'Cánh cửa' hạ lãi suất để ngỏ

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell mới đây cho biết ngân hàng trung ương này có thể cắt giảm lãi suất sớm nhất vào tháng Chín nếu kinh tế Mỹ tăng trưởng theo lộ trình dự kiến.

Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang (Fed) Jerome Powell. Ảnh: THX/TTXVN

Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang (Fed) Jerome Powell. Ảnh: THX/TTXVN

Động thái mang tính bước ngoặt lịch sử này sẽ đưa Fed tiến gần đến hồi kết của cuộc chiến chống lạm phát kéo dài hơn hai năm.

Những con số biết nói

Trước đà tăng vọt của lạm phát, Fed đã thực hiện đợt tăng lãi suất nhanh nhất kể từ đầu những năm 1980, qua đó nâng lãi suất lên mức cao nhất trong hai thập kỷ, so với mức gần bằng 0 cách đây hai năm.

Với những nỗ lực của Fed, trong tháng Sáu, lạm phát tại Mỹ đã giảm xuống 2,5% so với mức 7,1% hai năm trước đó. Theo cựu Chủ tịch Fed tại St. Louis, Jim Bullard, lạm phát chỉ còn cách mục tiêu của Fed 50 điểm cơ bản. Mức hiện nay vẫn cao nhưng đã giảm so với trước.

Trong báo cáo chính sách tiền tệ gửi đến Quốc hội Mỹ vào đầu tháng Bảy, Fed đánh giá tình hình lạm phát của nước này đang hạ nhiệt và thị trường việc làm đã quay trở lại tình trạng trước đại dịch COVID-19.

Fed nhận định lạm phát đã giảm đáng kể vào năm ngoái và tiếp tục cho thấy những tiến triển hơn nữa trong năm nay. Ngân hàng trung ương này cho rằng có thể chỉ là vấn đề thời gian trước khi tốc độ tăng giá trong lĩnh vực dịch vụ nhà ở quay trở về mức trước đại dịch.

Ngày 30/7, Conference Board công bố số liệu cho hay niềm tin của người tiêu dùng Mỹ đã bất ngờ tăng lên mức 100,3, từ mức 97,8 đã được điều chỉnh giảm của tháng 6/2024. Kỳ vọng lạm phát của người tiêu dùng ổn định ở mức 5,4% trong tháng Bảy, phù hợp với các số liệu được chính phủ công bố vào đầu tháng cho thấy lạm phát của Mỹ đã chậm lại trong tháng Sáu.

Theo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 31/7, chi phí lao động tại nước này tăng nhẹ trong quý II/2024, khi tiền lương trong lĩnh vực tư tăng chậm nhất trong ba năm rưỡi. Đây là dấu hiệu nữa chứng tỏ lạm phát tại nước này tiếp tục xu hướng giảm.

Fed có nhiệm vụ kép là kiểm soát cả lạm phát và tình trạng thất nghiệp, và chú trọng vào việc hạ nhiệt lạm phát. Số liệu gần đây cho thấy thị trường lao động nới lỏng, dù tỷ lệ thất nghiệp vẫn gần mức thấp kỷ lục. Trong khi đó, nền kinh tế vẫn mạnh, với mức tăng trưởng 2,8% trong quý II/2024, cao hơn so với dự báo trước đó của các nhà kinh tế và cũng cao hơn tốc độ tăng trưởng 1,4% trong quý I/2024.

Các chuyên gia nhận định

kinh tế Mỹ tiếp tục thể hiện sự vượt trội so với các nước khác trên thế giới bất chấp việc Fed tăng lãi suất mạnh mẽ trong năm 2022 và 2023. Điều này là nhờ sự hỗ trợ từ thị trường lao động ngay cả khi tỷ lệ thất nghiệp đã tăng lên mức cao nhất 2 năm rưỡi là 4,1%.

Fed sẽ hạ lãi suất bao nhiêu lần?

Kiểm tiền USD. Ảnh: THX/TTXVN

Kiểm tiền USD. Ảnh: THX/TTXVN

Việc lạm phát cao trong thời gian dài hơn dự kiến đã khiến các nhà hoạch định chính sách của Fed giảm số lần hạ lãi suất dự kiến trong năm nay từ 3 lần xuống một lần. Khép lại cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày từ 30-31/7, Fed đã thông báo giữ nguyên lãi suất ở mức 5,25%-5,50% đúng như dự báo của thị trường.

Sau cuộc họp của Fed, chứng khoán thế giới đồng loạt tăng. Chuyên gia Karl Haeling của ngân hàng LBBW đánh giá, Fed đã thực hiện những gì thị trường mong đợi về việc mở ra cánh cửa cắt giảm lãi suất.

Trong cuộc họp báo sau cuộc họp, ông Powell lưu ý rằng sức ép giá cả trong nền kinh tế đang giảm bớt trên diện rộng và nếu số liệu sắp tới diễn biến như dự đoán, sự ủng hộ cho việc cắt giảm lãi suất sẽ tăng lên.

Theo ông Powell, nếu lạm phát giảm xuống phù hợp với kỳ vọng, tăng trưởng vững mạnh và thị trường lao động phù hợp với các điều kiện hiện tại, việc cắt giảm lãi suất có thể được đưa ra thảo luận tại cuộc họp vào tháng Chín.

Trà My (Tổng hợp)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/canh-cua-ha-lai-suat-de-ngo/342665.html