Cảnh giác hàng giả, hàng nhái dịp cuối năm
Cuối năm là thời kỳ mua sắm sôi động, đồng thời cũng là thời điểm thường xuyên xảy ra các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái tràn lan trên thị trường. Hiện tượng này không chỉ gây thiệt hại về mặt tài chính mà còn đe dọa đến sức khỏe và an toàn của người tiêu dùng.
Triệt phá nhiều vụ buôn bán hàng hóa không rõ nguồn gốc
Những năm qua, cùng với sự bùng nổ của hình thức thương mại điện tử, livestream bán hàng, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại diễn biến phức tạp hơn các năm trước, gây ảnh hưởng đến thị trường tiêu dùng. Đặc biệt trong những tháng cuối năm, dự báo nhiều loại hàng hóa được giảm giá sâu để xả hàng tồn kho, kích cầu nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao.
Do đó, các cơ quan chức năng khuyến cáo, dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 là thời điểm các hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng cấm, buôn bán sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ, không rõ nguồn gốc xuất xứ… sẽ có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp với những phương thức, thủ đoạn tinh vi hơn, đặc biệt đối với các mặt hàng tiêu dùng, đồ gia dụng, hàng thực phẩm, bánh kẹo, mỹ phẩm, pháo nổ, thuốc lá, thuốc lá điện tử, bóng cười…
Càng gần tết thì tại các chợ nhiều cửa hàng, tiệm tạp hóa trưng bày bánh kẹo càng nhiều, gồm cả hàng trong nước và hàng nước ngoài, kể các có nhiều sản phẩm không có nhãn mác được bán với giá rẻ.
Hiện tại đã xuất hiện tem giả của các thương hiệu bánh kẹo nổi tiếng trên thị trường bánh kẹo với công nghệ ngày càng tinh vi, người tiêu dùng rất khó để phân biệt.
Cách đây không lâu VTV đưa tin, công an đã phát hiện một cơ sở in tem bánh kẹo giả ở Hà Nội với các thương hiệu như Danisa của Đan Mạch (viết thành Damisa), Cosy của Kinh đô (thành Cozy)…
Ngoài ra còn nhiều bánh, kẹo được dán với nhãn mác ghi sản xuất Thái Lan, Hàn Quốc, Indonesia,… nhưng thực chất là sản xuất ở Trung Quốc và không rõ nguồn gốc cơ sở sản xuất.
Những sản phẩm dán tem giả này rất đẹp, màu sắc sặc sở, bắt mắt rất giồng với hàng thật, với những người tiêu dùng bình thường thì không thể nào phân biệt được.
Ngoài bánh kẹo, gần Tết các mặt hàng về hoa quả, thực phẩm cũng được các đối tượng làm giả nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ..
Cụ thể, lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội đã tiến hành kiểm tra và phát hiện hàng chục kg lê có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu lê Hàn Quốc. Các đối tượng thiết kế tem, mác trên sản phẩm giống với nhãn mác lê Hàn khiến người tiêu dùng dễ bị nhầm lẫn.
Gần đây, Đội QLTT số 17 (QLTT Hà Nội) Đội 7 Phòng PC03 - Công an TP Hà Nội phát hiện kho chứa thực phẩm có dấu hiệu không rõ nguồn gốc xuất xứ rất lớn nằm sâu trong khu dân cư, trên địa bàn huyện Thường Tín.
Cụ thể, theo thông tin của lực lượng chức năng kho chứa và tập kết thực phẩm trên vừa được phát hiện nằm sâu trong khu dân cư thôn Thụy Ứng, xã Hòa Bình, huyện Thường Tín, TP Hà Nội. Chủ cơ sở tập kết và kinh doanh thực phẩm này là ông T.V.Đ. (trú tại Hòa Bình, Thường Tín).
Làm việc với cơ quan chức năng, ông Đ. thừa nhận đang kinh doanh mặt hàng mỡ bò, óc lợn, sụn lợn. Tất cả hàng hóa được thu mua trôi nổi trên địa bàn, sau đó bán cho khách có nhu cầu ở Hà Nội và một số tỉnh lân cận.
Ngày 21/1, tổ công tác liên ngành Đội Cảnh sát kinh tế Công an quận Hà Đông phối hợp với Công an phường Yên Nghĩa, Đội Quản lý thị trường số 11 - Cục QLTT TP Hà Nội kiểm tra, khám xét tại địa chỉ số 95 khu 3 đường QL2, xã Phú Minh, huyện Sóc Sơn và thu giữ 1.314 túi nước giặt nhãn hiệu D-nee loại 1.400ml; 106 thùng (chứa 8 túi) nước xả ghi nhãn hiệu Hygiene; 2 máy hàn nhiệt, 1 máy nén khí, 1 máy dập hạn sử dụng, 12 thùng phuy dung tích 200 lít chứa dung dịch bên trong, 550 kg bìa giấy ghi nhãn Hygiene; 525kg vỏ túi đựng nước giặt có chữ D-nee, 1.700 vỏ thùng giấy có chữ D-nee.
Mở rộng điều tra, quá trình khám xét địa chỉ số 50 khu 2 đường QL2, xã Phú Minh, huyện Sóc Sơn, thu giữ 1.680 can nước giặt nhãn hiệu D-nee loại 3.000ml; 48 can nước giặt chưa có nhãn, 4.570 vỏ thùng giấy có chữ D-nee; 120 kg nhãn hàng hóa có chữ D-nee.
Theo Công an quận Hà Đông, toàn bộ số nguyên liệu, thành phẩm này, có dấu hiệu vi phạm, gian lận thương mại.
Hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ còn được rao bán tràn lan trên môi trường trực tuyến. Việc các sàn thương mại điện tử không yêu cầu người bán công khai thông tin, công ty chuyển phát không phải chịu trách nhiệm về nguồn gốc hàng hóa là những lỗ hổng trong công tác quản lý, vô tình tiếp tay cho các đối tượng xấu.
Đơn cử, QLTT Hà Nội đã phối hợp với Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cùng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia bất ngờ kiểm tra kho hàng là căn biệt thự 5 tầng nằm trong Khu đô thị Đô Nghĩa, thuộc phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, phát hiện nhiều hàng hóa vi phạm.
Chủ kho hàng này là một người nổi tiếng trên mạng xã hội, chuyên bán hàng qua livestream, có lượng khách mua rất lớn thông qua phát trực tiếp trên nền tảng Facebook, Shopee, TikTok... chỉ tính riêng 1 lượt livestream trên Tiktok kho hàng này đã có khoảng 15.000 người xem, trong vòng 20 ngày doanh thu đã lên tới gần 3 tỷ đồng.
Hàng hóa tại đây đa phần là sản phẩm hàng mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, hàng gia dụng, tiêu dùng được cho là hàng Hàn Quốc, Mỹ, Canada...; tuy nhiên không có tem, nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam, chưa rõ nguồn gốc xuất xứ.
Nhìn lại sau 02 năm ảnh hưởng bởi đại dịch Covid, thói quen tiêu dùng của người dân thay đổi tạo động lực phát triển cho thương mại điện tử. Các đối tượng kinh doanh online lập nhiều tài khoản Facebook và chạy quảng cáo, ảnh chụp sản phẩm tương đối chuyên nghiệp và không có địa chỉ, số điện thoại hoặc địa chỉ chung chung, khi khách hàng hỏi thì chỉ nhận inbox (nhắn tin riêng). Thậm chí, một số đối tượng còn bỏ tiền thuê các cá nhân có sức ảnh hưởng, nổi tiếng để livestream (phát trực tiếp) bán hàng cho mình, từ đó có thể chốt hàng nghìn đơn mỗi ngày.
Cần sự phối hợp đồng bộ giữa các lực lượng chức năng
Trước thực trạng trên, các chuyên gia và đại diện cơ quan chức năng cho rằng việc chống hàng giả hiện còn nhiều khó khăn.
Để chặn mối nguy mua hàng giả, đòi hỏi các cơ quan quản lý phải sửa đổi, thống nhất các quy định, tạo cơ sở pháp lý rõ ràng, tăng nặng chế tài xử lý đối với chủ thể vi phạm.
Công tác kiểm tra xử lý hàng giả, hàng nhái mới chỉ giải quyết được phần ngọn của vấn đề. Điều quan trọng nhất là làm sao để tuyên truyền cho người dân, người tiêu dùng mua hàng biết cách phòng tránh. Hơn nữa, hàng giả hiện đang thể hiện ở nhiều hình thức, đòi hỏi cơ quan có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra, kiểm soát, cập nhật.
Theo ông Nguyễn Huy Cường - nguyên Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 24 Hà Nội, kiến nghị Chính phủ xây dựng hệ thống dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính cũng như cơ chế liên thông, trao đổi dữ liệu cơ sở giữa các bộ, ngành để xây dựng một số dữ liệu quốc gia phục vụ hoạt động xử lý vi phạm hành chính. Và kịp thời sửa đổi các quy định quản lý trong thương mại điện tử nhằm khắc phục các vướng mắc: truy xuất đối tượng kinh doanh TMĐT, nắm thông tin, phát hiện vi phạm trên môi trường mạng, truy xuất, lưu trữ các giao dịch TMĐT, hàng hóa giao dịch, trên trang web bán hàng hoặc qua mạng xã hội…
Ngoài ra, các nhà chuyên môn cũng cho rằng cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, giáo dục phòng ngừa, ngăn chặn buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Phải xác định đây là một trong những công tác trọng tâm của các cơ quan, ban, ngành, với sự tham gia tích cực của các cơ quan truyền thông, tổ chức đoàn thể, hoạt động tuyên truyền phải đa dạng, phong phú hơn, phù hợp với tình hình thực tế.
Trao đổi với PetroTimes, về các giải pháp triển khai chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn, Đại điện Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, Ban Chỉ đạo 389 TP đã chủ động triển khai thực hiện hiệu quả các Kế hoạch của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024; về tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua cảng hàng không quốc tế; về tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên các tuyến biên giới, vùng biển và địa bàn nội địa...
Đồng thời, Ban Chỉ đạo cũng xây dựng và ban hành quy chế về trách nhiệm và quan hệ phối hợp hoạt động giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn thành phố; triển khai thực hiện đề án chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025.
Bên cạnh sự cố gắng, nỗ lực không ngừng của các lực lượng chống buôn lậu, gian lận thương mại trên địa bàn; rất cần sự chung tay, giúp sức của cả hệ thống chính trị: kiên quyết không tiếp tay cho các đối tượng buôn lậu, phải trung thực trong sản xuất kinh doanh; góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, thúc đẩy sản xuất.
Do đó, các ngành chức năng cần phối hợp thực hiện các giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa, dịch vụ, bình ổn giá cả thị trường, đảm bảo chất lượng hàng hóa phục vụ để người dân an tâm vui Xuân, đón Tết.
Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/canh-giac-hang-gia-hang-nhai-dip-cuoi-nam-704364.html