Cảnh giác 'bão' tin giả trên không gian mạng

Trong khi Đảng, Nhà nước, quân đội, các bộ, ngành, địa phương đang oằn mình khắc phục những hậu quả khủng khiếp của cơn bão số 3 thì trên nhiều trang mạng xã hội (MXH), người dân đang phải 'chịu trận' trước hàng loạt tin giả, tin thất thiệt. Các cơ quan chức năng đã khuyến cáo người dân cần tỉnh táo trước tin giả, tránh dính bẫy các hành vi lừa đảo, đồng thời xử lý nghiêm nhiều đối tượng.

Tin giả tràn lan

Trong khi các cơ quan chức năng và cả hệ thống chính trị, đoàn thể cùng nhân dân cả nước đang chia lửa, xắn tay vào khắc phục những hậu quả khủng khiếp của cơn bão số 3 thì trên MXH, rất nhiều tin giả, tin thất thiệt, lừa đảo có nội dung liên quan hậu quả của bão số 3 lại bùng lên. Và, tình trạng lừa đảo kêu gọi từ thiện để trục lợi lại xuất hiện.

Từ trưa đến tối 9-9, trên MXH xuất hiện thông tin, dòng trạng thái (status), video clip với nội dung “vỡ đê” ở Tiên Yên (Quảng Ninh), “vỡ đê” Yên Lập (Phú Thọ), sau đó có thông tin “vỡ đê” Lục Nam (Bắc Giang), “vỡ đê” ở Thái Nguyên… Đến tối 9-9, trên nhóm Facebook có lượng thành viên tham gia khá lớn, tiếp tục có thành viên đăng thông tin: “Em nghe người nhà báo vừa mới vỡ đê Đầm Vông (đê sông Hồng) ở Yên Bái”. Sáng sớm 10-9, lại có thông tin trên Facebook “Hiền Lương (Hạ Hòa - Phú Thọ) vỡ đê, nước cuốn rất xiết”...

 Trang mạng xã hội của Cổng thông tin điện tử Chính phủ liên tiếp bác bỏ tin giả trên mạng xã hội

Trang mạng xã hội của Cổng thông tin điện tử Chính phủ liên tiếp bác bỏ tin giả trên mạng xã hội

Ngay sau đó, trong 2 ngày 9 và 10-9, Công an tỉnh Bắc Giang đã xử lý hàng loạt trường hợp tung tin sai sự thật mưa lũ gây vỡ đê tại địa phương, gây hoang mang dư luận. Giám đốc Công an tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo xác minh một số trường hợp đưa thông tin sai sự thật về bão lũ, vỡ đê ở Bắc Giang để xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Đồng thời, các đơn vị chức năng Công an Bắc Giang tiếp tục nắm tình hình, rà soát trên không gian mạng để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân đưa tin không chính xác, làm ảnh hưởng đến công tác phòng chống bão lũ.

Theo Đại diện Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai, qua xác minh cơ quan chức năng và các địa phương, không có thông tin vỡ đê như tin đồn. Theo cơ quan này, một số công trình có thể xảy ra sự cố như thấm, tràn nước qua đê khi lũ lên cao nhưng không phải vỡ đê. Việc đưa thông tin không chính xác đã gây hoang mang cho người dân.

Sự cố bão số 3 làm đứt 7 tuyến cáp quang liên tỉnh, 12 tuyến truyền; gãy đổ 27 cột, mất liên lạc tại 15 tỉnh, thành với 6.285 trạm thu phát sóng di động do mất điện. Trên một số MXH lập tức xuất hiện tin giả “khi không có wifi, người dân có thể nhập các cú pháp sau để có mạng, như 3ST4G gửi 191, 4G gửi 191, 5GBKM gửi 191, 5GKM gửi 191, ZP15 gửi 191, ST15 gửi 191, ST15N_4G gửi 191; tất cả đều miễn phí của Viettel”. Trước thông tin này, đại diện nhà mạng Viettel khẳng định, đây là tin giả, người dân tuyệt đối không nên làm theo.

Không chỉ xuất hiện tin giả, tin sai lệch về bão số 3, một số đối tượng còn lợi dụng thiệt hại do bão gây ra để kêu gọi ủng hộ nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Cụ thể, đã xuất hiện Fanpage trên MXH Facebook giả mạo Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Ninh để lừa đảo bằng cách kêu gọi quyên góp, ủng hộ người dân bị ảnh hưởng bão số 3. Các đối tượng lừa đảo sử dụng hình ảnh, thông tin giống các trang chính thống kêu gọi những người hảo tâm quyên góp, chuyển tiền vào tài khoản cá nhân để chiếm đoạt.

Phát ngôn có trách nhiệm

Trước tình trạng trên, Sở TT-TT tỉnh Quảng Ninh khuyến cáo người dân cảnh giác, không gửi tiền quyên góp, ủng hộ đồng bào bị thiệt hại vào các tài khoản không rõ nguồn gốc; nêu cao cảnh giác, kiểm tra kỹ thông tin về các tài khoản kêu gọi quyên góp, ưu tiên các nguồn chính thức. Cùng với đó, chia sẻ thông tin cảnh báo với người thân, bạn bè để nâng cao ý thức cảnh giác; báo cáo với cơ quan chức năng khi phát hiện trang Fanpage hoặc tài khoản cá nhân có dấu hiệu lừa đảo.

Theo luật sư Đặng Xuân Cường, Công ty luật TAT, tốc độ lan truyền trên MXH có thể khiến những nội dung sai lệch, không kiểm chứng lan rộng nhanh chóng và khó kiểm soát. Điều này không chỉ tạo ra sự bất ổn trong dư luận mà còn gây tổn hại đến những tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng. Mặc dù pháp luật đã có chế tài xử lý các hành vi này, nhưng thực tế nhiều người vẫn chưa ý thức đầy đủ về trách nhiệm khi tham gia MXH.

Ông Phan Quốc Thiều, giảng viên Trung tâm Giáo dục quốc phòng và An ninh (ĐH Quốc gia TPHCM) phân tích, không chỉ cảnh giác với tin giả, người dân phải hết sức chú ý đối với những luận điệu xuyên tạc về công tác phòng chống thiên tai trên MXH. Thủ đoạn của các thế lực thù địch thường là lợi dụng nỗi đau mất mát tài sản, gia đình ly tán, thiệt hại về tính mạng của đồng bào để xuyên tạc, nói xấu, bôi nhọ chính quyền, phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước trong công tác phòng chống thiên tai, khắc phục hậu quả bão lũ.

Để giải quyết vấn đề này, cần nâng cao nhận thức người dân về quyền và trách nhiệm khi thực hiện tự do ngôn luận. Cần hiểu rằng quyền tự do ngôn luận là có giới hạn. Mọi phát ngôn, dù trên MXH hay ngoài đời thực, đều có thể mang lại những hệ lụy pháp lý nếu vi phạm các chuẩn mực xã hội, gây hại cho người khác. Việc bày tỏ quan điểm cần được thực hiện trên tinh thần tôn trọng sự thật, tuân thủ pháp luật và có trách nhiệm với cộng đồng.

Bên cạnh đó, người dùng cũng cần tích cực tự điều chỉnh hành vi khi sử dụng MXH. Trước khi phát ngôn hoặc chia sẻ thông tin, mỗi cá nhân cần suy nghĩ kỹ về tính xác thực và tác động của thông tin đến người khác và cộng đồng xã hội. Sự cân nhắc này không chỉ giúp người dùng tránh rắc rối pháp lý mà còn góp phần xây dựng một không gian mạng tích cực, lành mạnh và đáng tin cậy, luật sư Đặng Xuân Cường nhấn mạnh.

Theo điểm d, khoản 1, Điều 8 Luật An ninh mạng 2018, pháp luật nghiêm cấm hành vi thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác. Hành vi đăng tin sai sự thật, giả mạo trên MXH có thể bị xử phạt theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) và Nghị định 15/2020/NĐ-CP. Cụ thể, theo Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP, được sửa đổi bởi khoản 37, Điều 1 Nghị định 14/2022/NĐ-CP quy định: hành vi lợi dụng MXH để cung cấp, chia sẻ thông tin sai sự thật, thông tin giả mạo, xuyên tạc… có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đến 20 triệu đồng.

Ngày 8-9, Bộ Công an có công điện gửi công an các đơn vị, địa phương về việc khẩn trương khắc phục hậu quả do bão số 3 và mưa lũ gây ra. Công điện có nêu, Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao chỉ đạo xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức đưa tin không chính xác, làm ảnh hưởng đến công tác phòng chống bão lũ.

THÀNH TRỌNG - VĂN MINH

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/canh-giac-bao-tin-gia-tren-khong-gian-mang-post758472.html