Cảnh đời dưới mái hiên
Gió vẫn rít từng cơn. Cơn mưa từ ban sáng vẫn chưa có dấu hiệu ngớt. Những người không nhà cửa run lẩy bẩy nép thân vào vỉa hè. Hà Nội về đêm chỉ còn những con phố dài hun hút và họ với màn đêm.
Leo lắt trong đêm đông
22h, Hà Nội đã chìm trong giá rét 8 độ C, lạnh nhất từ đầu mùa đông năm nay. Khi người bán hàng hối hả thu dọn, sập cửa, vội vã về với tổ ấm của mình cũng là lúc những người lang thang lục đục “kê giường, trải chiếu”, chuẩn bị cho mình chỗ ngả lưng. Chúng tôi đến gần người đàn ông trạc 60 tuổi, đầu đội mũ len, đang co ro, toan nằm trước mái hiên một hiệu thuốc trên phố Hai Bà Trưng (Hoàn Kiếm). Thấy tôi, ông nhổm người ngồi dậy, ánh mắt sợ sệt, trầm giọng: “Mưa gió lạnh buốt từ sáng, tôi xin được tấm bìa trải dưới nền nằm cho ấm. Đến sáng, chủ mở cửa hàng, tôi lại đi”.
Ông giới thiệu mình tên là Hiếu (63 tuổi, quê ở Hưng Yên, lấy vợ rồi sinh sống ở Quảng Bình). Hôm nay trời rét buốt, ngoài bìa các tông, ông chuẩn bị thêm tấm đệm lót (là xốp chống xước của thiết bị điện tử) để thêm ấm. Cạnh đấy là những đồ đạc, quần áo, đồ ăn... được những người qua đường mang cho. Phía trong bậc cửa là giấy tờ liên quan đến bệnh tật của ông. Ông bị suy tim độ 3, hiện đang chờ mổ đặt stent.
Thấy tôi hỏi, ông nhoài người lấy mớ giấy tờ các kết quả xét nghiệm, khám của bệnh viện và cả chứng minh thư đưa ra để phân trần: “Tôi chọn ở đây gần bệnh viện vì bất chợt có mệnh hệ gì sẽ được người qua đường gọi cho bác sĩ, đưa vào viện cấp cứu. Đây là số bác sĩ Tuyết, cô ấy tốt lắm, tôi ghi để mọi người biết gọi giúp khi cần”. Rồi ông kể, hàng chục năm trước, khi còn khỏe ông ra Hà Nội bán hoa, đánh giày nuôi bản thân và ba đứa con ăn học ở quê.
Nhiều đêm “màn trời, chiếu đất”, làm việc lao lực nên ông sinh bệnh, được đưa vào viện cứu chữa. Nằm viện được 15 ngày, ông xin ra viện vì hết tiền. Bệnh này chưa giảm đã sinh bệnh khác, người ông yếu dần, đến giờ thì không làm được gì nữa. Mỗi ngày lang thang ngã tư này đến ngã tư khác, ai đi qua cho cái gì thì ăn…”. Dịp Tết Âm lịch vừa qua, ông cũng muốn về quê nhưng tiền không có, bệnh không đỡ, nên ông một mình ăn Tết dưới những mái hiên hè phố Hà Nội.
Nói về tương lai, cụ Dương bảo: “Trời sinh, trời dưỡng, từ nhỏ đến giờ tôi chẳng ốm đau gì, thỉnh thoảng nhức đầu, sổ mũi rồi nó tự khỏi. Tôi còn khỏe, tự mình nuôi mình, “nước đến đâu bắc cầu đến đấy”. Sống ở đây rồi thì chết ở đây. Chết cũng sẽ có người lo mà”.
Ngoài ông Hiếu, ở đây có hàng chục người vô gia cư khác cũng tìm về một góc khuất phía trước hiên hàng quán làm chỗ ngả lưng. Càng về khuya, khoảng trống trước dãy nhà ở dãy phố Hai Bà Trưng này nhanh chóng được lấp đầy.
Góc ngã tư phố Tràng Thi - Phủ Doãn, rất nhiều người lang thang tập trung về đây. Chẳng ai biết họ từ đâu tới, chỉ thấy đêm đến những người này lại nằm co ro trên vỉa hè. Giấu mình trong chiếc chăn mỏng, trên người 3 lớp áo khoác, bà Tuyến (64 tuổi, quê Nam Định) vừa móm mém ăn ly cháo từ thiện còn ấm chia sẻ: “Chán lắm, răng cái rụng, cái đau, cơm không nhai được”. Nói rồi bà kể, bà bị đột quỵ lại thêm ung thư dạ dày, lúc đỡ bệnh thì lang thang đi các ngõ, phố xin ăn, tối lại về đây ngủ.
Bà Tuyến kể, thuở còn trẻ, bà lấy chồng người Hà Nội và sinh được một người con gái. Lúc đó, bà làm trong một bệnh viện chuyên về y dược cổ truyền. Nhưng rồi tai họa ập đến, bà bị tai biến nằm một chỗ, mất việc, người chồng vì thế cũng bỏ đi. “Con gái tôi lấy chồng rồi, được 2 đứa con, còn khó khăn lắm. Vợ chồng nó thuê một phòng dưới Cầu Giấy, nó muốn đón tôi về đó ở chung nhưng… chật lắm”, bà Tuyến nói đến đây thì nghẹn ngào, rồi lảng sang chuyện khác.
Sống ở vỉa hè, chết ở vỉa hè
Gần đó, bà Phạm Thị Thà 67 tuổi quê Thái Bình đang ăn vội suất cháo mà đoàn từ thiện vừa trao. Bà Thà cho biết, 5 năm nay bà bám trụ với Hà Nội này để mưu sinh và nuôi 3 cháu nhỏ. Đặt cốc cháo xuống, bà Thà rưng rưng nước mắt khi được chúng tôi hỏi về gia cảnh. Bà cho biết, con trai và con gái bà bị bắt vì buôn bán ma túy. Con dâu sau đó đã bỏ con lại cho bà và đi theo một người đàn ông khác. Cũng vì một lúc cả hai con đều dính vòng lao lý nên ông nhà bà không chịu nổi mà bỏ bà và các cháu ra đi mãi mãi. Ở cái tuổi gần đất xa trời, hàng xóm láng giềng dị nghị nên bà mang cả 3 cháu rời khỏi làng để tìm đến Thủ đô mưu sinh.
Dịch bệnh hoành hành hơn hai năm qua, quán hàng đóng cửa, công việc rửa bát, dọn dẹp cũng không còn, bà Thà đành lang thang đi nhặt phế liệu để mưu sinh. “Ngày nào nhặt được thì có bát cơm, ngày nào không thì nhịn đói và trông chờ vào sự giúp đỡ của những tổ chức, cá nhân từ thiện”, bà Thà chia sẻ.
Trời mưa mỗi lúc một dày hạt. Cái lạnh 8 độ C cứa buốt vào da thịt. Gần 0h, chúng tôi đến khu vực cổng công viên Thống Nhất, ánh đèn cao áp le lói dưới những tán cây. Dưới mái hiên khu nhà quản lý hồ Thuyền Quang đã khóa trái, bà cụ đang thu dọn, loay hoay tìm cho mình chỗ ngả lưng. Thấy có khách ghé qua, cụ nhổm dậy hỏi: “Anh uống nước à”. Vừa bỏm bẻm nhai trầu, cụ Dương vừa xuýt xoa bằng chất giọng miền trong: “Hôm nay rét quá. Cả ngày nay mới được một chiếc bánh mì vào bụng. Mưa rét, chẳng bán được cốc nước nào nên đành nhịn đói”.
Cụ Dương kể, bố mẹ mất sớm, rời quê hương ra Hà Nội từ năm 1978 khi còn xuân sắc. Tính đến nay cụ đã hơn 40 năm sống với cảnh vô gia cư. “Ra Hà Nội, xuống tàu không quen biết ai, tôi đi buôn mía nhưng đám choai choai ăn quỵt, thế là bị lỗ. Rồi tôi đi làm thuê, đi nhặt ve chai để trả nợ, cuối cùng về đây bán nước buổi đêm. Nước thì nhờ mấy người bảo vệ ở công viên Thống Nhất nấu, sau đó pha trà đóng vào chai. Chẳng có chỗ ngồi thì tôi đi bán quanh hồ. Đêm mùa hè còn có khách, mùa đông thì chỉ có mấy người xe ôm. Trời nóng thì ra ghế đá, trời lạnh thì vào đây, mưa thì mặc thêm áo”, cụ Dương tâm sự rồi móc hết trong túi chìa cho chúng tôi xem số tiền kiếm được hôm nay có vài tờ tiền lẫn lộn các mệnh giá 1.000, 2.000 và 5.000 đồng...
(Còn nữa)
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/canh-doi-duoi-mai-hien-post1417917.tpo