Cảnh giác chiêu trò lừa đảo qua mạng
ĐBP - Theo đánh giá của Công an tỉnh, những năm gần đây các loại tội phạm lừa đảo qua mạng xã hội có dấu hiệu gia tăng và diễn biến phức tạp, khó lường. Đặc biệt trước nhu cầu vay tiền của nhiều người, đánh vào tâm lý của khách hàng muốn vay nhanh, thủ tục thuận tiện, một số đối tượng đã giả danh nhân viên ngân hàng đăng tải thông tin hỗ trợ vay tiền, giải ngân nhanh trên mạng xã hội; giả mạo nhân viên bán hàng thông báo trúng thưởng, có quà tặng gửi từ nước ngoài sau đó yêu cầu chuyển tiền trước để nhận thưởng rồi chiếm đoạt tài sản.
Công an phường Thanh Trường, TP. Điện Biên Phủ triển khai nhiệm vụ, công tác phòng, chống tội phạm lừa đảo qua mạng xã hội.
Chỉ cần một thao tác gõ trên máy tính hoặc điện thoại thông minh cụm từ “vay tiền online” thì ngay lập tức hiện ra rất nhiều ứng dụng (app) quảng cáo cho vay với lời quảng cáo hấp dẫn, như: Cam kết cho vay tiền nhanh gọn, hạn mức cho vay lớn, giải ngân trong ngày chỉ cần có chứng minh thư nhân dân hoặc căn cước công dân là có thể dễ dàng vay được tiền. Thậm chí nhiều người còn nhận được tin nhắn, cuộc gọi từ các số điện thoại lạ mời chào vay tiền.
Anh P.T phường Him Lam (TP. Điện Biên Phủ) cho biết, thời gian gần đây thường xuyên nhận được tin nhắn từ các số điện thoại lạ mời chào vay tiền qua mạng mà không cần thế chấp với nội dung, như: “Bạn đã đủ điều kiện vay tới 50 triệu đồng tiền mặt. Trả góp từ 447.000 đồng/tháng. Không cần thế chấp tài sản. Chỉ yêu cầu chứng minh thư hoặc thẻ căn cước công dân. Áp dụng riêng cho khách hàng nhận được tin nhắn này. Soạn TM gửi (miễn phí) để bắt đầu đăng ký...”.
Vay tiền qua mạng nếu như không bị lừa chiếm đoạt tài sản thì cũng phải chịu lãi suất cao gấp chục lần, thậm chí hàng trăm lần so với quy định. Không chỉ đặt ra cái bẫy với lãi suất “cắt cổ”, hình thức siết nợ khách hàng vay cũng theo kiểu “khủng bố”. Khi vay, khách hàng phải khai báo thông tin cần thiết. Trường hợp chậm trả, ngoài việc liên tục gọi điện, các đối tượng cho vay sẽ thường xuyên làm phiền người thân, bạn bè, đồng nghiệp; tấn công vào trang mạng xã hội của người vay hoặc bạn bè liên quan bằng những bình luận, hình ảnh khiếm nhã theo kiểu “xã hội đen” trá hình. Ban đầu là những lời lẽ thô tục, nếu người vay vẫn không thanh toán nợ, chúng tiếp tục dùng các sim rác gọi, nhắn tin đe dọa, sẽ cho người đến nhà phá đồ đạc, uy hiếp nạn nhân và người thân trong gia đình.
Không chỉ lừa đảo cho vay lãi suất cao, thời gian qua còn phổ biến hình thức lừa đảo bằng cách thông báo trúng thưởng, quà tặng gửi từ nước ngoài sau đó yêu cầu người nhận chuyển tiền trước để nhận thưởng rồi chiếm đoạt tài sản. Điển hình, ngày 4/12/2020, Công an tỉnh nhận được tin tố giác tội phạm của một nạn nhân về việc bị các đối tượng có tài khoản facebook tại nước ngoài lừa đảo, chiếm đoạt hơn 500 triệu đồng, với thủ đoạn chuyển bưu kiện từ nước ngoài về.
Thông tin từ Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm công nghệ cao (Công an tỉnh), từ năm 2021 đến nay Công an tỉnh đã xác minh, làm rõ, xử lý 54 trường hợp có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật trên không gian mạng; tiếp nhận xác minh 3 tin báo về lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội. Thủ đoạn của các đối tượng là giả danh cán bộ ngân hàng, đăng các thông tin hỗ trợ vay vốn, giải ngân nhanh, không cần thủ tục rườm rà, mất thời gian. Một số đối tượng dùng phần mềm Voice over IP, giả số điện thoại của công an, viện kiểm sát, tòa án gọi điện thoại đe dọa nạn nhân đang liên quan đến vụ án rửa tiền, tội phạm ma túy cơ quan công an đang điều tra, yêu cầu nạn nhân gửi số tiền vào tài khoản đối tượng chỉ định để phục vụ công tác xác minh...
Trước tình hình gia tăng tội phạm lừa đảo qua mạng xã hội, Công an tỉnh khuyến cáo người dân không nên vay tiền của các loại hình được quảng bá là nhanh chóng, giải ngân trong ngày thông qua các trang mạng xã hội. Nếu có nhu cầu vay vốn, người dân hãy tìm hiểu kỹ và trực tiếp đến trụ sở, chi nhánh các ngân hàng để được tư vấn, hướng dẫn thủ tục vay vốn. Không công khai các thông tin cá nhân lên mạng xã hội để tránh bị các đối tượng lợi dụng khai thác, sử dụng thủ đoạn lừa đảo. Các cá nhân không mở hộ, cho thuê, bán tài khoản của mình cho người khác, đặc biệt những đối tượng không quen biết... Khi phát hiện các trường hợp nghi vấn, có dấu hiệu lừa đảo thì phải báo ngay với cơ quan công an để kịp thời ngăn chặn, xử lý.