Cảnh giác các thủ đoạn lừa đảo của tội phạm sử dụng công nghệ cao

Thời gian qua, tội phạm lừa đảo sử dụng công nghệ cao liên tục 'tung chiêu' mới nhằm lừa người nhẹ dạ cả tin hoặc thiếu hiểu biết. Từ trò 'treo thẻ lạ' chứa mã QR trên xe máy hay trước cửa nhà dân để chiếm đoạt tiền trong tài khoản đến giả danh nhân viên ngân hàng nhằm hỗ trợ cài đặt 'sinh trắc học', mạo danh cán bộ công an hướng dẫn người dân kích hoạt 'dịch vụ công', hay lừa đảo vay tiền qua iCloud… Trước thực trạng trên, Công an huyện Bình Chánh không ngừng nâng cao các hình thức tuyên truyền nhằm giúp người dân nêu cao tinh thần cảnh giác.

Từ hỗ trợ "sinh trắc học", "dịch vụ công"…

Kể từ ngày 01/7/2024, mỗi khi người dân muốn chuyển tiền qua tài khoản trực tuyến hoặc nạp tiền vào ví điện tử hơn 10 triệu đồng, đều phải xác thực "sinh trắc học" mới thực hiện được. Lợi dụng điều này, các đối tượng lừa đảo mạo danh cán bộ làm việc tại ngân hàng, chủ động liên hệ với người dân nhằm thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

Khi liên hệ với người dân, đối tượng sẽ yêu cầu cung cấp các thông tin cá nhân như: địa chỉ nhà, ảnh chụp 2 mặt CCCD, thông tin tài khoản ngân hàng... Trong nhiều trường hợp, kẻ lừa đảo còn dụ dỗ nạn nhân thực hiện cuộc gọi video nhằm thu thập giọng nói, biểu cảm khuôn mặt, cử chỉ của nạn nhân. Sau khi đánh cắp thông tin thành công, bọn chúng dễ dàng đăng nhập vào các ứng dụng ngân hàng, chuyển tiền từ tài khoản của nạn nhân rồi chiếm đoạt.

Với chiêu trò hỗ trợ kích hoạt "dịch vụ công", kẻ lừa đảo thường mạo danh là cán bộ công an, chủ động liên hệ với công dân để thông báo tài khoản định danh của nạn nhân bị lỗi, yêu cầu cài đặt lại phần mềm dịch vụ công trực tuyển. Nếu nạn nhân bận không thể đến cơ quan Nhà nước thì đối tượng có thể hướng dẫn thông qua phương thức online.

Cụ thể, đối tượng sẽ gửi đường liên kết (link) để "con mồi" truy cập vào website giả mạo cổng dịch vụ công. Sau khi nạn nhân tin tưởng tải link về và cài đặt ứng dụng trên ĐTDĐ, mã độc sẽ chạy ngầm trong thiết bị, cho phép đối tượng theo dõi hoạt động, thu thập thông tin tài khoản ngân hàng, mật khẩu đăng nhập, mã OTP giao dịch và cho phép đối tượng truy cập trái phép thiết bị từ xa để thực hiện các lệnh chuyển tiền, chiếm đoạt tài sản.

Công an H.Bình Chánh khuyến cáo các thủ đoạn lừa đảo của tội phạm

Công an H.Bình Chánh khuyến cáo các thủ đoạn lừa đảo của tội phạm

… Đến chiêu lừa vay tiền qua icloud

Thời gian qua, dịch vụ vay tiền qua iCloud đang được nhiều người lựa chọn vì không cần gặp mặt, không cần thế chấp, giải ngân nhanh. Người dùng chỉ cần có chiếc iPhone hoặc iPad đời mới và tài khoản iCloud (dùng để quản lý hình ảnh, danh bạ, video, file ghi âm...) là có thể vay từ vài triệu đến vài chục triệu đồng một cách dễ dàng. Nếu có sẵn tài khoản iCloud, khi muốn vay tiền, người vay chỉ cần cung cấp tài khoản iCloud sẽ được giải ngân. Còn nếu chưa có tài khoản, có thể sử dụng tài khoản iCloud mà bên cho vay cung cấp.

Bên cho vay sẽ yêu cầu người vay đăng xuất iCloud rồi truy cập đường link hoặc nhập tài khoản iCloud mà bên cho vay cung cấp, bật tính năng Find My iPhone và đồng bộ danh bạ rồi mới làm hợp đồng cho vay. Tùy từng loại máy, đời máy mà mức vay tiền khác nhau. Đời máy càng cao thì vay được càng nhiều, cao nhất như iPhone 15, 15 Pro, Pro Max sẽ vay được 13 - 20 triệu đồng.

Trên thực tế, việc vay tiền qua iCloud tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, không ít người đã trở thành nạn nhân của những đối tượng lừa đảo ẩn danh bằng hình thức người cho vay tiền qua iCloud. Khi chấp nhận đăng nhập iCloud của người khác vào máy, điều này đồng nghĩa người vay đã trao cho người khác quyền truy cập vào hầu như toàn bộ dữ liệu trong điện thoại của mình, cụ thể như dữ liệu kho ảnh, email, danh bạ, tài liệu, vị trí...

Các đối tượng cho vay có thể dùng những thông tin cá nhân này vào mục đích không trong sáng, hoặc khóa tài khoản iCloud, buộc nạn nhân phải nộp tiền chuộc để mở khóa. Người dùng khi ấy bắt buộc trả tiền chuộc hoặc phải đối mặt với việc iPhone bị khóa và không thể sử dụng được. Bên cạnh đó, bọn chúng thường cho vay từ 4 - 12 triệu đồng với lãi suất 20 - 50%/ngày. Dù số tiền không quá lớn, thế nhưng với lãi suất cao, chỉ trong vài ngày, nhiều người vay đã không thể trả được nợ, trở thành nạn nhân của chiêu trò cho vay lãi nặng biến tướng.

Khi người vay không trả tiền theo đúng hẹn, kẻ cho vay lúc này trở thành "chủ nhân" chiếc iPhone của người vay tiền. Tính năng Find My iPhone được bật, người cho vay có thể tìm ra vị trí chính xác của người vay hoặc khóa iPhone từ xa, chiếc điện thoại thông minh lúc này trở thành vô dụng. Không những thế, người thân hoặc bạn bè của người vay có thể bị gọi điện đe dọa hoặc tống tiền giống như chiêu trò vay tiền qua ứng dụng, nếu như người dùng chậm thanh toán hoặc không thanh toán. Nguy hiểm hơn, người vay bị sử dụng các thông tin cá nhân vào các hoạt động trái pháp luật của kẻ lừa đảo...

Nhằm tránh "sập bẫy" các đối tượng chuyên thực hiện chiêu trò lừa đảo tinh vi, Công an huyện Bình Chánh khuyến cáo cán bộ, công nhân viên chức, đoàn viên, hội viên, người lao động, học sinh, sinh viên và nhân dân cần nâng cao ý thức cảnh giác, thường xuyên cập nhật thông tin về các vụ lừa đảo sử dụng công nghệ cao để biết phương thức thủ đoạn của tội phạm.

Bên cạnh đó, người dân không chia sẻ thông tin tài khoản ngân hàng (mật khẩu ứng dụng, mật khẩu tài khoản...) cho người khác; chỉ cung cấp thông tin trên ứng dụng cho cơ quan chức năng có thẩm quyền khi làm việc trực tiếp tại trụ sở cơ quan; tuyệt đối không đăng nhập đường liên kết (link), website hoặc cài đặt các ứng dụng do người lạ cung cấp. Nếu phát hiện bị rò rỉ thông tin cá nhân, bị đe dọa đòi tiền chuộc hay lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người dân cần nhanh chóng trình báo cơ quan Công an nơi gần nhất để được giải quyết kịp thời, hoặc gọi đường dây nóng của Công an huyện Bình Chánh theo số điện thoại 0283.7606918.

Kim Ngọc

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/vu-an/phong-chong-toi-pham-tren-khong-gian-mang/canh-giac-cac-thu-doan-lua-dao-cua-toi-pham-su-dung-cong-nghe-cao_164832.html