Cánh diều 2019: Chưa thuyết phục

Kết quả giải thưởng Cánh diều 2019 ở các hạng mục thuộc mảng phim truyện điện ảnh khiến người trong giới và công chúng ngỡ ngàng, tạo ra ý kiến tranh luận trái chiều

Phim điện ảnh "Hạnh phúc của mẹ" do Huỳnh Đông đạo diễn đã bất ngờ vượt qua nhiều ứng viên khác, trong đó có "Mắt biếc" của Victor Vũ, để giành giải Cánh diều vàng hạng mục Phim truyện điện ảnh xuất sắc và chiến thắng thêm 6 hạng mục quan trọng còn lại. Kết quả này vừa được Hội Điện ảnh Việt Nam công bố và trao giải trong chiều 12-5 tại Hà Nội.

Thắng lớn bất ngờ

Nếu ở mảng truyền hình, phim "Về nhà đi con" chiến thắng Cánh diều vàng hoàn toàn thuyết phục (phim này cũng mang về cho NSƯT Nguyễn Danh Dũng giải thưởng Đạo diễn xuất sắc; Bảo Hân mang về giải Diễn viên triển vọng) và phim "Hoa hồng trên ngực trái" của đạo diễn Vũ Trường Khoa vinh dự không kém khi mang về giải thưởng Cánh diều bạc cùng giải cá nhân Nữ diễn viên chính xuất sắc cho Hồng Diễm vai Khuê và Nam diễn viên chính xuất sắc cho Ngọc Quỳnh với vai Thái thì mảng điện ảnh, giải vàng cho phim "Hạnh phúc của mẹ" (đạo diễn Huỳnh Đông) cùng 6 giải thưởng khác (Đạo diễn xuất sắc, Biên kịch xuất sắc, Quay phim xuất sắc, Âm thanh xuất sắc, Nữ diễn viên chính xuất sắc và Diễn viên triển vọng) là quá bất ngờ. Trong khi phim "Mắc biếc" của đạo diễn Victor Vũ lại gần như "trắng tay" (chỉ có một giải chia sẻ cùng "Hạnh phúc của mẹ" là Âm thanh xuất sắc). Một kết quả trái ngược với nhiều dự đoán trước đó, gây bất ngờ cho không ít người trong giới. Vì thế, hai ứng viên của giải là "Hạnh phúc của mẹ" và "Mắt biếc" một lần nữa được dư luận đưa lên bàn cân.

Phim “Hạnh phúc của mẹ” thắng lớn Cánh diều 2019. (Ảnh do nhà phát hành cung cấp)

Phim “Hạnh phúc của mẹ” thắng lớn Cánh diều 2019. (Ảnh do nhà phát hành cung cấp)

"Hạnh phúc của mẹ" xoay quanh nhân vật mẹ Tuệ (Cát Phượng đóng) - một người mẹ đơn thân nghèo khó sống ở vùng quê. Mẹ Tuệ có con trai tên Tim (Huy Khang đóng) mắc bệnh tự kỷ. Dẫu cuộc sống khó khăn, mẹ Tuệ vẫn cố gắng giúp con mình phát triển như mọi đứa trẻ khác. Phim đề cao tính nhân văn, tình mẫu tử và mang được cảm xúc đến khán giả nhưng chỉ dừng lại ở mức tròn trịa, chưa có gì xuất sắc về mặt sáng tạo, thậm chí cách thể hiện cũ kỹ, kịch bản thiếu chiều sâu, một số chi tiết nặng tính sắp đặt, thừa thãi. Phim đạt doanh thu không cao khi ra rạp.

Trong khi đó phim "Mắt biếc" là tác phẩm chuyển thể từ truyện của Nguyễn Nhật Ánh, kể lại chuyện tình đơn phương của Ngạn (Trần Nghĩa đóng) và cô bạn gái Hà Lan (Trúc Anh đóng) trải dài theo hoài niệm từ thuở học trò cho đến trưởng thành của các nhân vật. Phim được giới chuyên môn đánh giá cao, công chúng hồ hởi đón nhận, đạt 180 tỉ đồng doanh thu tiền vé. Dù tồn tại nhiều sạn, điểm yếu nhưng ngôn ngữ điện ảnh thể hiện trong "Mắt biếc" tốt, đẹp từng cảnh quay.

Nhiều tiếc nuối

Khi được hỏi tiêu chí nào để "Hạnh phúc của mẹ" nhận Cánh diều vàng hạng mục phim truyện điện ảnh xuất sắc, NSND Thanh Vân, Trưởng Ban Giám khảo hạng mục Phim truyện điện ảnh của giải, cho biết: "Trước tiên, phim "Hạnh phúc của mẹ" có thông điệp mang tính xã hội cao. Quan trọng hơn cả, phim chuyển tải được các thông điệp đó cho người xem. Phim được làm bởi một ê-kíp đồng bộ. Nữ diễn viên Cát Phượng và diễn viên nhí Huy Khang đóng tốt, chuyển tải được cảm xúc thông qua nhân vật. Thông điệp mạnh mẽ được chuyển tải tốt là một thành công". Nói về phim "Mắt biếc", NSND Thanh Vân cho đây là tác phẩm chuyển thể văn học tốt, bám sát tác phẩm văn học, nhiều đoạn kể đặc biệt tinh tế nhưng nặng chất kể nhiều. Tuy nhiên, khi so sánh với tác phẩm "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" cũng do Victor Vũ từng thực hiện thì thấy đạo diễn này chưa vượt được tác phẩm anh từng làm, ngôn ngữ anh từng thể hiện. "Mắt biếc" dừng lại ở chuyển tải ngôn ngữ văn học sang điện ảnh.

Quan điểm của ban giám khảo cũng nhận được sự đồng thuận của một số nhà chuyên môn. Nhà báo, nhà phê bình Ngô Ngọc Ngũ Long bày tỏ: "Tôi mừng với kết quả của Cánh diều 2019 khi trao giải vàng cho "Hạnh phúc của mẹ". Phim nhân văn, xúc động, đề tài hay về tình mẹ đối với người con bị tự kỷ. Nhiều khán giả bật khóc khi xem phim đủ thấy tác phẩm truyền tải cảm xúc tốt. Phim "Mắt biếc" xem giải trí vừa đủ còn muốn thắng giải phải hội đủ nhiều yếu tố". Biên kịch Châu Thổ cũng đồng tình việc trao giải vàng cho "Hạnh phúc của mẹ".

Tuy nhiên, nhiều người khác trong giới lại cho rằng nhìn tổng thể phim "Mắt biếc" xứng đáng hơn so với "Hạnh phúc của mẹ" vì "Hạnh phúc của mẹ" kể câu chuyện quá giản dị, đơn thuần nên chỉ dừng ở mức chỉn chu, vừa phải. Đây chẳng phải tác phẩm hoàn hảo đến mức giành trọn giải của cả 7 hạng mục quan trọng?

"Tôi nghĩ, ban giám khảo có thể đã hướng đến khía cạnh động viên những nhân tố mới trong điện ảnh hơn là xét ở góc độ sáng tạo nghề nghiệp khi chọn "Hạnh phúc của mẹ". Tuy nhiên, ở các hạng mục khác, Trần Nghĩa đã thể hiện tốt vai Ngạn trong "Mắt biếc", một vai diễn có số phận, có sự lao động nghề nghiệp nhiều hơn và xứng đáng được động viên bằng giải thưởng cá nhân" - nhà báo Cát Vũ bày tỏ quan điểm.

Trần Nghĩa đã thể hiện tốt vai Ngạn trong "Mắt biếc", một vai diễn có số phận, có sự lao động nghề nghiệp nhiều hơn và xứng đáng được động viên bằng giải thưởng cá nhân nhưng không có giải

Trần Nghĩa đã thể hiện tốt vai Ngạn trong "Mắt biếc", một vai diễn có số phận, có sự lao động nghề nghiệp nhiều hơn và xứng đáng được động viên bằng giải thưởng cá nhân nhưng không có giải

Ngoài sự tiếc nuối cho nỗ lực của diễn viên trẻ Trần Nghĩa, giới chuyên môn cho rằng phần hình ảnh và âm nhạc được đánh giá rất tốt của phim này cũng không được trao giải là điều tiếc nuối lớn hơn. Biên kịch Thanh Hương cho rằng những vấn đề thiên về kỹ thuật điện ảnh, đạo diễn "Mắt biếc" làm tốt hơn nhiều so với các tác phẩm khác cùng tranh giải. Những ý kiến trái chiều xuất hiện khi kết quả giải thưởng công bố cũng không phải chuyện lạ nhưng nó cũng chứng tỏ rằng kết quả ấy chưa hoàn toàn thuyết phục.

Một đạo diễn cho rằng thông thường, các giải thưởng điện ảnh trong nước chọn những tác phẩm có nội dung nhân văn để trao giải như một cách giữ an toàn, điều này lâu dần tạo lối mòn trong tư duy và khiến giải thưởng kém hấp dẫn. Đây cũng chính là lý do vì sao Cánh diều thiếu hẳn sức hút với các nhà sản xuất điện ảnh lẫn công chúng.

Với một giải thưởng chuyên ngành thường niên thiên về nghề nghiệp như Cánh diều, theo các nhà chuyên môn, cần có sự đánh giá đúng và chọn lựa trao giải thuyết phục hơn để động viên người làm nghề cũng như động viên cả những người trẻ.

Chỉ tổ chức phát giải

Giải Cánh diều 2019 có 16 phim truyện điện ảnh, 13 phim truyền hình, 46 phim tài liệu khoa học, 17 phim hoạt hình, 6 công trình nghiên cứu và 17 phim ngắn tham gia tranh giải. Trong đó, 16 phim truyện điện ảnh gồm: "Bắc kim thang", "Hợp đồng bán mình", "Truyền thuyết về Quán Tiên", "Anh trai yêu quái", "Anh thầy ngôi sao", "Giã từ cô đơn", "Tiền nhiều để làm gì", "Hai Phượng", "Gái già lắm chiêu 3", "Mắt biếc", "Ước hẹn mùa thu", "Hạnh phúc của mẹ", "Nắng 3", "Đôi mắt âm dương", "Chị Mười Ba", "Lính chiến". 13 tác phẩm truyền hình gồm: "Mùa cúc Susi", "Lời nguyền Domino", "Ngũ hợi tấn hỷ", "Bán chồng", "Về nhà đi con", "Chạy trốn thanh xuân", "Hoa hồng trên ngực trái", "Nàng dâu order", "Những cô gái trong thành phố", "Mê cung", "Tiếng sét trong mưa", "Tình mẫu tử", "Lũy thép biên cương".

Do tình hình cả nước giãn cách xã hội chống đại dịch Covid-19, lễ trao giải Cánh diều 2019 dời ngày tổ chức vài lần. Cuối cùng, giải thưởng đã được công bố và phát giải cho nghệ sĩ phía Bắc vào ngày 12-5 với hình thức đơn giản, nhỏ gọn tại Hà Nội. Ban Tổ chức giải Cánh diều 2019 cũng sẽ tổ chức phát giải cho nghệ sĩ khu vực phía Nam vào ngày 16-5 tại TP HCM.

Minh Khuê

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/van-nghe/canh-dieu-2019-chua-thuyet-phuc-20200513212240892.htm