'Cánh cửa' xã hội hóa nạo vét đường thủy sắp mở lại
Sau nhiều năm tạm dừng, nhà đầu tư tiếp tục có cơ hội tham gia dự án nạo vét tận thu sản phẩm trên đường thủy.
Từ tháng 11/2019, thông tư của Bộ GTVT hướng dẫn về hoạt động nạo vét sản phẩm trong vùng nước đường thủy nội địa (ĐTNĐ) có hiệu lực thi hành.
Nhà đầu tư háo hức
Ông Nguyễn Minh Hưng, lãnh đạo Công ty CP xây dựng Tân Hưng (Hà Nội) cho biết: “Hơn 3 năm trước, chúng tôi liên kết với một DN khác xin cấp phép được một dự án nạo vét tận thu sản phẩm cát trên sông Hồng. Dự án không sai phạm gì, nhưng do có yêu cầu tạm dừng tất cả các dự án xã hội hóa nạo vét nên buộc phải dừng lại. Máy móc, thiết bị cho thuê, bán rẻ hoặc phải nằm một chỗ nên rất lãng phí. Chúng tôi đã có kinh nghiệm, sắp tới sẽ tiếp tục tham gia dự án xã hội hóa nạo vét để tạo việc làm mới cho người lao động”.
Tương tự, đại diện một DN đang được phép khai thác cát mỏ trên sông Đà thuộc địa bàn huyện Thanh Thủy, Phú Thọ cũng bày tỏ mong sớm có dự án xã hội hóa nạo vét đường thủy qua đoạn sông trên. “Chúng tôi đã được cấp phép khai thác mỏ cát nhưng khó khăn là luồng đi lại trên sông thường xuyên cạn, không đưa được tàu trọng tải lớn vào khu vực mỏ. Thậm chí, tàu trọng tải nhỏ phải chờ nước lên mới vào được. Chúng tôi mong có dự án nạo vét luồng khu vực này để tham gia đầu tư hoặc liên kết với đơn vị khác cùng đầu tư”, vị này nói.
Đại diện Cục Đường thủy nội địa VN cho biết, giai đoạn năm 2013-2014 bắt đầu có các dự án nạo vét đường thủy kết hợp tận thu sản phẩm cát, sỏi theo hình thức xã hội hóa đầu tư, không dùng vốn ngân sách. Các quy định thời điểm trên cho phép nhà đầu tư đề xuất dự án, khi được phê duyệt, nhà đầu tư nạo vét theo tiêu chuẩn luồng và dùng kinh phí thu được từ bán sản phẩm nạo vét để thực hiện dự án.
Tuy nhiên quá trình triển khai nảy sinh nhiều bất cập, kẽ hở khiến một số nhà đầu tư lợi dụng dự án để khai thác cát trái phép, gây bức xúc dư luận. Trong khi đó, việc cấp phép, yêu cầu thủ tục và công tác quản lý tại các địa phương không thống nhất, dẫn đến tình trạng lộn xộn, phức tạp.
Trước thực tế trên, từ trước tháng 2/2017, trên hệ thống đường thủy quốc gia chỉ còn 15 dự án còn thời hạn hoạt động nhưng đều được cơ quan có thẩm quyền yêu cầu tạm dừng, cũng như không cấp phép mới. Với các quy định mới được ban hành, sắp tới mới tiếp tục có các dự án xã hội hóa nạo vét đường thủy được phép triển khai.
“Tháng 11/2018, Chính phủ ban hành Nghị định 139, có hiệu lực từ 11/1/2019, quy định về quản lý hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển, vùng nước ĐTNĐ, trong đó có phần quy định riêng về xã hội hóa nạo vét. Từ đó, không ít nhà đầu tư quan tâm, gọi điện hỏi Cục và mong được thực hiện dự án xã hội hóa nạo vét đường thủy, dù vậy đến nay mới có thông tư để hướng dẫn cụ thể cho nhà đầu tư”, ông Nguyễn Văn Loan, phụ trách Phòng Quản lý kết cấu hạ tầng, Cục Đường thủy nội địa VN cho biết.
Ngăn “cát tặc” lợi dụng
“
UBND cấp tỉnh lựa chọn nhà đầu tư, quản lý dự án
Theo quy định chung, sau khi Bộ GTVT công bố danh mục dự án xã hội hóa đầu tư nạo vét đường thủy quốc gia, Sở GTVT các địa phương tổ chức lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án để mời thầu và đàm phán hợp đồng dự án, trình UBND cấp tỉnh phê duyệt. UBND cấp tỉnh tổ chức lựa chọn hoặc phân cấp, ủy quyền cho cơ quan cấp dưới tổ chức lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu thầu rộng rãi và thực hiện giám sát dự án theo quy định.
”
Theo đại diện Cục Đường thủy nội địa VN, hiện có nhiều đoạn, vị trí trên luồng, vùng nước đường thủy bị cạn, gây khó khăn cho vận tải thủy nhưng chưa thể bố trí nguồn vốn ngân sách để khơi thông, cần huy động vốn xã hội hóa. Năm 2019, Cục chỉ bố trí được vốn để nạo vét, khơi thông được các đoạn cạn trên 3 tuyến sông phía Nam và 1 tuyến sông miền Trung. Sắp tới, Cục sẽ đề xuất ưu tiên kêu gọi xã hội hóa đầu tư nạo vét đường thủy trên các tuyến vận tải quốc gia chính để tạo thuận lợi cho vận tải và đáp ứng nhu cầu đầu tư.
“Các tuyến sông có các đoạn vị trí luồng bị khan cạn điển hình là sông Hồng từ cầu Thanh Trì đến ngã ba Việt Trì, với khoảng hơn chục vị trí; toàn tuyến hạ lưu sông Đà với khoảng hơn chục đoạn. Dự kiến ngay cuối năm 2019, Cục Đường thủy nội địa VN sẽ đề xuất danh mục các dự án cụ thể để kêu gọi đầu tư theo Nghị định 159/2018 của Chính phủ và thông tư của Bộ GTVT mới ban hành”, ông Nguyễn Văn Loan nói và cho biết, danh mục các dự án trước khi được công bố để kêu gọi đầu tư đều được lấy ý kiến của địa phương liên quan để tạo đồng thuận, phối hợp quản lý chặt chẽ dự án ngay từ đầu.
Thủ tục triển khai cũng rất chặt chẽ, đơn vị thực hiện dự án phải đầu tư phương tiện, thiết bị thi công có gắn hệ thống thiết bị giám sát thi công, camera ghi hình; có đánh giá tác động môi trường và chịu giám sát cộng đồng. Sau khi tham gia dự án không được chuyển nhượng cho đơn vị khác; trường hợp chỉ cần có hiện tượng sạt lở bờ sông thì dự án tự động dừng.
Cục Đường thủy nội địa VN cho biết, để ngăn ngừa nguy cơ lợi dụng dự án xã hội hóa nạo vét để khai thác “cát tặc”, nội dung nghị định và thông tư hướng dẫn đưa ra hàng loạt yêu cầu cụ thể, phân rõ trách nhiệm và giám sát nghiêm ngặt đối với dự án trên tất cả các khâu, từ đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đến thi công, bàn giao dự án hoàn thành. Nhà đầu tư cũng có trách nhiệm lựa chọn tư vấn giám sát độc lập thi công, nghiệm thu và toàn bộ dự án; trường hợp cần thiết, cơ quan nhà nước có quyền lựa chọn tư vấn hỗ trợ giám sát thực hiện hợp đồng dự án.
“Cơ chế mới về quản lý dự án xã hội hóa nạo vét đã được ban hành, phân cấp quản lý cho địa phương. Việc các dự án triển khai được trên thực tế hay không phụ thuộc vào chính quyền các địa phương. Trường hợp dự án cấp thiết nhưng không lựa chọn được nhà đầu tư, Cục Đường thủy sẽ đề xuất Bộ GTVT bố trí ngân sách thực hiện nạo vét để đảm bảo khơi thông tuyến luồng đường thủy quốc gia”, đại diện Cục Đường thủy nội địa VN cho biết.