'Cánh cổng lên phương Bắc'
Nói đến nước Đức, đa phần người Việt Nam sẽ nghĩ ngay đến thủ đô Berlin hay các đô thị lớn sầm uất như Frankfurt, Munich, Hamburg..., và không phải ai cũng biết cái tên Lubeck. Những năm gần đây, thành phố cổ được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào năm 1987 này đang trở thành điểm đến ưa thích của nhiều du khách Việt.
Nghệ thuật truyền thống: Đòn bẩy phát triển du lịch của Indonesia
Nằm ở phía Bắc nước Đức, kề bên bờ biển Baltic, kẹp giữa hai con sông Trave và Wakenitz nên Lubeck có dáng vẻ thơ mộng, thanh bình, đặc biệt là khí hậu ôn hòa, môi trường trong lành. Vào mùa xuân và mùa hè, khi các loài hoa, đặc biệt là hoa tulip, đua nhau nở trên bậu cửa sổ các ngôi nhà cổ hay trong các mảnh vườn, giữa những thảm cỏ xanh mịn như nhung, Lubeck trở nên rực rỡ như một bức tranh đa sắc màu, khiến du khách có cảm giác như lạc vào xứ sở cổ tích của anh em nhà Grimm.
Trực thuộc tiểu bang Schleswig Holstein, Lubeck có truyền thống lịch sử - văn hóa lâu đời. Xưa kia thành phố này là một trong những thành viên sáng lập Liên minh Hanseatic (Liên minh các thành phố thương mại của nước Đức thời Trung cổ), từng được mệnh danh là “Nữ hoàng Hanse” và là một khu vực tự trị, chỉ bị chấm dứt quyền tự trị bởi chính quyền Quốc xã vào năm 1937.
Mặc dù có quy mô nhỏ nhưng trong nhiều thế kỷ Lubeck đã đóng vai trò một thương cảng lớn bên bờ biển Baltic, có lẽ vì thế mà còn được gọi là “Cánh cổng lên phương Bắc”. Hiện thành phố còn sở hữu hơn 1.300 công trình kiến trúc cổ mang phong cách Gothic và Baroque, được tạo nên bởi các kiến trúc sư nổi tiếng và bàn tay tài hoa khéo léo của những người thợ thủ công Đức. Những khu phố thương mại cổ kính song vẫn toát lên vẻ thanh lịch, những con đường nhỏ lát đá cổ như những chứng tích sống động về quá khứ thịnh vượng của đô thị này.
Từ bao đời nay Lubeck đã được mệnh danh là “thành phố bảy ngọn tháp”. Những ngọn tháp của các công trình tôn giáo có từ thế kỷ XVIII vẫn lặng lẽ đếm thời gian qua những tiếng chuông ngân nga làm xao động lòng người, khiến thành phố càng mang vẻ yên bình, quyến rũ đến lạ kỳ.
Nổi tiếng nhất trong số đó là hai cổng thành còn sót lại từ thời Trung cổ. Holstentor là cổng phía Nam, được xây dựng vào những năm 1464 - 1478 và trở thành biểu tượng của thành phố với kiến trúc hai ngọn tháp tuyệt đẹp.
Dòng chữ Latin “Concordia domi foris pax” (Hòa hợp bên trong và hòa bình bên ngoài quốc gia) trên cổng thành được xem như triết lý về sự tự do, tự trị của thành phố. Bên trong cổng Holstentor có một bảo tàng về lịch sử vùng cửa khẩu từ thời Trung cổ. Phía Bắc là cổng Burgtor, được xây dựng năm 1444, mang tên một tòa lâu đài nằm bên sông Trave.
Cổng Burgtor cùng với cổng Holstentor là 2 trong tổng số 4 cổng thành của Lubeck còn sót lại đến nay, được xây theo kiến trúc Gothic và mang vẻ đẹp quyến rũ riêng khiến du khách không thể không ghé thăm. Nơi đây còn có tấm biển ghi thông tin Hoàng đế Pháp Napoleon từng ghé thăm thành phố vào năm 1806.
Quảng trường chính Market Square nằm ngay trung tâm thành phố là nơi tập trung các công trình kiến trúc tuyệt đẹp. Tòa nhà Lubecker Rathaus (hội trường thành phố) được xây dựng từ năm 1230 với một phong cách trang nhã bởi những người thợ lành nghề đầy khéo léo, được thắp sáng rực rỡ khi về đêm và thu hút rất đông khách tham quan.
Đặc biệt là phố Buddenbrookhaus - “khu phố thanh lịch” ở Lubeck, được xây dựng từ năm 1758 với rất nhiều cửa hiệu thời trang, đồ lưu niệm, bánh kẹo, nhà hàng, quán cà phê... luôn nhộn nhịp, sầm uất. Tâm điểm của khu vực trung tâm là nhà thờ Marienkirche (còn gọi là nhà thờ St. Mary) xây dựng từ thế kỷ XIII, mang kiến trúc Gothic. Đây là nhà thờ lớn nhất ở Lubeck đồng thời cũng là nhà thờ mái vòm cao nhất thế giới, được xem là hình mẫu của 70 nhà thờ ven biển Baltic.
Nằm đối diện nhà thờ Marienkirche là ngôi nhà của hai anh em nhà văn nổi tiếng Heinric Mann và Thomas Mann. Mặc dù ngôi nhà hiện nay được xây dựng lại không giống ban đầu nhưng mặt tiền được phục dựng nguyên gốc và bên trong nó là một bảo tàng tôn vinh Thomas Mann - người đã được trao giải thưởng Nobel Văn học năm 1929 với cuốn tiểu thuyết Gia đình Buddenbrookhaus.
Cần nói thêm rằng khi tham quan thành phố cổ xinh đẹp như thế giới cổ tích này, ít ai biết Lubeck đã bị tàn phá bởi các chiến dịch không kích của quân Đồng minh trong Thế chiến thứ II. Hầu hết các tòa tháp, ngôi nhà cổ bị đổ nát đã được khôi phục lại sau chiến tranh, thậm chí một số công trình được khôi phục ngay trước khi cuộc chiến kết thúc, chẳng hạn như cổng thành Holstentor.
Sau khi đã đi dạo, tham quan trung tâm thành phố và thưởng thức món kẹo hạnh nhân trứ danh - đặc sản nổi tiếng của Lubeck, du khách có thể tìm đến bãi biển Timmendorfer Strand để tận hưởng ngọn gió mát lành, bãi cát trắng tinh và làn nước biển trong xanh hiền hòa.
Cách trung tâm Lubeck chừng 15km, khu nghỉ mát Travemunde nằm ở cửa sông Trave được xây dựng từ thế kỷ XII đồng thời còn là một cảng biển để du khách có thể bắt phà sang “xứ sở nàng tiên cá” - đất nước Đan Mạch thuộc bán đảo Scandinave. Vào mùa hè, khu phố cổ vốn chỉ có khoảng vài chục cư dân bỗng trở nên náo nhiệt bởi rất đông người tới tham quan, nghỉ ngơi và tắm biển.
Hàng trăm năm qua các thế hệ cư dân Lubeck vẫn tự hào và nỗ lực bảo vệ truyền thống lịch sử, văn hóa cũng như vẻ thanh bình, kiều diễm của thành phố bằng ý thức văn hóa chuẩn mực, lối sống văn minh, không ồn ào nơi công cộng, giữ gìn môi trường sinh thái, tôn trọng kỷ cương phép nước nhưng cũng rất thân thiện, cởi mở, dễ mến trong ứng xử với du khách. Đó cũng chính là một lý do quan trọng khiến Lubeck trở thành một điểm đến không thể bỏ qua trên bản đồ du lịch nước Đức.
Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/du-lich/937501/canh-cong-len-phuong-bac-