Cánh chim đầu đàn sẽ bay cao, bay xa
Gần 7 năm trước, Trưởng Ban Tuyên giáo Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) cùng đoàn công tác của TKV bay vào Ðà Lạt gọi điện rủ xuống Tổ hợp Bauxit - Nhôm Lâm Ðồng ở Tân Rai (huyện Bảo Lâm), tôi đồng ý ngay. Thời điểm đó, ý kiến về quyết sách khai thác bauxit ở Lâm Ðồng và Nhân Cơ (Ðăk Nông) đang nóng trên bàn nghị sự của Chính phủ, Quốc hội.
Đặc biệt trên mạng Internet rộ như nấm độc sau mưa những quan điểm phản biện gay gắt, sự chống đối và xuyên tạc thiếu thiện chí, thậm chí phản động về hệ lụy khai thác tài nguyên, sử dụng lao động người nước ngoài... Đến Tân Rai được nghe báo cáo giải trình của lãnh đạo Dự án, thị sát hiện trường khai thác, nhất là khi tiếp cận những cán bộ, công nhân từ vùng than Quảng Ninh vào - mọi người đều “an cư” trên miền đất mới giàu tiềm năng, điều kiện sinh hoạt, công tác phần lớn thuận lợi... nên rất hào hứng, tự hào khi được chung tay xây dựng đặt nền tảng cho ngành công nghiệp mới nhất, hiện đại nhất Việt Nam... Cũng đôi lần tiếp xúc với lãnh đạo Dự án, TKV và của tỉnh, tiếp nhận nhiều thông tin về tiến độ xây dựng, hoạt động trong chặng đường “vạn sự khởi đầu nan”, tôi ấp ủ dự định phải xuống tìm hiểu quá trình hoạt động nhưng đầu tháng 5 qua mới có dịp trở lại Công ty TNHH MTV Nhôm Lâm Đồng đóng tại thị trấn Lộc Thắng (Bảo Lâm)...
Trước chuyến đi, làm việc với UBND tỉnh, tôi được biết: TKV đang triển khai thực hiện hai Dự án ở Lâm Đồng: Dự án Tổ hợp Bauxit - Nhôm Lâm Đồng và Dự án Nhà máy Thủy điện Đồng Nai 5, đồng thời đang chuẩn bị đầu tư dự án điện năng lượng mặt trời trên hồ thủy điện Đồng Nai 5. Hoạt động của các dự án cho thấy hiệu quả cao và góp phần tích cực trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của vùng đất Nam Tây Nguyên. Riêng Dự án Tổ hợp Bauxit - Nhôm Lâm Đồng được TKV quyết định đầu tư theo Quyết định số 1396/QĐ-HĐQT ngày 30/6/2006, tổng mức đầu tư 15.414 tỷ đồng. Gói thầu EPC Nhà máy Alumin Lâm Đồng do Nhà thầu Chalieco Trung Quốc thực hiện, tháng 7/2008 khởi công xây dựng, đến cuối năm 2012 thi công cơ bản hoàn thành, bắt đầu chạy thử có tải đồng bộ, ra sản phẩm alumin. Ngày 1/10/2013, TKV đã chính thức bàn giao toàn bộ Dự án cho Công ty TNHH MTV Nhôm Lâm Đồng (LDA) tiếp quản, vận hành thương mại. Qua 5 năm vận hành đã cho thấy những tín hiệu lạc quan từ ngành công nghiệp khai thác, chế biến alumin.
Tại Văn phòng Công ty, Tổng Giám đốc Vũ Minh Thành niềm nở, hồ hởi phác họa: Đến nay, đã chứng minh Nhà máy có công nghệ tiên tiến, thiết bị chất lượng cao. Công ty nắm vững được công nghệ và quy trình vận hành Nhà máy Alumin, duy trì sản xuất an toàn, ổn định... - Ngừng lời, mời chúng tôi uống nước rồi anh chậm rãi giải thích: - Bột alumin có vai trò quan trọng trong ngành công nghiệp thế giới. Alumin dùng để sản xuất các sản phẩm hóa chất như: Phèn - Al2(SO4)3, AlCl3, Al2O3, Zeolite,… Sản xuất gốm sứ, thủy tinh và sản xuất giấy. Nó cũng thiết yếu trong ngành công nghiệp nhựa (sản xuất bao bì), cao su và sơn; sản xuất các sản phẩm thiết bị điện, chất kết dính, keo dán, và một số sản phẩm khác... Nhu cầu alumin trên thị trường thế giới ngày càng cao. Theo báo cáo của Hãng nghiên cứu Fitch Solutions, trong một vài năm tới, alumin vẫn trong tình trạng thiếu hụt do nhu cầu của các ngành công nghiệp xây dựng và chế tạo ô tô, một nguyên liệu nhẹ được dùng thay cho thép... Dự báo mức tiêu thụ alumin sẽ tăng từ 62,9 triệu tấn vào năm 2019 lên 79,7 triệu tấn vào năm 2028, mức tăng trung bình năm là 2,8%... Về sản xuất alumin ở LDA, ba năm đầu 2014 - 2016 dự án tuy bị lỗ theo kế hoạch đầu tư, song từ năm 2017 chuyển sang có lãi, rút ngắn thời gian lỗ kế hoạch 1 năm (năm 2017 lãi 379 tỷ đồng, năm 2018 lãi 1.708 tỷ đồng). Đến cuối năm 2018, Dự án Tân Rai nộp ngân sách địa phương và Trung ương 2.815 tỷ đồng. Bên cạnh đó, còn hỗ trợ 178 tỷ đồng cải tạo Tỉnh lộ 725 từ thị trấn Lộc Thắng (Bảo Lâm) đến Quốc lộ 20, hỗ trợ trên 99 tỷ đồng xây dựng các trường học, trạm y tế, làm đường, xây dựng chợ, nhà tái định cư cho các hộ dân tộc thiểu số nghèo...
Vậy sản phẩm alumin được tiêu thụ trên thị trường nào? - Trả lời câu hỏi này, nụ cười sáng gương mặt thanh thoát của người trung niên xấp xỉ tuổi 50, ánh mắt cởi mở, kiên nghị, Tổng Giám đốc với giọng nói nhẹ nhàng song không kém phần sôi nổi: - Sản phẩm của Nhà máy đạt chất lượng cao, được các khách hàng Ấn Độ, Trung Đông (UAE), Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan... ưa chuộng. Thực tế minh chứng: LDA đã làm chủ sâu về công nghệ, chất lượng sản phẩm luôn đạt loại 1 theo tiêu chuẩn quốc tế. Điều nổi bật trong sản xuất là Công ty đã xây dựng lịch trình sản xuất tối ưu, giảm số lần dừng sản xuất toàn nhà máy từ 4 lần theo KH xuống còn 3 lần trong năm 2018, giảm thời gian dừng sản xuất mỗi lần xuống còn 22 giờ/lần so với năm 2017 là 24 giờ/lần, duy trì sản xuất ổn định đạt sản lượng 675.700 tấn alumina quy đổi, đạt 104,0% so với KH, tăng trưởng trên 5,1% so với năm 2017.
Khi đồng nghiệp trong đoàn khơi gợi về tình hình công nghệ của Công ty, Phó Tổng Giám đốc Tường Thế Hà nhấn mạnh: - Cùng với việc làm chủ về công nghệ, Công ty đã tiếp cận sâu và làm chủ về mặt thiết bị. Một số thiết bị, chi tiết quan trọng, thiết bị đo lường, thiết bị điều khiển đã được chuyển dần sang dùng thiết bị của các nước tư bản, các hãng lớn, uy tín, tin cậy, hiệu quả cao hơn. - Ngưng lời đôi chút rồi Phó Tổng Giám đốc chợt trở nên say sưa như chạm tới điều tâm đắc: - Điều đáng mừng là thời gian qua, phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật rất được cán bộ, công nhân hưởng ứng. Năm 2018, LDA đã xem xét, cho phép triển khai thực hiện 34 ý tưởng, đề xuất, nghiệm thu 26 sáng kiến, giải pháp, tổng giá trị làm lợi 6,6 tỷ đồng, chi thưởng cho 94 lượt CBCNV với số tiền 84,5 triệu đồng... Từ một ngành công nghiệp hoàn toàn mới của đất nước, để phục vụ yêu cầu quản lý, LDA đã cơ bản hoàn thành bộ định mức phục vụ cho công tác quản lý nội bộ và trình ra Tập đoàn xem xét phê duyệt làm cơ sở xây dựng hệ thống định mức kinh tế kỹ thuật của ngành sản xuất alumina.
Tìm hiểu về hoạt động năm 2019, được biết Công ty sẽ phấn đấu sản xuất và tiêu thụ 650.000 tấn alumin quy đổi, doanh thu 5.760 tỷ, đóng góp ngân sách 420 tỷ và từ năm 2020 trở đi sản xuất vượt công suất thiết kế (650.000 tấn alumin). Để đạt những mục tiêu này, Công ty sẽ tiếp tục công tác nghiên cứu cải tiến các công đoạn trong dây chuyền công nghệ sản xuất alumin để giảm tiêu hao nguyên nhiên vật liệu đầu vào, ổn định và nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Đẩy mạnh quản trị chi phí nhằm hạ giá thành, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trong điều kiện thị trường alumin trên thế giới đang có nhiều biến động. Rà soát, hoàn thiện định mức kinh tế kỹ thuật đối với các công đoạn sản xuất từ khâu khai thác đến khâu chế biến khoáng sản. Hoàn thiện mô hình tổ chức, định biên sản xuất, các hệ thống quản lý, các quy định quản lý nội bộ…, nâng cao hơn nữa hiệu quả sản xuất alumin. Thời gian qua, LDA đã đẩy mạnh thực hiện Chương trình 5S - một phương pháp quản lý, sắp xếp nơi làm việc, được viết tắt của 5 từ trong tiếng Nhật gồm: Seiri (整理 Sàng lọc), Seiton (整頓 Sắp xếp), Seiso (清掃 Sạch sẽ), Seiketsu (清潔 Săn sóc), và Shitsuke (躾 Sẵn sàng). Do vậy, đơn vị tiếp tục quan tâm tới công tác an toàn - môi trường trên nguyên tắc phát triển sản xuất đi đôi với bảo vệ môi trường, tuân thủ đầy đủ các quy định của Nhà nước, tỉnh Lâm Đồng về bảo vệ môi trường, xây dựng môi trường công nghiệp điển hình trong hoạt động sản xuất kinh doanh, khai thác chế biến bauxit...
Sau này, tìm hiểu thêm về Chương trình 5S, Tuấn Anh - Chánh Văn phòng Công ty trầm trồ: “Sếp Vũ Minh Thành mê Chương trình này lắm, nhất là nội dung Seiton - Sắp xếp và Seiso - Sạch sẽ”! Lan man tâm sự với Tuấn Anh, tôi hay thêm: Tốt nghiệp Đại học Mỏ - Địa chất năm 1988, là thạc sĩ chuyên ngành khai thác mỏ, Vũ Minh Thành tâm đắc và ấp ủ tư duy xây dựng, thiết kế, khai thác mỏ phải được sắp xếp khoa học, hợp lý và phải gọn gàng, sạch sẽ. Từng là Trưởng phòng Kỹ thuật, rồi Phó Giám đốc một Công ty khai thác than ngoài Quảng Ninh, năm 2007 sang Campuchia làm quản lý cho một công ty đại diện của TKV, ở cương vị nào anh cũng khởi xướng, vận động đơn vị thực hiện nề nếp khai thác mỏ sao cho gọn gàng, sạch sẽ. Có người nói câu chuyện của anh quá lãng mạn, không tưởng, khó thực hiện... Tuy đơn phương nhưng ý tưởng của Vũ Minh Thành chưa khi nào nguội lạnh. Khi vào Bảo Lâm khai thác quặng bauxit, luyện alumin, thấy có điều kiện thuận lợi, Tổng Giám đốc quyết tâm khởi động lại ý tưởng từng ôm ấp. Đến nay, mỏ khai thác tuy chưa tuyệt đối như dự tính nhưng Vũ Minh Thành tương đối hài lòng vì được hoàn nguyên, rất gọn, đẹp... Mấy năm gần đây, Công ty chú trọng xây dựng mô hình nhà máy - công viên... Theo đó, mỗi phân xưởng có công viên, mỗi nhà máy có vườn hoa riêng. Có phân xưởng trồng hàng ngàn cây ăn quả: mít, ổi, mận, bơ... Dịp kỷ niệm sinh nhật Bác 19/5/2019, Công ty triển khai chương trình trồng 1.000 cây hoa giấy... Các tuyến đường trong nhà máy được thảm nhựa, kẻ vạch, biển giao thông, treo tranh ảnh... Thăm Công ty, Tổng Giám đốc TKV cảm nhận “vào trong nhà máy như đi vào rừng”; công trường khai thác như tranh vẽ. Môi trường nhà máy - công viên đã mang lại nhiều lợi ích cho người lao động. Đó là được làm việc trong môi trường giàu ôxi, mát mẻ, trong lành khiến mọi người thư giãn, sáng tạo... Tới thăm Làng Alumin, các chuyên gia nước ngoài trầm trồ khen sạch, xanh và xứng đáng là một mỏ mẫu mực bậc nhất Việt Nam, sạch đẹp trên thế giới...
Năm 2019, Công ty TNHH MTV Nhôm Lâm Đồng đặt mục tiêu không tăng trưởng về sản lượng mà sẽ tập trung vào chuẩn hóa quy trình, đi sâu vào quản lý chất lượng, quản trị chi phí. Do vậy, LDA đã triển khai 3 chương trình trọng tâm: Chương trình quản trị kế hoạch; Chương trình tin học hóa, tự động hóa và tối ưu hóa; Chương trình chuẩn hóa. Bên cạnh đó, tiếp tục đầu tư cho chương trình 5S, các biện pháp kỹ thuật, biện pháp tổ chức và tuyên truyền, giáo dục đảm bảo đạt mục tiêu an toàn sản xuất, an toàn lao động, an toàn môi trường, xây dựng mô hình “Doanh nghiệp ít người, trả lương cao”. Đồng thời, tiếp tục chú trọng xây dựng tác phong làm việc công nghiệp, thực hiện tốt công tác đào tạo nhằm xây dựng, phát triển nguồn nhân lực ngày càng lớn mạnh, bền vững...
Đặt bút kết thúc bài ký này, tôi chợt nhớ điều tâm đắc của Tổng Giám đốc Vũ Minh Thành khi chia tay: Để doanh nghiệp phát triển hiệu quả và bền vững, LDA phải tiếp tục quan tâm xây dựng, vun đắp các giá trị văn hóa và hình ảnh của Công ty... Quả thật chí lý khi một nhà quản lý kinh tế qua trải nghiệm đã tâm đắc điều này bởi “văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội”. Vâng, một khi tạo dựng được hình ảnh đẹp, thương hiệu uy tín trong và ngoài nước - dẫu rằng phải trải qua nhiều gian khó - văn hóa sẽ trở thành sức mạnh nội sinh, ngoại sinh tạo đà cho LDA, cánh chim đầu đàn của ngành công nghiệp non trẻ Việt Nam bay cao, bay xa trong hội nhập thế giới!