Cảnh giác các thủ đoạn lừa đảo dịp cuối năm
Tết Nguyên Đán đang đến gần, nhu cầu mua sắm, đi lại của người dân ngày càng tăng cao. Đây cũng chính là thời điểm tung hoành của tội phạm mạng khi chúng liên tục sử dụng các chiêu trò lừa đảo tinh vi để 'móc túi' người dân.
Giả danh giao hàng thu phí COD
Giả danh giao hàng, thu phí COD là một trong những chiêu trò phổ biến nhất. Những kẻ lừa đảo sử dụng dữ liệu cá nhân bị rò rỉ để giả danh nhân viên giao hàng, gửi một gói hàng “không mong muốn” và yêu cầu thanh toán tiền COD. Điển hình như trường hợp của chị M.H (trú tại phường Điện Biên, TP Thanh Hóa) ngậm ngùi kể lại: “Dịp này, tôi mua sắm rất nhiều đồ vừa lo sắm sửa dịp cận Tết cho gia đình vừa lo mua quà biếu Tết, lại có cả bạn bè từ phương xa gửi quà chúc Tết. Hôm rồi, nhận được cuộc gọi giao hàng Tết nói rằng gói quà do bạn bè gửi tặng; đúng lúc vài hôm trước bạn tôi vừa nhắn để ý điện thoại vì có gửi chút quà mừng Tết gia đình tôi nên khi nhận được cuộc gọi tôi cũng không nghi ngờ gì. Họ yêu cầu tôi thanh toán cước phí 500.000 đồng do vận chuyển từ nước ngoài về. Khi mở ra, tôi phát hiện đó là những mảnh giấy vô giá trị”.
Bán vé tàu, vé máy bay và tour du lịch
Hí hửng mua vé tàu sớm về quê ăn Tết, anh B. (trú tại quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) “vớ ngay” phải trang website giả mạo Đường sắt Việt Nam: “Lo lắng hết vé tàu tôi đã đặt vé tàu chuyến Sài Gòn - Thanh Hóa trước cả tháng trời trên một website thiết kế giống hệt trang của Đường sắt Việt Nam - chuyên nghiệp từ đường link đến giao diện. Tôi đặt vé và chuyển khoản 2.000.000 đồng để “giữ chỗ” tàu cho cả gia đình. Tuy nhiên, sau khi chuyển tiền thành công, check lại vé tôi mới phát hiện ra vé tàu không tồn tại và website kia cũng là giả mạo.
Livestream bán hàng, bán phiếu, mã giảm giá lừa đảo tiền cọc
Thời gian này, các dịch vụ lừa đảo liên quan đến bán hàng livestream cũng trở thành mối lo ngại lớn. Chiêu trò của những kẻ lừa đảo thường sử dụng hình ảnh sản phẩm bắt mắt, giá rẻ để dụ dỗ người mua chuyển tiền cọc. Tuy nhiên, sau khi nhận tiền, họ chặn liên lạc hoặc gửi sản phẩm kém chất lượng. Số tiền bị lừa từ vài trăm ngàn đến vài triệu, vài chục triệu đồng. Chị P.M (trú tại phường Lam Sơn, TP Thanh Hóa) bộc bạch: “Tôi đặt mua một bộ quần áo qua livestream với giá 500.000 đồng, chuyển cọc 200.000. Sau đó, họ gửi hàng nhái, không đúng mô tả và không thể liên lạc lại.”
Khai thác thói quen tiêu dùng của người dân dịp cận Tết, các đối tượng lừa đảo tung chiêu bán các phiếu, mã giảm giá giả mạo khiến không ít “nạn nhân” mất tiền oan. Nắm bắt nhu cầu người dân “ham của rẻ” không ít tài khoản mạng xã hội đăng tải thông tin mua – bán mã giảm giá từ đồ gia dụng, mỹ phẩm đến các dịch vụ làm đẹp cho chị em thời điểm cuối năm. Chúng dụ dỗ người dân mua mã giảm giá với giá hấp dẫn chỉ cần nạn nhân “chốt đơn” cung cấp đầy đủ thông tin cá nhân và chuyển tiền thành công chúng lập tức “cao chạy xa bay”.
Trong bối cảnh những chiêu trò lừa đảo ngày càng tinh vi, các cơ quan chức năng khuyến cáo người dân cần trang bị “lá chắn” để bảo vệ mình trước tội phạm mạng. Kiểm tra xác minh nguồn gốc, thông tin mọi cuộc gọi, email hoặc tin nhắn. Gọi trực tiếp cho ngân hàng, đơn vị bán hàng hoặc nhà cung cấp dịch vụ để xác nhận. Trong trường hợp đặt vé tàu, vé máy bay hoặc vé tour du lịch chỉ mua vé qua các kênh chính thức và uy tín. Kiểm tra kỹ thông tin trang web hoặc người bán trước khi chuyển tiền. Đồng thời, tuyệt đối không chuyển tiền cọc nếu chưa xác minh uy tín của người bán. Yêu cầu xem sản phẩm trực tiếp trước khi thanh toán. Kiểm tra thông tin về chương trình khuyến mãi trực tiếp từ nhà cung cấp dịch vụ. Không chia sẻ mã OTP, mã PIN hoặc thông tin tài khoản qua điện thoại hoặc link lạ.
Theo Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định cụ thể như sau: Người nào dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2 triệu đồng trở lên có thể bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Nếu giá trị tài sản chiếm đoạt lớn hơn hoặc có tình tiết tăng nặng, mức phạt có thể lên đến 20 năm hoặc tù chung thân. Đồng thời, các hình thức lừa đảo trực tuyến cũng bị xử lý nghiêm theo quy định này. Ngoài ra, người vi phạm còn có thể bị xử phạt hành chính nếu chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
Trong bối cảnh công nghệ phát triển nhanh chóng thì nhận thức và cảnh giác là “chìa khóa” để ngăn chặn các chiêu trò lừa đảo. Chỉ có sự kết hợp giữa tuyên truyền, giáo dục và hành động cứng rắn mới có thể mang lại một cái Tết an lành, đầm ấm, hạnh phúc cho nhiều gia đình.
Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/canh-giac-cac-thu-doan-lua-dao-dip-cuoi-nam-34931.htm