Cảnh giác căn bệnh làm lệch mặt Kasim Hoàng Vũ

Sau một năm phẫu thuật viêm khớp xương hàm, những hình ảnh mới đây trên facebook của ca sĩ Kasim Hoàng Vũ đã làm nhiều khán giả thương xót khi gương mặt điển trai ngày nào giờ gần như biến dạng. Theo khuyến cáo của bác sĩ, viêm khớp xương hàm tuy không phải là bệnh nguy hiểm nhưng có thể để lại hậu quả nặng nề.

Kasim Hoàng Vũ sinh năm 1980, được khán giả chú ý khi đoạt giải quán quân cuộc thi Sao mai điểm hẹn năm 2004. Sau khi nổi tiếng tại Việt Nam, Kasim Hoàng Vũ sang Mỹ định cư và tiếp tục ca hát ở hải ngoại. Anh kín tiếng đời tư, mãi đến năm 2018 mới công bố có vợ Việt kiều và hai con trai. Hiện gia đình Kasim Hoàng Vũ sống tại tiểu bang Texas.

Không thể tiếp tục ca hát

Kasim Hoàng Vũ cho biết anh phát hiện bị bệnh viêm khớp xương hàm và phải phẫu thuật nang xương ở hàm và cổ cách nay một năm. Căn bệnh khiến gương mặt anh bị lệch, một phần cằm biến dạng. Anh không thể ăn uống bình thường, ăn ít hơn trước, chỉ ăn cháo, uống sữa dinh dưỡng... Thể trọng từ 80 kg chỉ còn 66 kg. Anh cắt tóc ngắn nên không còn dáng vẻ lãng tử tóc xoăn dài mà khán giả quen thuộc.

Diện mạo Kasim Hoàng Vũ trước khi mắc bệnh và sau phẫu thuật viêm khớp xương hàm được một năm (tháng 4.2024). Ảnh: TLNV

Diện mạo Kasim Hoàng Vũ trước khi mắc bệnh và sau phẫu thuật viêm khớp xương hàm được một năm (tháng 4.2024). Ảnh: TLNV

Sau ca phẫu thuật tháng 4.2023, phần quai hàm của Kasim Hoàng Vũ phải chấp nhận lệch một thời gian, phần cổ có vết sẹo lớn do mổ nên anh đeo khăn che lại. Từ tháng 7.2023, sức khỏe Kasim Hoàng Vũ đã trở lại bình thường. Bác sĩ lưu ý anh nghỉ ngơi thêm 5 - 6 tháng để phần xương và cơ hàm hồi phục hoàn toàn. “Thời gian này tôi hạn chế hoạt động cơ hàm, chỉ ăn những đồ ăn mềm. Tôi đang trong giai đoạn hồi phục nên gương mặt khác trước…”, Kasim Hoàng Vũ phản hồi những tin nhắn hỏi thăm.

Trải qua biến cố bệnh tật, tuy diện mạo và giọng hát đều bị ảnh hưởng nặng nề, khó có thể trở lại như cũ nhưng Kasim Hoàng Vũ vẫn luôn giữ cho mình tinh thần lạc quan. Hiện anh tập trung kinh doanh nhà hàng, trực tiếp nấu nướng nhiều món. Không thể tiếp tục ca hát nên Kasim Hoàng Vũ chuyển sang chơi nhạc cụ và thử sức với nghề DJ. Những lúc rảnh rỗi anh đi du lịch, trải nghiệm ẩm thực các nước.

Ai dễ bị viêm khớp thái dương hàm?

TS-BS. Bùi Hải Bình.

TS-BS. Bùi Hải Bình.

TS-BS. Bùi Hải Bình (Trung tâm Cơ xương khớp, Bệnh viện Bạch Mai) cho biết viêm khớp thái dương hàm (còn gọi là rối loạn khớp thái dương hàm, viêm khớp xương hàm) là bệnh khá phổ biến, gặp ở mọi lứa tuổi; tuy nhiên thường gặp hơn ở nữ, đặc biệt nữ ở tuổi dậy thì hoặc mãn kinh có tỷ lệ mắc cao hơn.

Khớp thái dương hàm là khớp động duy nhất của phần sọ mặt. Khớp cùng với hệ thống cơ nhai, răng là ba bộ phận hoạt động nhịp nhàng, có vai trò quan trọng giúp hàm đóng, mở để thực hiện các hoạt động như ăn, nói, nuốt...

“Nếu một trong ba bộ phận này bị mất ổn định sẽ dẫn tới rối loạn hoạt động hài hòa của bộ máy nhai. Hậu quả là rối loạn chức năng thái dương hàm và các cơ mặt xung quanh, làm mất cân bằng khớp nối giữa xương hàm và xương sọ, gây đau. Chức năng khớp thái dương hàm bị suy giảm làm ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày”, BS. Bình giải thích.

ThS-BS. Nguyễn Mạnh Thành (Khoa Răng hàm mặt, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) cho biết hiện nay tuy các nhà khoa học vẫn chưa kết luận nguyên nhân chính xác gây viêm khớp thái dương hàm nhưng có một số yếu tố được cho là tạo thuận lợi: thói quen cắn chặt hai hàm răng với nhau; nghiến răng khi ngủ; các khớp và cơ bị căng do thói quen cắn bút, cắn móng tay hoặc giữ điện thoại giữa cổ và vai; các cơ hoạt động quá mức do ăn đồ dai hoặc nhai kẹo cao su.

Bên cạnh đó, các yếu tố nguy cơ viêm khớp thái dương hàm thường thấy gồm: yếu tố di truyền ảnh hưởng đến cấu tạo, chuyển động khiến khớp thái dương hàm bị sai lệch; tật nghiến răng; thói quen ăn uống không khoa học; hàm răng thưa, lệch lạc... Biểu hiện ban đầu của viêm khớp thái dương hàm thường không rõ ràng, người bệnh chỉ thấy các triệu chứng như đau vùng má hoặc thái dương, có thể lan xuống vùng cổ, đau tăng khi ngủ dậy hoặc khi nhai; tiếng kêu “click” khi há ngậm miệng; khó há miệng; ù tai; đôi khi có thể đau đầu...

BS. Bình cho biết một số tình trạng như viêm khớp sau nhiễm khuẩn, viêm khớp sau chấn thương cấp, viêm khớp dạng thấp, thoái hóa khớp, hoặc viêm/ thoái hóa thứ phát khớp thái dương hàm… cũng được ghi nhận là nguyên nhân gây viêm khớp thái dương hàm. Tùy nguyên nhân mà viêm khớp thái dương hàm có những biểu hiện khác nhau: đau ở vùng trước nắp tai; đau vùng má, thái dương; đau đầu; có tiếng lục cục ở khớp khi há miệng; đau tăng lên khi vận động khớp như nhai, há miệng, nghiến răng; hạn chế động tác há miệng, động tác nhai cũng như đưa hàm sang hai bên; một số bệnh nhân có thể có các dấu hiệu đau vai gáy, đau tai, đau mắt...

“Các triệu chứng này gặp với các mức độ đau khác nhau. Ở mức độ đau vừa và nặng sẽ ảnh hưởng nhiều tới chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Ngoài ra còn có các triệu chứng khác của bệnh chính như sốt, sưng đau tại chỗ kèm hội chứng nhiễm khuẩn khi bị viêm khớp nhiễm khuẩn, hoặc bệnh cảnh chung của viêm khớp dạng thấp, thoái hóa khớp...”, BS. Bình chia sẻ.

Sớm điều trị để tránh hậu quả nặng nề

ThS-BS. Nguyễn Mạnh Thành.

BS. Bình và BS. Thành cùng nhận định viêm khớp thái dương hàm là một bệnh lý thường không gây nguy hiểm nhưng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, có thể để lại hậu quả nặng nề nên cần được điều trị sớm. Bệnh có thể tự khỏi nhưng dễ tái phát. Các triệu chứng thường nặng hơn khi bệnh nhân bị căng thẳng tâm lý, stress hoặc trầm cảm...

Viêm khớp thái dương hàm thường để lại những hậu quả: đau vùng cơ nhai, sưng nề viêm khớp kéo dài ảnh hưởng đến chức năng ăn nhai, dẫn đến ăn không ngon miệng, ngại ăn. Quá trình này kéo dài còn có thể gây thoái hóa khớp dẫn đến tiêu xương chỏm lồi cầu, mòn bề mặt khớp, dính lồi cầu vào hõm chảo gây khó hoặc không há được miệng. Quá trình viêm nếu đĩa đệm bị trật khỏi vị trí lâu dài dẫn tới teo đĩa đệm, thoái hóa khớp và dính khớp.

“Biến chứng nặng nề và nguy hiểm nhất có thể xảy ra là thủng đĩa khớp. Giai đoạn này nếu không được điều trị triệt để sẽ làm phá hủy đầu xương và xơ cứng khớp, bệnh nhân không thể há được miệng”, BS. Bình lưu ý.

Điều trị viêm khớp thái dương hàm sẽ tùy thuộc thể bệnh, mức độ bệnh cũng như nguyên nhân gây bệnh. Để giảm đau khớp và đau các cơ, bệnh nhân sẽ được chỉ định một số thuốc. Bác sĩ có thể chỉ định thêm các phương pháp vật lý trị liệu (chiếu tia hồng ngoại, xoa bóp cơ, chườm nóng…). Nếu các tác nhân răng hàm mặt là nguyên nhân gây bệnh, người bệnh sẽ được điều trị bằng các phương pháp chỉnh hình như niềng răng, nhổ bỏ răng, điều chỉnh khớp cắn, phục hình thẩm mỹ răng hoặc phẫu thuật xương ổ răng... Khi đáp ứng điều trị tốt thì bệnh có thể khỏi sau vài ngày.

Với các trường hợp bệnh nặng, nguyên nhân phức tạp, quá trình điều trị có thể kéo dài cả năm, đôi khi phải sống chung với bệnh suốt đời. Riêng các trường hợp đã có thoái hóa khớp nặng, dính khớp, người bệnh có thể được điều trị phẫu thuật tại khớp, nội soi khớp.

“Để đề phòng nguy cơ mắc bệnh viêm khớp thái dương hàm, nên hạn chế ăn các thức ăn quá cứng hoặc quá dai. Tránh các thói quen xấu như nghiến răng, cắn chặt răng, cắn móng tay, chống cằm. Chỉnh nha, phục hồi răng nếu khớp cắn bị lệch, răng chen chúc, xô đẩy hoặc mất răng. Khi có stress nên áp dụng các hình thức thư giãn, giải trí phù hợp…”, BS. Bình khuyến cáo.

Hoài Nam - Hữu Đức

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/canh-giac-can-benh-lam-lech-mat-kasim-hoang-vu-43543.html