Cảnh giác cao với biến thể mới của SARS-CoV-2
Có 7 trường hợp F1 và 107 trường hợp F2 của bệnh nhân Covid-19 mới, quê Vĩnh Long, vượt biên trái phép từ nước ngoài về
Về biến thể của virus SARS-CoV-2 gây ra đại dịch Covid-19 tại Anh đang làm giới khoa học quan ngại, Bộ Y tế ngày 26-12 cho biết biến chủng này làm tăng khả năng bám dính của virus với tế bào vật chủ, đột biến trên vùng gien N501Y của virus corona.
Tăng khả năng lây lan
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), biến thể mới làm tăng khả năng lây lan tới 70%. Đến nay nước ta chưa phát hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2 từ những ca bệnh là người nhập cảnh hợp pháp vào Việt Nam.
Những nghiên cứu ban đầu cho thấy thời gian ủ bệnh của người nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2 ngắn hơn, khởi phát sớm hơn, khả năng bám dính bề mặt lớn hơn... nhưng chưa có dấu hiệu tồn tại lâu hơn, gây triệu chứng bệnh nặng hơn.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết Việt Nam đã giải trình tự gien trên toàn bộ mẫu và Bộ Y tế đã chỉ đạo các viện nghiên cứu khẩn trương lấy mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân (BN) Covid-19 gần đây kết hợp đối tác bên ngoài để làm rõ biến thể mới của virus SARS-CoV-2 đã vào Việt Nam hay chưa.
Ông Long cho rằng biến chủng của SARS-CoV-2 có khả năng làm tăng tốc độ lây truyền lên tới 70% là điều hết sức quan ngại. Nhiều nước phong tỏa với Anh, không tiếp nhận các chuyến bay, công dân Anh hay các hình thức khác nhập cảnh Anh. Việt Nam đang theo dõi rất chặt biến chủng này. Bộ Y tế nâng mức cảnh giác dịch bệnh ở mức cao nhất, đồng thời yêu cầu các địa phương chuẩn bị những tình huống xấu nhất, tăng cường đẩy mạnh xét nghiệm đối với các trường hợp có biểu hiện nghi ngờ.
Kiểm soát chặt đường biên
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm soát chặt chẽ đường biên giới trên bộ, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm. Lực lượng biên phòng, công an cửa khẩu cần phát huy trách nhiệm của chính quyền cơ sở, người dân ở vùng biên. Thực tiễn có rất nhiều trường hợp nhập cảnh trái phép vào được chính quyền, người dân địa phương phát hiện vận động để thực hiện cách ly. Với trường hợp không tự nguyện, người dân báo cáo với cơ quan chính quyền để xử lý.
Với người nhập cảnh, phải thực hiện nghiêm theo phương án cách ly và chỉ thay đổi địa điểm, phương án cách ly theo yêu cầu của cơ quan chức năng. Siết chặt các biện pháp phòng chống dịch trong nước khi thời gian tới diễn ra nhiều hoạt động, lễ hội đón năm mới dịp đầu năm.
Theo Phó Thủ tướng, công tác phòng chống dịch đang bước vào thời gian rất quan trọng khi mùa đông đến và dịp Tết nguyên đán trong khi dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp. Sau thời gian dài an toàn không có ca nhiễm cộng đồng thì dễ xuất hiện tâm lý lơi lỏng, chủ quan. Vì vậy, các lực lượng chức năng phải tăng cường kiểm tra, đồng thời đẩy mạnh công tác truyền thông. Tất cả các biện pháp phòng chống dịch phải được nâng lên một mức.
Khó truy vết bệnh nhân ở Vĩnh Long
Ông Lữ Quang Ngời, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, cho biết sáng 26-12, tỉnh này đã triệu tập họp khẩn để có chỉ đạo liên quan một trường hợp mắc Covid-19, nhập cảnh trái phép từ Campuchia.
Theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long, người mắc Covid-19 là ông L.T.T (32 tuổi; ngụ xã Nhơn Phú, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long). Trước đó, từ ngày 15 đến 23-12, BN này vượt biên trái phép từ Myanmar đến Thái Lan rồi về Campuchia, rạng sáng 24-12 vượt biên qua cửa khẩu ở Tây Ninh, sau đó di chuyển về TP HCM, đi xe khách về nhà mẹ ở thị trấn Cái Nhum (huyện Mang Thít), rồi về nhà ở xã Nhơn Phú. Mẹ BN chủ động trình báo và đưa BN đi cách ly tập trung. Sáng 25-12, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Vĩnh Long lấy mẫu xét nghiệm lần 1 gửi Viện Pasteur TP HCM, kết quả dương tính Covid-19. Hiện BN không có biểu hiện sốt, ho, khó thở, tiếp xúc tốt.
Có 7 trường hợp F1 do tiếp xúc gần với BN này, trong đó có cha, mẹ, 1 công an viên và 4 nhân viên y tế; 107 trường hợp F2. Điều đáng nói là BN không nhớ rõ các địa điểm, người tiếp xúc và phương tiện di chuyển nên khó khăn cho điều tra dịch tễ và khoanh vùng F1 cũng như truy vết. Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long đã thông báo đến ngành y tế các tỉnh Tây Ninh, TP HCM và Tiền Giang phối hợp tìm các trường hợp F1 tiếp xúc gần với BN trong suốt quá trình BN di chuyển từ cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) về Vĩnh Long. Hiện 7 trường hợp F1 đã được lấy mẫu và cách ly. Tỉnh Vĩnh Long kêu gọi người dân tập trung thực hiện nghiêm các biện pháp của Bộ Y tế trong phòng chống dịch.
Cuối ngày, Bộ Y tế cũng xác nhận BN này đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Vĩnh Long
Sở Y tế TP HCM cho biết trong số 143 BN mắc Covid-19 từ đầu mùa dịch đến nay trên địa bàn, hiện chỉ còn 2 BN đang điều trị. Đã 25 ngày qua, từ ngày 2-12 đến nay, TP không ghi nhận ca nhiễm mới trong cộng đồng. BS Trần Chánh Xuân, Phó Giám đốc Bệnh viện dã chiến Củ Chi, cho biết 4 ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng từ tiếp viên Vietnam Airlines được cách ly điều trị đều đã 2 lần âm tính với virus SARS-CoV-2, sức khỏe ổn định.
Hiện TP HCM cách ly tập trung 2.140 người, cách ly tại nhà/nơi lưu trú 47 người; tiếp tục xét nghiệm giám sát các nhóm nguy cơ cao như bến xe, bệnh viện, doanh nghiệp. Tiếp tục cách ly người nhập cảnh theo quy định…
Đoàn cán bộ của Bộ Y tế do Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long dẫn đầu vừa có chuyến kiểm tra công tác phòng chống dịch Covid-19 ở khu vực biên giới tỉnh Tây Ninh, cửa khẩu Mộc Bài. Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị Bộ đội Biên phòng tỉnh Tây Ninh tiếp tục triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh để ứng phó kịp thời khi dịch bệnh xảy ra.
Thử nghiệm vắc-xin cho nhóm TNV thứ hai
Ngày 26-12, Học viện Quân y tiếp tục tiêm thử nghiệm vắc-xin Covid-19 Nano Covax nhóm liều 50 mcg cho 3 tình nguyện viên (TNV) đầu tiên của nhóm 2. Những TNV đầu tiên tiêm thử vắc-xin gồm 1 nam và 2 nữ, tuổi từ 20-25. Sau tiêm, các TNV được theo dõi ở phòng riêng tại Học viện Quân y trong 72 giờ đầu. Tin từ nhóm nghiên cứu cho biết sau đợt tiêm liều 25 mcg, sức khỏe của 20 TNV ổn định. Trước đó, từ ngày 17 đến 22-12, nhóm nghiên cứu đã hoàn tất việc tiêm thử nghiệm tiêm vắc-xin liều 20 mcg mũi 1 cho 20 TNV của nhóm đầu tiên. Các chỉ số về phản ứng phụ không xuất hiện, chủ yếu đau nhẹ và sốt nhẹ nhưng không quá 37,8 độ C.
Giai đoạn 1 thử nghiệm lâm sàng của vắc-xin Covid-19 do Việt Nam sản xuất được chia làm 3 đợt tiêm, mỗi đợt 20 người, thử nghiệm các liều 25, 50 và 75 mcg. Giai đoạn này có 60 TNV từ 18-50 tuổi tham gia và được phân ngẫu nhiên vào 3 nhóm với 3 liều tiêm khác nhau. Tất cả TNV ở giai đoạn 1 sẽ được tiêm bắp 2 mũi vắc-xin với khoảng cách giữa 2 mũi tiêm 28 ngày. Thời gian nghiên cứu đối với mỗi người tham gia là khoảng 56 ngày và thời gian theo dõi là đến tháng thứ 6 kể từ liều tiêm đầu tiên.
Dự kiến, tháng 3-2021 sẽ thử nghiệm giai đoạn 2. TNV tham gia tập trung vào lứa tuổi 18-50, có thể mở rộng từ 12-75 tuổi và số TNV lên tới 600 người. Nano Covax là vắc-xin ngừa Covid-19 đầu tiên của Việt Nam được đưa vào tiêm thử nghiệm lâm sàng trên người.
D.Thu
Biến thể mới xuất hiện ở nhiều nước
Nhà chức trách Pháp và Lebanon hôm 25-12 ghi nhận các trường hợp nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2 (gọi là VOC 202012/01) đầu tiên trên lãnh thổ này. Theo Bộ Y tế Pháp, một người đàn ông nước này trở về từ thủ đô London - Anh hôm 19-12 đã cho kết quả xét nghiệm dương tính với biến thể trên. Người này không thể hiện triệu chứng và đang cách ly tại nhà ở TP Tours. Ngoài ra, một số mẫu nghi nhiễm VOC 202012/01 khác đang được xét nghiệm.
Trong khi đó, trường hợp nhiễm VOC 202012/01 đầu tiên tại Lebanon được phát hiện trên một chuyến bay xuất phát từ Anh hôm 21-12. Biến thể mới này cũng xuất hiện ở nhiều nước, như Ý (1 ca), Nhật Bản (5 ca là hành khách đến từ Anh), Singapore (1 ca), Đan Mạch (33 ca), Hà Lan (1 ca), Úc (1 ca)... Ông Hans Kluge, Giám đốc khu vực châu Âu của Tổ chức Y tế thế giới, cho biết ít nhất 8 nước châu Âu bị biến thể VOC 202012/01 xâm nhập. Biến thể dường như lây lan giữa các nhóm người trẻ tuổi hơn, không giống các chủng trước đó.
Biến thể trên được phát hiện đầu tiên ở Anh vào tuần trước và các chuyên gia cảnh báo nó lây nhanh hơn các biến thể khác. Hơn 50 quốc gia ra lệnh cấm nhập cảnh đối với hành khách từ Anh, nơi Thủ tướng Boris Johnson áp đặt lệnh phong tỏa nghiêm ngặt ở thủ đô London.