Cánh cửa vào thị trường châu Âu bắt đầu mở

Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội Việt Nam đã biểu quyết thông qua phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) với đa số phiếu tán thành. Việc phê chuẩn Hiệp định EVFTA giúp Việt Nam hướng tới thị trường tiềm năng lớn nhất với 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU), trong đó có nhiều quốc gia đứng đầu thế giới về đầu tư và thương mại, cũng là cánh cửa đưa Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Sức ép từ cạnh tranh buộc ngành nông nghiệp Việt Nam phải đổi mới phương thức sản xuất theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao. Ảnh: An Nhiên

Sức ép từ cạnh tranh buộc ngành nông nghiệp Việt Nam phải đổi mới phương thức sản xuất theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao. Ảnh: An Nhiên

Khẳng định tâm thế của Việt Nam trong hội nhập

Theo Bộ Công thương, cam kết chính của Hiệp định EVFTA là EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sau 7 năm. Ở chiều ngược lại, Việt Nam sẽ xóa 48,5% số dòng thuế nhập khẩu từ EU vào Việt Nam, sau 7 năm là 91,8% số dòng thuế, sau 10 năm là 98,3% số dòng thuế (phần còn lại áp dụng lộ trình xóa bỏ thuế dài hơn hoặc áp dụng hạn ngạch thuế quan theo cam kết WTO).

Với những cam kết trên, Hiệp định EVFTA sẽ là cú hích rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản - mặt hàng Việt Nam vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh. Theo đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công thương cho biết, đối với Hiệp định EVFTA, lần đầu tiên chúng ta đạt tới tỉ lệ ưu đãi cao nhất trong số các đối tác thương mại của Việt Nam, bởi ngay trong vòng 7 năm đầu tiên, 97% dòng thuế sẽ được giảm khi hàng hóa của Việt Nam vào EU.

Cũng theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, Việt Nam đã có 16 hiệp định thương mại tự do cả đa phương và song phương, trong đó, có nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với yêu cầu cao, tác động sâu rộng tới sự phát triển của quốc gia, tạo nền tảng quan trọng để đổi mới, hoàn thiện thể chế chính sách. Từ một nước đi sau, Việt Nam đã vươn lên thành nhóm đi đầu trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và đã gặt hái được nhiều thành công.

Minh chứng rõ nhất là ngành nông nghiệp, Việt Nam đã vươn lên mạnh mẽ trở thành nền kinh tế có nông nghiệp phát triển, thay đổi vượt bậc, đặc biệt là năng lực sản xuất. Việt Nam đã hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, có nhiều mặt hàng xuất khẩu đứng tốp 5 thế giới như: Cà phê thứ 2, gạo thứ 3, đồ gỗ thứ 5, thủy sản thứ 4.

“Trong bối cảnh thế giới diễn biến phức tạp, đa dạng, có nhiều trở ngại và thách thức mới từ chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, chủ nghĩa đơn phương, Hiệp định EVFTA sẽ giúp tiếp tục khẳng định hiệu quả, thế đứng và tâm thế của Việt Nam để hội nhập, đứng vững trên thị trường thế giới. Chúng ta không chỉ được hưởng thuế quan ưu đãi, mà còn có điều kiện để thực thi các chính sách phát triển, đảm bảo môi trường công khai minh bạch, thu hút nguồn lực quan trọng thông qua đầu tư nước ngoài” - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định.

Cơ hội rộng mở cho ngành nông nghiệp

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, các hiệp định thương mại tự do, trong đó có EVFTA là cơ hội để nước ta tiếp tục nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh của ngành nông nghiệp, bởi hiện, trong số 30 ngành hàng đạt 1 tỉ USD xuất khẩu thì nông nghiệp chiếm số nhiều. Và nông nghiệp nước ta vẫn còn nhiều dư địa để ta nghiên cứu tổ chức lại sản xuất, nâng cao năng lực cạnh trạnh.

Theo các chuyên gia, khi tham gia Hiệp định EVFTA, nông nghiệp Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu với các mặt hàng chiến lược và có lợi thế nhờ các cam kết cắt giảm thuế quan, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, mạng lưới sản xuất toàn cầu, đa dạng hóa nguồn cung nguyên liệu đầu vào cho sản xuất nông nghiệp.

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp còn có cơ hội nâng cao chất lượng sản phẩm và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa nhờ cắt giảm thuế nhập khẩu của Việt Nam và tuân thủ các quy định về truy suất nguồn gốc, lao động. Đồng thời đa dạng hóa các thị trường đầu tư tiềm năng ở nước ngoài cho doanh nghiệp Việt Nam. Việt Nam cũng có cơ hội mạnh thu hút đầu tư nước ngoài vào ngành nông nghiệp; tiếp cận tốt hơn với công nghệ, cải thiện năng lực quản lý, khả năng tự đổi mới của doanh nghiệp.

Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công thương cho rằng, EVFTA sẽ tác động trực tiếp tới ngành nông nghiệp thông qua cam kết mở cửa thị trường, cắt giảm thuế. Đồng thời, tác động gián tiếp, buộc chúng ta phải hội nhập mạnh để tìm thị trường và tạo cơ hội việc làm để phát triển những ngành sản xuất. Việc tạo việc làm ở lĩnh vực khác giúp người nông dân chuyển cơ cấu việc làm sang lĩnh vực khác từ lao động nông nghiệp, nông thôn sang lao động trong lĩnh vực dịch vụ, giá trị cao hơn. Bên cạnh đó, việc thực thi hiệp định cũng tác động gián tiếp tới khâu logicstics giúp quy trình này thuận lợi hơn, giúp gia tăng giá trị nông sản.

Theo ông Lương Hoàng Thái, phạm vi tác động của EVFTA đối với ngành nông nghiệp mở rộng nhiều, không chỉ đơn thuần là lĩnh vực thương mại, mà còn liên quan đến nhiều lĩnh vực và cần sử dụng những biện pháp khác với trước đây, như vấn đề đánh bắt cá bất hợp pháp, sản phẩm gỗ không được lấy từ rừng tự nhiên, hay gạo có sử dụng lao động trẻ em không. Trước đây, nếu doanh nghiệp xuất hàng sang châu Âu có nguồn gốc bất hợp pháp thì họ chỉ phạt doanh nghiệp, còn hiện nay, Nhà nước phải đứng ra bảo hộ, điều này đòi hỏi cả người nông dân, doanh nghiệp và Chính phủ cùng vào cuộc.

An Nhiên

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/canh-cua-vao-thi-truong-chau-au-bat-dau-mo-post429813.html