Cảnh đẹp nên thơ ở xứ Mường Ca Da
Mảnh đất Mường Ca Da cổ với những câu chuyện kì bí của cộng đồng các dân tộc thiểu số phía tây Thanh Hóa làm mê đắm người nghe. Trong khung cảnh nên thơ, mờ sương giữa núi rừng càng hút người ưa khám phá, du khách hiếu kỳ thích lãng mạn. Đối với bạn trẻ thích chụp ảnh, quay clip sẽ được thỏa thích thả hồn vào cảnh sắc, con người thân thiện nơi đây.
Bản Bút cách trung tâm TP Thanh Hóa khoảng 150km, nằm trong một vùng thung lũng rộng lớn, bao quanh là hơn 1.000 ha rừng nguyên sinh nên khí hậu quanh năm mát mẻ, trong lành. Đây là nơi định cư của 105 hộ dân tộc Thái. Người dân bản Bút phát triển du lịch cộng đồng nhờ sự kết hợp hài hòa giữa cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp và những giá trị văn hóa đậm đà bản sắc riêng. Những nếp nhà sàn truyền thống với nét kiến trúc đặc trưng là điểm nhấn trong bức tranh tuyệt đẹp của miền sơn cước này.
Để khai thác nét đẹp thiên nhiên, UBND xã Nam Xuân đã lựa chọn 5 hộ gia đình đồng bào Thái ở bản Bút làm thí điểm dịch vụ du lịch homestay. Đồng bào dân tộc Thái ở đây còn lưu giữ nhiều nét văn hóa mang đậm bản sắc truyền thống, như: trò chơi tó lẹ, ném còn, bắn nỏ, đi cà kheo, kéo co... Cộng đồng dân tộc Thái nơi đây còn gìn giữ được văn hóa ẩm thực đa dạng, phong phú được gìn giữ qua nhiều thế hệ, như: xôi ngũ sắc, cá suối nướng, cá đồ, thịt lợn cỏ, gỏi cá dốc, cơm lam, bánh ú... Khách tới lưu trú tại bản chỉ cần chọn món sẽ được thỏa mãn vị giác của mình.
Trưởng bản Bút Hà Công Chức hồ hởi khi chia sẻ với khách tới thăm bản: “Từ ngày làm du lịch cộng đồng, rất nhiều khách ở các nơi trong đó có cả nước ngoài tìm đến bản để khám khá. Được tiếp xúc, trao đổi với họ khiến người dân bản mở mang kiến thức, cách làm ngày một bài bản, có hiệu quả cao. Con em của bản cũng đã tự học ngoại ngữ, tiếng Anh để giao tiếp với người nước ngoài. Có thu nhập nên kinh tế của người dân từng bước được nâng lên. 105 gia đình là dân tộc Thái có cuộc sống ổn định.”
Một trong những điểm đến thích thú nhất của du khách khi tới bản Bút là hồ Pha Đay. Hồ có diện tích khoảng 2,2 ha nằm trên đỉnh núi có độ cao 1.200m so với mực nước biển. Hồ được bao bọc giữa rừng cây trên núi đá vôi hàng nghìn năm tuổi. Hồ Pha Đay mang trên mình sự hùng vĩ của núi rừng, sự mềm mại của làn nước hòa quyện cùng trời đất, núi rừng bao quanh, lúc xanh rêu, lúc xanh lam, khi lại lẫn sắc vàng của bóng cây, khi lại sắc trắng của những đám mây. Mặt hồ quanh năm như chiếc gương khổng lồ gom những nét đẹp nguyên sơ của núi rừng vào lòng.
Du ngoạn trên lòng hồ Pha Đay, du khách có thể dừng chân checkin tại các thửa ruộng bậc thang, cảnh đẹp nhất vào mùa nước đổ hoặc khi lúa chín. Tạị các điểm này đã có các điểm mặc thử trang phục của đồng bào Thái vô cùng thích thú. Người dân rất thân thiện, mến khách sẽ mang đến cho du khách không khí ấm áp, vui tươi sẽ hòa mình vào những làn điệu khua luống, uống rượu cần với các thiếu nữ nơi đây.
Nằm trên địa bàn xã Nam Xuân cách bản Bút không xa, còn có hang Phi (còn gọi là hang Ma) là địa danh du lịch được nhiều du khách khám phá. Nơi đây có nhiều núi đá vôi và rừng nguyên sinh bao bọc. Do hang Phi có dòng sông Luồng chảy qua, uốn khúc theo hình chữ S nên nó đã tạo thành một vòm hang rộng lớn. Nơi này còn gắn liền với những câu chuyện ly kỳ, bí ẩn của đồng bào dân tộc Thái về việc trong lòng hang chứa hàng trăm bộ xương người.
Khi đã cảm thấy đầy những cảm xúc với thiên nhiên cần nghỉ ngơi đôi chút thì thác Đun là sự lựa chọn hoàn hảo. Đây là thác nước đẹp trải dài từ lưng bản Nam Tân lên đến chân bản Đun Pù (Nam Xuân). Nơi đây là điểm đến lý tưởng vào những ngày hè nóng nực. Dưới chân thác có nhiều bến tắm đẹp, là điểm vui chơi của lũ trẻ trong bản.
Được biết, huyện Quan Hóa đã lập đề án phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương. Trong đó ưu tiên đầu tư phát triển du lịch cộng đồng tại bản Bút nhằm đa dạng các sản phẩm và hoạt động du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện. Với những giá trị văn hóa, ẩm thực đa đạng và độc đáo, sự nỗ lực của địa phương cùng tấm lòng hiếu khách của đồng bào Thái nơi đây, bản Bút có nhiều tiềm năng để trở thành điểm du lịch sinh thái hấp dẫn trong tương lai. Xã Nam Xuân phấn đấu đến năm 2023 thu hút hơn 800 lượt khách; năm 2025, có hơn 2.000 lượt khách mỗi năm (trong đó 60% là khách có lưu trú ít nhất 1 đêm). Từ năm 2025 trở đi, lượng khách tăng dần từ 5 - 10% so với năm trước. Năm 2023, tổng thu từ du lịch cộng đồng đạt từ 250 triệu đồng trở lên; năm 2025, tổng thu từ du lịch cộng đồng đạt khoảng 1 tỷ đồng.
Nguồn Công Lý: https://congly.vn/giai-tri/du-lich/canh-dep-nen-tho-o-xu-muong-ca-da-504112.html