Cánh cửa bứt phá đã hé mở
Ngày 26-5, chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về phát triển vùng kinh tế trọng điểm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo: Lãnh đạo các địa phương trong vùng cần đề cao trách nhiệm trong phát triển kinh tế vùng, không nên coi đây là sinh hoạt câu lạc bộ mà phải thực sự tận tâm, tận lực vì sự phát triển của cả vùng, của đất nước và từng địa phương. Không có địa phương nào có thể phát triển bền vững nếu các địa phương lân cận kém phát triển.
Bình Phước là tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam - vùng kinh tế năng động, mức độ phát triển kinh tế, đóng góp ngân sách và giữ vai trò động lực lớn nhất trong số các vùng kinh tế trọng điểm và các khu vực trong cả nước. Chỉ cần tăng 1% GRDP của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, sẽ làm GDP của cả nước tăng 0,55%. Đây là tỷ lệ đóng góp cao nhất so với tất cả các vùng còn lại. Điều đó cũng cho thấy vị trí, vai trò của Bình Phước trong phát triển kinh tế của cả nước và cũng như trong chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã khẳng định còn nhiều nút thắt cần tháo gỡ về thể chế phát triển vùng kinh tế trọng điểm, cần có biện pháp, lộ trình phù hợp, có việc làm ngay, có việc cần thời gian và việc làm ngay là phát huy tối đa vai trò hội đồng vùng. Thủ tướng chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, đề xuất Chính phủ cơ chế phù hợp để các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm tận dụng được tiềm năng, thế mạnh, không cạnh tranh lẫn nhau, làm suy yếu nhau.
Đây là một trong những vấn đề Bình Phước chờ đợi nhất thời gian qua. Bởi lẽ, so với các địa phương khác trong vùng, Bình Phước có khá nhiều bất lợi trong phát triển, thu hút đầu tư, đặc biệt là vị trí địa lý, hạ tầng xây dựng, nhân lực chất lượng cao. Những lợi thế, ưu điểm của Bình Phước chưa đủ mạnh để khỏa lấp được khó khăn, bất lợi. Lâu nay những vấn đề này hay những vấn đề nảy sinh trong quá trình phát triển liên quan đến nhiều địa phương trong vùng, thậm chí đến việc các địa phương cạnh tranh với nhau để thu hút đầu tư... khó giải quyết. Một trong những nguyên nhân lớn nhất là liên kết vùng yếu. Và với địa phương có nhiều bất lợi như Bình Phước thường phải chịu thiệt thòi. Hội đồng vùng được thành lập và theo tinh thần “tận dụng tiềm năng, thế mạnh, không cạnh tranh lẫn nhau, làm suy yếu nhau” sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn để Bình Phước giải được bài toán này. Đây cũng là cơ hội vàng để Bình Phước tăng tốc nhanh hơn nữa, sớm bắt kịp những địa phương phát triển mạnh trong vùng.
“Thuyền to thì sóng lớn”, nền kinh tế càng lớn, doanh nghiệp càng lớn, càng nhiều, sẽ có dư chấn càng lớn. Vì thế, đại dịch vừa qua, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cũng chịu ảnh hưởng mạnh nhất, doanh nghiệp và nhân dân cũng cần hỗ trợ để phục hồi nhiều nhất so với các vùng khác. Tại thời điểm này, có lẽ nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách nhất là tập trung tháo gỡ vướng mắc, có các biện pháp hỗ trợ hiệu quả, kịp thời cho người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch.
Và ngay trong chiều 26-5, Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ được tổ chức hội nghị trực tuyến cùng các bộ, ngành, doanh nghiệp với chủ đề “Hiến kế cải cách cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính giúp doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh sau dịch Covid-19”. Trong khó khăn luôn hé mở những cánh cửa mới. Từ chỉ đạo của Thủ tướng có thể thấy, vượt qua đại dịch, đứng giữa các địa phương có nhiều thế mạnh phát triển kinh tế, chắc chắn vẫn có những cánh cửa mở ra cho Bình Phước bứt phá.
Nguồn Bình Phước: http://baobinhphuoc.com.vn/content/canh-cua-but-pha-da-he-mo-201915