Cánh chim không mỏi
Là bác sĩ tuyến đầu chống dịch Ebola, ông Felix Baez (Cuba) từng phải đối mặt với 'cảnh tồi tệ nhất đời' trên 'mặt trận' Tây Phi. Nhưng thử thách ấy không thể ngăn cản ông hoàn thành sứ mệnh cao cả.
Là bác sĩ tuyến đầu chống dịch Ebola, ông Felix Baez (Cuba) từng phải đối mặt với “cảnh tồi tệ nhất đời” trên “mặt trận” Tây Phi. Nhưng thử thách ấy không thể ngăn cản ông hoàn thành sứ mệnh cao cả.
Lao vào tâm dịch
Năm 2014, bệnh Ebola bùng phát dữ dội ở khu vực Tây Phi khiến hơn 5.000 người thiệt mạng. Với tỷ lệ tử vong 90%, Ebola được xem là đợt dịch nguy hiểm nhất thế giới tại thời điểm ấy.
Hưởng ứng lời kêu gọi của chính phủ, bác sĩ nội khoa Felix Baez đã tình nguyện đến Sierra Leone (Tây Phi) cùng hơn 200 đồng nghiệp thuộc đoàn bác sĩ Henry Reeve của Cuba. Xếp vội hành lý và tạm biệt hai cậu con trai ngoan ngoãn, Felix Baez bước vào tâm dịch với tâm lý sẵn sàng sau đợt tập huấn ngắn ngày.
Thế nhưng, không đợt tập huấn nào có thể dự trù được hết những khó khăn mà đoàn bác sĩ Cuba phải đối mặt ở châu Phi: vật tư y tế tồi tàn, thiếu thốn cả nhu cầu cơ bản và số lượng bệnh nhân khổng lồ hoàn toàn chưa có ý thức phòng, chống dịch. Đội của bác sĩ Felix Baez phải thăm khám, chữa trị cho cả nghìn lượt người bệnh và đôi khi là cả những căn bệnh ngoài Ebola.
Sau một tháng làm việc tại châu Phi, sáng nọ, bác sĩ Baez bỗng lên cơn sốt và mê man. Dù được bảo hộ suốt thời gian làm việc nhưng điều không may đã đến, ông Baez chính thức nhiễm Ebola với tiên lượng nặng. Ngay lập tức, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phối hợp đưa ông đến thẳng bệnh viện ở Thụy Sĩ. Tại quê nhà Cuba, gia đình và đồng nghiệp bắt đầu cầu nguyện khi nắm được thông tin bác sĩ Baez sẽ được điều trị Ebola theo phương pháp mới nhất - một cơ hội liều lĩnh.
“Trời không phụ người lành”, bác sĩ Baez hồi phục nhanh đến thần kỳ và trở về Cuba trong vòng tay của gia đình và Bộ trưởng Y tế ngay tại sân bay. Nói đến quá trình “trở về từ cõi chết”, bác sĩ Baez hy vọng câu chuyện của ông là cảm hứng cho những bác sĩ tuyến đầu rằng “cứ cống hiến, cứ hy sinh rồi chúng ta sẽ vượt qua”.
Vào thời điểm mà những lời chúc tụng tán dương vẫn không ngớt, ông Felix Baez đã đề đạt nguyện vọng trở lại Sierra Leone làm việc. Và ông có mặt ở Tây Phi chỉ 10 ngày sau đó, để “hoàn tất những gì tôi đã bắt đầu”. Những nỗ lực của ông Felix Baez và đoàn bác sĩ Cuba được WHO ghi nhận và trao giải thưởng cao quý nhất về sức khỏe cộng đồng.
Thiên thần áo trắng
Bác sĩ Felix Baez là hiện thân sinh động của chủ nghĩa quốc tế cao cả mà cách mạng Cuba đã hun đúc qua nhiều thế hệ, là một phần của Lữ đoàn bác sĩ Henry Reeve thực hiện nghĩa vụ nhân đạo trên khắp thế giới do cố lãnh tụ Cuba Fidel Castro thành lập vào năm 2005.
Họ là những y, bác sĩ xuất sắc do Cuba đào tạo và luôn sẵn sàng đến bất cứ vùng thiên tai, dịch bệnh nào trên Trái đất. Không chỉ giỏi chuyên môn, Lữ đoàn Henry Reeve luôn thấm nhuần tinh thần người Cộng sản và lời dạy về chủ nghĩa y tế quốc tế của nhà cách mạng Che Guevara, người từng là bác sĩ chuyên khoa.
Hiện, có khoảng gần 8.000 bác sĩ Cuba làm việc tại hơn 21 quốc gia trên thế giới. Theo ước tính của WHO, Lữ đoàn Henry Reeve đã cứu hơn 80 nghìn mạng sống, điều trị cho gần 3 triệu người trong suốt 15 năm hoạt động. Họ đã có mặt ở Guatemala, Pakistan và cả Nepal trong trận động đất kinh hoàng năm 2015.
Để nói về lòng biết ơn với Lữ đoàn Henry Reeve thì có lẽ người dân Haiti là phù hợp nhất. Bác sĩ Cuba đã có mặt ở Haiti từ những năm 90 của thế kỷ trước, đã cùng người dân nước này vượt qua những cơn hoạn nạn ngặt nghèo như dịch tả, động đất. Họ là đoàn nhân đạo nước ngoài đầu tiên có mặt ở Haiti sau thảm họa năm 2016. Họ giữ lại mạng sống của hàng nghìn trẻ em Haiti gặp vấn đề sau sinh.
Mới đây thôi, trong đại dịch Covid-19, Lữ đoàn bác sĩ Henry Reeve đã lên đường đến I-ta-li-a để tham gia khống chế ổ dịch lớn nhất thế giới (thời điểm tháng 3) và nhận được tình cảm và sự biết ơn của người dân nước này. Danh thủ bóng đá Cristiano Ronaldo đang chơi ở Juventus đã gửi tặng các bác sĩ món quà biểu lộ lòng cảm phục và ngưỡng mộ.
Khi làn sóng Covid-19 thứ 2 bùng phát ở Đà Nẵng, đất nước Cuba anh em cũng gửi bác sĩ và thuốc chữa bệnh “chi viện” cho Việt Nam chống dịch.
Sứ giả hòa bình
Ngày 26-9 vừa qua, Hội đồng Hòa bình Thế giới (WPC) đã gửi thư đề cử Lữ đoàn bác sĩ Henry Reeve của Cuba cho giải thưởng Nobel Hòa bình năm 2020. Theo thống kê của Hội đồng Hòa bình Thế giới, các bác sĩ Cuba đã hỗ trợ các nạn nhân của 16 trận lụt, 8 cơn bão lớn, 8 trận động đất và 4 đại dịch y tế trên khắp thế giới mà nổi trội là đại dịch Covid-19. WPC nhấn mạnh rằng các hoạt động nhân đạo y tế là truyền thống đặc biệt tốt đẹp đã duy trì hàng thập niên của quốc đảo bé nhỏ này.
Đáp lời WPC, nhiều tổ chức nhân đạo trên thế giới cũng gửi thư ngỏ đề cử Lữ đoàn bác sĩ Cuba cho giải thưởng Nobel cao quý. Một hiệp hội công nhân viên ngành Bưu điện ở Canada trang trọng gửi lời cảm ơn đến các bác sĩ Cuba và gọi họ là những người “thuần khiết nhất”…
Dẫu không giành được giải Nobel Hòa bình nhưng với bác sĩ Felix Baez hay thế hệ bác sĩ thuộc Lữ đoàn Henry Reeve, mọi danh hiệu cao quý đều trở nên trống rỗng nếu họ không tiếp tục dấn thân và chấp nhận hy sinh ở những nơi cần họ nhất. Với họ, khát khao “chữa bệnh cứu người” vẫn luôn còn nguyên sơ như ngày đầu bước chân vào trường Y.
Để kết thúc bài viết này, xin mượn lời của lãnh tụ Cuba Fidel Castro phát biểu trong buổi lễ thành lập Lữ đoàn Henry Reeve: “Tốt nghiệp bác sĩ giống như mở ra cánh cửa dẫn đến hành động cao cả nhất mà một con người có thể làm cho người khác. Trong suốt lịch sử vị tha của nhân dân Cuba, đất nước chúng ta luôn sẵn sàng hỗ trợ y tế cho mọi quốc gia khi thảm họa ập đến, bất kể những khác biệt về ý thức hệ. Chúng ta không và sẽ không bao giờ phản bội lý tưởng cao cả này”.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/nhan-vat_1/canh-chim-khong-moi--631052/