Cảnh giác các trò lừa đảo khi sinh viên chuẩn bị nhập học

Lợi dụng thời điểm các sinh viên (SV) vừa trúng tuyển đang làm thủ tục nhập học, một số đối tượng đã giả làm đầu mối của một số trường đại học (ĐH) tại TPHCM để lừa chuyển học phí, lệ phí (LP) nhập học. Ngoài ra còn nhiều vấn đề SV sẽ gặp phải như chủ nhà trọ giả danh, xin việc làm online, bẫy bán hàng đa cấp…

Lừa thu học phí

Ngày 25/8/2024, ĐH Sài Gòn thông tin về việc một số thí sinh (TS) trúng tuyển nhận được tin nhắn yêu cầu đóng 6.953.000 đồng LP nhập học năm 2024 vào số tài khoản ngân hàng (TKNH) theo hướng dẫn trong tin nhắn lừa đảo. Trên trang Facebook chính thức, ĐH Sài Gòn khẳng định hiện nay, nhà trường không chủ động gọi điện, gửi tin nhắn hay thư điện tử yêu cầu SV đóng LP nhập học năm 2024. Phụ huynh, TS trúng tuyển chỉ đóng LP nhập học theo hướng dẫn của nhà trường tại tài khoản (TK) cá nhân trên trang https://nhaphoc.sgu.edu.vn/ từ ngày 21 đến 27/8.

Tương tự, ngày 21/8 ĐH Mở TPHCM đăng thông tin cảnh báo giả mạo TKNH của trường để yêu cầu tân SV chuyển khoản phí nhập học. Hiện nhà trường không nhận thanh toán học phí bằng tiền mặt hoặc qua hình thức chuyển khoản, chỉ thu qua các ứng dụng theo hướng dẫn chính thức hoặc đóng trực tiếp tại NH Agribank, BIDV, Vietcombank hoặc Viettel trên toàn quốc. Cùng ngày 21/8, ĐH Hàng Hải Việt Nam đăng bài trên Facebook chính thức thông báo một số đối tượng yêu cầu SV chuyển khoản để đặt cọc ký túc xá hoặc sử dụng dịch vụ khác tại trường và khẳng định đây là hình thức lừa đảo trực tuyến.

Một trong những hình thức lừa đảo việc làm khiến các sinh viên mất tiền oan

Một trong những hình thức lừa đảo việc làm khiến các sinh viên mất tiền oan

Chiều 24/8, ĐH Công thương TPHCM phát cảnh báo về việc một số TS nhận được tin nhắn thông báo nhập học có tên được viết theo tên viết tắt của trường là HUIT với nội dung "HUIT - Chúc mừng bạn đã trúng tuyển chính thức. Mời bạn đến HUIT nhập học từ ngày 18/8 đến 17 giờ ngày 27/8/2024. Đồng thời, HUIT tặng ngay ưu đãi 3 triệu đồng dành cho 2.000 thí sinh nhập học sớm nhất".Đoạn tin nhắn gửi đến TS còn đính kèm đường link và 2 số điện thoại để TS liên hệ. Đại học Công thương TPHCM khẳng định đây là tin nhắn lừa đảo trúng tuyển.

Trước khi công bố điểm chuẩn năm 2024, ĐH Ngoại ngữ - Tin học TPHCM (HUFLIT) cũng đã cảnh báo tin giả để phụ huynh và tân SV cảnh giác. Nhà trường cho biết một số đối tượng không phải cán bộ, chuyên viên, SV của trường tham gia nhóm tư vấn tuyển sinh với mục đích cá nhân, TS lưu ý chỉ truy cập trang web chính thức của trường để tra cứu kết quả trúng tuyển và thực hiện thủ tục nhập học.

HUFLIT cũng thông tin một số cá nhân quảng cáo các khóa học Tiếng Anh, Tin học và việc làm đa cấp thông qua tư vấn nên các SV cần cẩn trọng với những lời mời gọi này.

Cẩn trọng với nhiều thủ đoạn ma mãnh

Thời điểm các trường ĐH đang trong giai đoạn tiếp nhận SV làm thủ tục nhập học cũng là lúc kẻ xấu giăng bẫy lừa chực chờ tân SV từ việc đăng ký giữ chỗ ký túc xá, thuê nhà trọ đến tìm việc làm... Nếu không cảnh giác, bất kỳ tân SV nào cũng có thể trở thành nạn nhân.

Theo đó, tân SV có thể gặp trường hợp kẻ lừa đảo giả dạng chủ nhà trọ để cho thuê. Các đối tượng sẽ tiếp cận những SV còn lạ lẫm với khu vực, đóng giả chủ phòng trọ dẫn khách đi xem phòng trước, sau đó gợi ý giá thuê rẻ và mồi chài đặt cọc bằng nhiều lý do, phổ biến như "giá rẻ thế này không đặt cọc sẽ có người khác thuê”... Thấy số tiền không quá lớn hoặc nhìn bên ngoài phòng cũng ưng ý hoặc tin tưởng đối tượng nên tân SV sẵn sàng đặt cọc, đến thời điểm dọn đồ vào ở thì không liên lạc được, tới nơi SV mới biết sự thật thì tiền đã mất! Các đối tượng cũng giả làm người có nhu cầu ở ghép, tiếp cận những bài đăng tìm người ở ghép và xin được ở cùng. Những đối tượng này thường viện nhiều lý do để từ chối cung cấp thông tin cá nhân cùng các ràng buộc cần thiết, sau đó nhân lúc sơ hở sẽ lấy hết tài sản giá trị. Đến lúc biết chuyện thì tài sản mất hết mà cũng chẳng thể tìm được bạn cùng phòng.

Bước vào ĐH, nhiều SV muốn đi làm thêm để trang trải và phụ giúp gia đình. Vì chưa có nhiều trải nghiệm, SV dễ rơi vào tầm ngắm của các đối tượng lừa đảo khi các thông tin về việc làm đưa ra đều mập mờ, không rõ ràng. Nếu SV nào liên hệ sẽ nhận được thông tin về mức lương hấp dẫn, phụ cấp và cơ hội kiếm tiền rộng mở, nhưng sau đó phải đóng khoản phí cho các công ty, tổ chức này với lý do may đồng phục, làm hồ sơ, cọc "giữ chỗ" và được cam kết trả lại số tiền đó sau khi đi làm. Vì thế, nhiều SV đã sập bẫy, dẫn đến mất tiền oan. Bên cạnh đó, các đối tượng lừa đảo còn làm giả, nhái các thương hiệu nổi tiếng để rao tin tuyển dụng thường với nội dung hấp dẫn như "việc nhẹ, lương cao"... khiến nhiều SV tin rằng đây là những thông tin tuyển dụng chính thống và sập bẫy.

Thời gian qua, cơ quan chức năng còn phát hiện nhiều thủ đoạn sử dụng email, website, group, fanpage giả mạo các tập đoàn lớn để tuyển dụng việc làm. Khi ứng viên tham gia, các đối tượng mời phỏng vấn online và yêu cầu tham gia nền tảng chat dành cho doanh nghiệp là Workplace. Sau đó, đối tượng lừa đảo cung cấp số TK yêu cầu chuyển phí ứng tuyển để tham gia vòng phỏng vấn tiếp theo hoặc nạp tiền vào các dự án an sinh xã hội rồi chiếm đoạt.

Ngoài ra, SV cũng dễ sa vào những lời quảng cáo, tin tuyển dụng rao trên mạng xã hội với nội dung: mức thu nhập "khủng", chiết khấu hoa hồng cao, dễ thăng tiến... để thuyết phục SV bán hàng đa cấp. Nhằm tăng "uy tín" cho việc thuyết phục, các đối tượng cho phép SV dùng miễn phí sản phẩm, hỗ trợ kinh phí để "làm quen" với sàn giao dịch, tặng quà và khóa học...

Ban đầu, SV vẫn nhận được lợi nhuận đầu tư, hoa hồng sản phẩm và có thể rút tiền về ngân hàng. Sau một thời gian, các đối tượng yêu cầu người tham gia phải đặt tiền cọc, liên tục "đổ tiền" vào để mua hàng, làm nhiệm vụ, góp vốn đầu tư, mua cổ phiếu, tiền ảo... Với những mức thu hấp dẫn từ việc giới thiệu nhiều người vào hệ thống, SV bắt đầu rủ người thân, bạn bè tham gia và rót tiền vào mua hàng, đầu tư... Nhưng khi đã lừa được nhiều người thì các sàn giao dịch báo lỗi và không thể rút được tiền, các "leader", "chuyên gia", công ty đa cấp trá hình lập tức "bốc hơi"!

HỒNG CHÂU

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/doi-song/giao-duc-huong-nghiep/canh-giac-cac-tro-lua-dao-khi-sinh-vien-chuan-bi-nhap-hoc_166458.html