Cảnh dỡ 'bảo bối' Nhật làm sạch sông Tô Lịch, rút cá koi về hồ Tây
Sau gần 6 tháng thí điểm công nghệ làm sạch sông Tô Lịch bằng Nano - Bioreactor, các thiết bị được tháo dỡ, đàn cá koi thả trước đó 2 tháng cũng được chuyển sang hồ Tây.
XEM VIDEO: Đàn cá koi sau khi được đưa từ sông Tô Lịch về hồ Tây
Tổ chức xúc tiến Thương mại - Môi trường Nhật Bản cho biết từ ngày 9/11, đơn vị đã tháo dỡ toàn bộ hệ thống thiết bị thí điểm làm sạch đoạn sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano - Bioreactor Nhật Bản.
Đàn cá koi Nhật Bản và cá chép đỏ Việt Nam được thả trước đó tại khu thí điểm cũng đã được di chuyển sang khu thí điểm ở Hồ Tây (một góc Hồ Tây khoảng 1.000m2 đang được thí điểm làm sạch bằng công nghệ Nano - Bioreactor Nhật Bản). Đã gần 2 tháng kể từ ngày được thả, cá sống rất khỏe.
Đơn vị đã báo cáo tới Thủ tướng về việc tiếp tục duy trì khu thí điểm tại Hồ Tây để chứng minh khả năng không bị tái ô nhiễm.
Việc giữ lại khu thí điểm Hồ Tây để chứng minh việc sau khi xử lý chất lượng nước Hồ Tây đã đạt QCVN của Bộ TN&MT thì không cần vận hành máy nano (thời gian vận hành: 0/24h). Nước bên trong khu thí điểm vẫn không bị tái ô nhiễm, cá sẽ không bị chết mặc dù thời tiết có thay đổi đột ngột dẫn đến hiện tượng cá chết hàng loạt như đã xảy ra tại bên ngoài khu thí điểm tại Hồ Tây và một số hồ khác của TP trong suốt vài năm gần đây.
Ngày 30/10, Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà đã ra khảo sát khu vực thử nghiệm xử lý nước hồ Tây theo công nghệ Nhật Bản do công ty Cải thiện môi trường Việt Nhật (JVE) thực hiện.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, phương pháp xử lý đã được các cơ quan của Nhật Bản chứng nhận nên đảm bảo độ an toàn, tính tin cậy. Tuy nhiên, chất thải ở hồ, sông ngòi của Nhật Bản khác với Việt Nam cần bổ sung công nghệ xử lý.
Lãnh đạo Bộ TN&MT cũng khẳng định, để xử lý triệt để nước thải ở Việt Nam thì cần thu gom và có phương án xử lý riêng. Phương án xử lý như hiện tại chỉ phù hợp với các sông hồ đã ô nhiễm cần xử lý cấp bách để đảm bảo sức khỏe cho người dân.
Dự án thí điểm làm sạch một đoạn sông Tô Lịch và một góc hồ Tây bằng công nghệ Nano - Bioreactor Nhật Bản theo chỉ đạo của Thủ tướng và UBND TP Hà Nội được khởi động ngày 16/5.
Công nghệ anyf gồm 2 yếu tố là máy sục khí Nano tạo ra oxy trực tiếp kích hoạt vi sinh vật; các tấm vật liệu Bioreactor là chất xúc tác, cung cấp giá thể, tạo môi trường sống cho vi sinh vật. Hai yếu tố kết hợp thúc đẩy quá trình tự làm sạch nước, phân hủy bùn.
Là dòng thoát nước chính, sông Tô Lịch tiếp nhận hầu hết nước thải trong khu vực nội thành, quá trình đô thị hóa nhanh chóng, sự thiếu ý thức của một bộ phận người dân cùng với việc quy hoạch xây dựng chưa đồng bộ đã vô hình trung khiến con sông đẹp trở thành dòng sông chết suốt những thập kỷ qua.