dù tới tháng 11/2019 Apple đã ra mắt bàn phím "mới" trên chiếc MacBook Pro 16 inch, họ vẫn cố gắng bảo vệ và sửa chữa bàn phím cánh bướm nhiều năm liền.
"Thế hệ thứ hai" của bàn phím này được giới thiệu năm 2016. Tới năm 2018, họ lại cho thêm một miếng silicone dưới từng phím để chống bụi, mặc dù Apple cho rằng miếng này để bàn phím êm hơn.
Thế hệ thứ ba, hoặc có thể là thứ tư tùy theo cách tính của bạn, vẫn được hãng giới thiệu với nhiều cải tiến hơn, cho tới khi Apple đưa ra thế hệ cuối cùng của phím cánh bướm với "vật liệu mới" năm 2019.
Apple sửa lỗi
Apple cũng thừa nhận lỗi của bàn phím này, nhưng theo cái cách khiến mọi người nghĩ rằng đây không phải vấn đề lớn. Họ giới thiệu chế độ bảo hành bàn phím kéo dài 4 năm vào năm 2018, và áp dụng cho cả những máy ra mắt sau đó.
Chỉ có Apple biết rõ vấn đề này ảnh hưởng sâu rộng thế nào với họ và liệu có làm doanh thu MacBook sụt giảm không. Về phía người dùng, thiết kế này khiến cho họ khó chịu khi gõ phím, và khó sửa chữa khi nhiều cửa hàng Apple đóng cửa trong mùa dịch.
Đây là một đòn nặng đối với danh tiếng của Apple. Nhiều người nghĩ rằng Apple sẵn sàng đổi sự tiện dụng lấy độ mỏng, và bàn phím cánh bướm là minh chứng rõ nhất. Với những người nghĩ Apple cố tình làm laptop tệ hơn để tăng phí sửa chữa, đây cũng là ví dụ.
Không chỉ là chất lượng tệ hại, cách Apple xử lý khủng hoảng này cũng khiến cho danh tiếng của họ bị ảnh hưởng. Nó khiến nhiều người dùng nghi ngờ Apple: làm sao họ có thể vô tình, hoặc cố ý không thừa nhận sản phẩm tệ hại của mình?
Tương lai của dòng Mac đang rất khó đoán, với nhiều thay đổi về cả phần cứng lẫn phần mềm. Câu trả lời của Apple sẽ là lời giải cho kỷ nguyên tiếp theo của máy Mac, và ít nhất là chúng ta không phải lo lắng rằng những thứ rất cơ bản như bàn phím sẽ trở thành vấn đề.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/canh-buom-apple-da-chet-post1080965.html