Cảnh giác, chủ động phòng chống thiên tai
Từ đầu năm đến nay, thiên tai trên địa bàn tỉnh diễn biến rất phức tạp, đặc biệt là sạt lở, lốc xoáy, gây thiệt hại nặng nề. Trước tình hình trên, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự (PCTT,TKCN&PTDS) tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành khẩn trương vào cuộc, chủ động trong phòng, chống thiên tai (PCTT) nhằm giảm thấp nhất thiệt hại.
Khó khăn khắc phục sạt lở
Huyện Ðầm Dơi là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng rất lớn từ thiên tai. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện xảy ra 87 vụ thiên tai, trong đó có 74 vụ sạt lở đất, 9 vụ lốc xoáy và 4 vụ hỏa hoạn. Gây thiệt hại 25 căn nhà, trong đó sập hoàn toàn 5 căn, hư hỏng 14 căn và cháy 6 căn; 3 cống xổ tôm; 870 m lộ đất đen, 647 m lộ đal, 30 m lộ nhựa, 125 m bờ kè. Ước thiệt hại hơn 5,1 tỷ đồng.
Ðiển hình như đoạn sạt lở gần cầu kênh Thờ Tỉnh, ấp Tân Long B, xã Tân Dân. Ðây là đoạn sạt lở rất nghiêm trọng xảy ra từ đầu năm, gây ảnh hưởng rất lớn đến giao thương hàng hóa của địa phương, cũng như việc đi lại của người dân, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn rất cao.
Ông Huỳnh Văn Thọ, ấp Tân Long B, cho biết: “Thời gian gần đây, tình trạng sạt lở ven sông xảy ra rất nghiêm trọng, tuy địa phương có triển khai khắc phục hậu quả sạt lở nhưng một số tuyến sạt lở rất lớn nên khó khắc phục. Tuyến huyết mạch này đã sạt lở từ đầu năm nhưng đến nay vẫn nguyên hiện trạng. Hiện nay, việc đi lại rất khó khăn, nhất là đối với xe lớn, phải đi vòng mới chở hàng hóa được, rất mất thời gian và chi phí. Bà con rất mong cấp trên khắc phục tuyến này càng sớm càng tốt”.
Ông Trần Bá Ðổm, Phó chủ tịch UBND xã Tân Dân, cho biết: “Tính từ đầu năm đến nay, trên địa bàn xã xảy ra 9 vụ sạt lở đất và lốc xoáy, ước thiệt hại khoảng 730 triệu đồng. UBND xã đã thành lập đoàn đến thăm hỏi, động viên và hỗ trợ 3 hộ bị thiệt hại, với số tiền 4 triệu đồng. Tình hình sạt lở ven sông trên địa bàn so với năm 2023 đã giảm nhiều nhưng vẫn còn phức tạp. Vì vậy, từ đầu năm, UBND xã đã xây dựng kế hoạch, rà soát những đoạn nước chảy xiết, dòng chảy khuyết sâu vào lộ, có nguy cơ sạt lở cao; tranh thủ nguồn lực của địa phương, đồng thời vận động bà con gia cố để hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra".
Ông Trần Minh Nhiều, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Ðầm Dơi, cho biết: “Trước khi vào mùa mưa bão, huyện đã xây dựng các kế hoạch và phương án PCTT, phòng chống sạt lở đất ven sông. Vừa qua, trên địa bàn huyện xảy ra nhiều vụ sạt lở đất làm ảnh hưởng đến lộ nông thôn, việc đi lại của Nhân dân. Ðối với các tuyến thiệt hại nhẹ, chính quyền địa phương phối hợp cùng các lực lượng và người dân khắc phục bằng cách đắp đất đen bên trong và lót tạm lại đal. Còn với những tuyến sạt lở nghiêm trọng, huyện đề ra nhiều giải pháp nhằm khắc phục sớm nhất”.
Khó khăn lớn nhất của địa phương chính là vốn. Tình trạng sạt lở xảy ra nhiều, tuy nhiên, nguồn vốn thì rất hạn chế. Vì vậy, huyện cũng tận dụng vận động nguồn lực trong Nhân dân, cũng như đề xuất cấp trên hỗ trợ kinh phí khắc phục sớm tình trạng sạt lở, nhất là đối với những tuyến huyết mạch, nhằm sớm thông thương để thúc đẩy giao thương, phát triển kinh tế.
Chủ động tối đa trong các tình huống
Tính chung trên địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay, thiên tai làm 157 căn nhà bị thiệt hại, hư hỏng (trong đó, sập 56 căn; hư hỏng, tốc mái 100 căn, 1 cơ sở thu mua ruốc); 99 vị trí ven sông bị sạt lở với chiều dài 2.594 m (trong đó có 596 m lộ bê tông); thiệt hại 2 cống xổ vuông, 1 cây cầu bê tông, 1 giếng khoan nước, ngã đổ 6 trụ điện và cáp viễn thông, 4 cây xanh. Mưa lớn gây ngập úng làm thiệt hại 615 ha lúa hè thu; hạn hán làm sạt lở, sụt lún 730 vị trí với tổng chiều dài 19.056 m (trong đó, 14.669 m lộ bê tông và 4.387 m lộ đất đen). Tổng lũy kế thiệt hại về tài sản đến nay hơn 37 tỷ đồng. Trên biển, thiệt hại do thiên tai và tai nạn xảy ra 27 vụ việc, làm chìm 7 phương tiện, chết 18 thuyền viên, mất tích 6 thuyền viên, trôi dạt 33 thuyền viên.
Trước tình hình thiên tai diễn biến phức tạp, ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở NN&PTNT, Phó ban Chỉ huy PCTT,TKCN&PTDS tỉnh, cho biết: “Tỉnh đã xây dựng các kế hoạch PCTT và thường xuyên cập nhật các phương án theo diễn biến thời tiết, để chủ động tối đa nhất có thể. Ðối với các địa phương, tỉnh đã chỉ đạo phải rà soát phương án PCTT, với từng huyện, xã để có phương án phòng chống cụ thể trong tình hình thực tế, ở từng thời điểm. Bên cạnh đó, sẵn sàng huy động tất cả các lực lượng, vật tư, trang thiết bị, tổ chức diễn tập, để tránh bị động khi có tình huống xảy ra. Về sản xuất, ngành nông nghiệp đã thông báo lịch thời vụ rất sớm và cập nhật tình hình thời tiết cụ thể cho từng địa phương. Nhìn chung, năm nay bà con thực hiện tốt. Hiện nay, các hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn chưa được đầu tư thêm. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp đã chủ động sửa chữa, nâng cấp, vận hành thử, đảm bảo không để bị động khi có tình huống xảy ra”.
Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/canh-giac-chu-dong-phong-chong-thien-tai-a34397.html