Cảnh giác bệnh lỵ trực khuẩn trong mùa nóng
Thời tiết nắng, nóng, oi bức làm cơ thể dễ bị mệt mỏi, uể oải, kém ăn, kém ngủ, giảm sức đề kháng. Khí hậu mùa hè nóng ẩm làm cho thức ăn mau ôi thiu, vi khuẩn gây bệnh đường tiêu hóa phát triển mạnh, dễ gây bệnh dịch như tả, lỵ, thương hàn...
Mùa hè cũng là dịp nhiều gia đình, cơ quan tổ chức đi du lịch, dã ngoại, ăn uống khó đảm bảo vệ sinh ở những nơi đông người nên nguy cơ mắc bệnh đường tiêu hóa nói chung và bệnh lỵ trực khuẩn nói riêng càng cao.
Ai dễ lây nhiễm?
Lỵ trực khuẩn lây qua đường tiêu hóa, do vi khuẩn Shigella gây ra, có thể lây trực tiếp hoặc gián tiếp qua đường tiêu hóa. Lây trực tiếp là lây từ bệnh nhân sang người lành, thông qua bàn tay nhiễm khuẩn. Lây gián tiếp là lây qua thức ăn, nước uống. Các loại côn trùng như ruồi, nhặng, gián, thạch sùng... làm lây bệnh từ bệnh phẩm sang thức ăn. Mọi người đều có thể lây bệnh, trong đó trẻ em và người già dễ mắc bệnh lỵ nặng, dễ tử vong.
Tiến triển của bệnh
Một người bị nhiễm vi khuẩn lỵ thì thời gian ủ bệnh từ 1-7 ngày, sẽ phát bệnh một cách đột ngột với 2 hội chứng: nhiễm khuẩn và hội chứng lỵ. Hội chứng nhiễm khuẩn gồm các triệu chứng: sốt cao 38-39oC, rét run, nhức đầu, mệt mỏi, đau lưng, đau khớp, ở trẻ em có thể có cơn co giật, chán ăn, khát nước, đắng miệng, buồn nôn hoặc nôn. Hội chứng lỵ gồm các triệu chứng: đau bụng, ban đầu đau âm ỉ quanh rốn, sau đau lan ra khắp bụng, cuối cùng là những cơn đau quặn bụng ở hố chậu trái. Các cơn đau quặn bụng làm bệnh nhân mót rặn, muốn đi đại tiện ngay. Mới đầu phân sệt, sau loãng, rất thối, lẫn với nhầy và máu. Hoặc phân nhầy nhiều, thường đục nhờ nhờ, có khi phân vàng đục như mủ, máu sẫm như máu cá, nhầy và máu hòa loãng với nhau không có độ bám dính. Hội chứng lỵ có thể diễn ra từ 5-10 ngày hoặc hơn.
Trên thực tế, người ta phân chia bệnh lỵ thành các thể bệnh như sau:
Thể nhẹ: Bệnh nhân có hội chứng nhiễm khuẩn nhẹ hoặc không rõ, thân nhiệt 37,5-38oC, hơi mệt, có hội chứng lỵ: đau quặn bụng, đi ngoài dưới 10 lần/ngày, bệnh nhân phục hồi trong vòng 1 tuần.
Thể vừa: Bệnh nhân có hội chứng nhiễm khuẩn và hội chứng lỵ điển hình. Sốt 38-40oC kéo dài từ 1-4 ngày, đau đầu, mệt mỏi, mạch nhanh, huyết áp hạ. Đi tiêu chảy từ 15-20 lần/ngày kèm theo dấu hiệu mất nước với biểu hiện khát nước, môi khô. Điều trị tốt, bệnh nhân sẽ phục hồi sau 7-14 ngày.
Thể nặng: Hội chứng nhiễm khuẩn rõ rệt, kéo dài hơn 1 tuần. Hội chứng lỵ: Đau quặn bụng dữ dội, mót rặn kèm mót đái không kìm được, đi tiêu chảy trên 30 lần/ngày, có khi không đếm được. Bệnh nhân bị mất nước, rối loạn điện giải, kiệt sức, nằm đại tiện tại chỗ, hậu môn mở rộng, phân tự chảy, mắt trũng, mặt hốc hác, mạch nhanh yếu, tiếng tim mờ, huyết áp hạ, thở gấp, li bì, ngủ gà, có thể tử vong sau 3-7 ngày. Nếu điều trị thì sự phục hồi chậm và dễ biến chứng.
Ở trẻ dưới 1 tuổi, ngoài những thể cấp như trên còn gặp thể rất nhẹ, kín đáo như rối loạn tiêu hóa: phân loãng, không sốt. Thể bệnh lỵ mạn tính: Bệnh có những thời kỳ bột phát và thuyên giảm xen kẽ.
Thể dạ dày ruột cấp: Bệnh nhân có hội chứng nhiễm khuẩn, nhiễm độc thức ăn, nôn nhiều lần, phân loãng, không có nhầy máu, đau bụng lan tỏa, sau đó bệnh có thể diễn biến như thể lỵ điển hình.
Thể tối độc: Bệnh nhân đi đại tiện nhiều, phân có nhầy mủ, có khi toàn máu, có thể tử vong trong vài ngày đầu do hôn mê, trụy tim mạch.
Ở người cao tuổi, có thể bệnh lỵ kéo dài không còn giai đoạn thuyên giảm, bệnh càng ngày càng nặng, toàn thân suy sụp dần, rối loạn tiêu hóa nặng, thiếu vitamin, thiếu máu.
Chủ động phòng bệnh
Phòng bệnh lỵ trực khuẩn hiệu quả nhất là thực hiện vệ sinh thực phẩm, vệ sinh ăn uống, vệ sinh nước, vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường: Cần ăn chín, uống sôi, dùng nước sạch để chế biến và nấu thức ăn. Rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn uống và chế biến thức ăn, sau khi đi vệ sinh và lao động, sau khi tiếp xúc chăm sóc bệnh nhân. Tích cực diệt ruồi, nhặng; không dùng phân tươi để bón ruộng; sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, quản lý và xử lý phân, nước thải, rác hợp vệ sinh. Thường xuyên giám sát để phát hiện sớm, cách ly điều trị bệnh nhân lỵ cấp; khử khuẩn các chất thải của bệnh nhân, tiệt khuẩn dụng cụ, quần áo bệnh nhân.
Đối với những người tiếp xúc với bệnh nhân, cần được theo dõi 7 ngày. Kiểm tra, phát hiện và điều trị người lành mang trùng, cấm những người đang mang vi khuẩn làm nghề chế biến, kinh doanh thực phẩm hoặc chăm sóc bệnh nhân. Tăng cường sức khỏe và khả năng phòng bệnh bằng cách ăn uống đủ chất, ăn nhiều rau xanh, hoa quả, thức ăn có nhiều vitamin; có chế độ làm việc, sinh hoạt, luyện tập thể dục, thể thao và nghỉ ngơi hợp lý.
Khi đã phát hiện người bị lỵ trực khuẩn, cần phải cách ly điều trị, mọi đồ dùng sinh hoạt của người bệnh như cốc, chén, bát đũa, khăn, chậu rửa mặt... đều phải dùng riêng.
Có chế độ ăn thích hợp: Chỉ ăn kiêng trong vài ngày đầu, sau đó trở lại chế độ ăn bình thường; nếu trẻ còn bú mẹ thì vẫn cho trẻ bú như thường lệ. Đối với trẻ đang ăn sữa ngoài thì cho ăn loại sữa đã ăn quen, không hạn chế số lần uống và số lượng sữa. Đối với người lớn thì cho ăn cháo thịt, cá ninh nhừ, sau đó cho ăn cơm nát, thịt nạc luộc, nước quả; không nên ăn thức ăn có nhiều bã.
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/canh-giac-benh-ly-truc-khuan-trong-mua-nong-n175830.html