Cảnh giác mánh khóe lừa đảo, thu mua nông sản 'lạ' trên 'chợ trời' online

Qua các cơn sốt thu mua nông sản 'lạ' như: Đỉa, ốc bươu vàng, giun đất, móng chân trâu, lá vải khô... của thương lái nước ngoài, cho đến nay, tình trạng thu mua bọ xít đen, loài côn trùng gây hại cho hoa màu lại bắt đầu rộ lên trên các nhóm 'chợ trời' online, xuất hiện cả các bài đăng thu mua của người dân trên địa bàn tỉnh.

Thổi phồng giá trị

Việc giao dịch, mua bán bọ xít đen trên các trang mạng xã hội đang diễn ra tại nhiều tỉnh thành từ Nam ra Bắc. Chỉ cần gõ từ khóa “Thu mua bọ xít đen” trên các trang mạng xã hội, hàng loạt các bài viết rao bán, tìm mua bọ xít hiện ra.

Cụ thể, trong hội nhóm “Thu Mua Bọ Xít” với lượng thành viên tham gia lên tới 14 nghìn người, một tài khoản facebook có tên V.D.L đã đăng tải bài viết “Có ai thu mua ở Phú Thọ không?”, chỉ vài giây sau, xuất hiện hàng loạt bình luận trả giá, hỏi mua của các thương lái trên địa bàn tỉnh và các tỉnh thành lân cận.

Xuất hiện tình trạng các đối tượng lập nhóm trao đổi, mua bán bọ xít đen trong đó có người dân của tỉnh Phú Thọ tham gia.

Xuất hiện tình trạng các đối tượng lập nhóm trao đổi, mua bán bọ xít đen trong đó có người dân của tỉnh Phú Thọ tham gia.

Để nắm bắt thông tin, phóng viên (PV) đã liên hệ với một thương lái đang có nhu cầu gom hàng và được người này báo giá “Tại thời điểm này, hàng bọ xít có viền mình thu mua với giá 3,5 triệu đồng/kg khô, hàng không viền sẽ là 6,8 triệu đồng/kg, nếu bạn có hàng thì gửi cho mình qua bưu điện, mình thu gom để bán cho các thương lái Trung Quốc mua”.

Từ người thu gom, bắt, nuôi bọ xít cam kết số lượng bao nhiêu cũng có cho tới các thương lái xuyên tỉnh lùng sục tìm hàng... đã đẩy giá giao dịch mặt hàng này có lúc lên đến đỉnh điểm khoảng 10 triệu đồng/kg bọ xít khô và 8 triệu đồng/kg bọ xít tươi.

Ngoài bọ xít đen, các thương lái còn thu mua các loại côn trùng khác như: Bọ hung với giá 2 triệu đồng/kg, sâu ba vạch giá 3 triệu đồng/kg, xác ve sầu giá 3 triệu đồng/kg... Tuy nhiên, bọ xít đen là loại côn trùng đắt hàng được săn lùng, thu mua với giá cao nhất.

Bọ xít đen được một thương lái đăng bài thu mua tận nhà trên hội nhóm với giá 1 triệu đồng/lạng phơi khô, 800.000 đồng/lạng tươi.

Bọ xít đen được một thương lái đăng bài thu mua tận nhà trên hội nhóm với giá 1 triệu đồng/lạng phơi khô, 800.000 đồng/lạng tươi.

Khi các đầu mối lùng sục, đẩy giá bọ xít đen lên cao, không phải người dân nào cũng đủ tỉnh táo nhận ra, bản chất chiêu trò mua bán này là các đối tượng xấu đang dùng thủ đoạn mua bán với số lượng nhỏ để tạo niềm tin, sau đó, tăng giá thu mua, yêu cầu cung cấp số lượng lớn hơn 1.000 con để người dân phải thu gom trong suốt một thời gian dài.

Nhân cơ hội này, các đối tượng sẽ bán lại số bọ xít đã mua từ người dân với giá cao hơn giá mua để ăn lợi nhuận chênh lệch hoặc lừa đặt cọc rồi cắt đứt liên lạc, chặn toàn bộ các tài khoản mạng xã hội có liên quan.

Hệ lụy khôn lường

Những năm trước, khi thương lái Trung Quốc ồ ạt thu mua đỉa, số tiền giao dịch được đẩy lên tới 5 triệu đồng/kg đỉa khô, Phú Thọ là một trong những nơi có mối thu mua đỉa, đã gây nên phong trào nuôi đỉa, dẫn đến tình trạng bà con nông dân trên địa bàn bỏ cả việc đồng áng để đi săn đỉa “làm giàu” vì số tiền lãi gấp cả chục lần so với làm nông nghiệp. Sau một thời gian, khi bà con nông dân đã tích trữ được một khối lượng đỉa rất lớn, những “con buôn” này đột ngột ngừng mua, đẩy bà con nông dân vào tình cảnh điêu đứng.

Hay mới đây, các thương lái thu mua giun đất với giá 1 triệu đồng/kg giun khô và 70.000 đồng/kg giun tươi đã khiến người dân thi nhau đi mua máy kích điện về bắt giun. Liên tiếp xảy ra tình trạng kích trộm giun tại các vườn cây trái tại một số huyện như: Thanh Sơn, Yên Lập, Tân Sơn, Hạ Hòa... làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường đất, dẫn đến việc mất cân bằng sinh thái, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cây trồng.

Trước hiện tượng các thương lái Trung Quốc thu mua bọ xít đen, nói là để điều chế thuốc, ông Nguyễn Xuân Thủy - Chủ tịch hội Đông y tỉnh cho biết: “Đối với ứng dụng làm dược liệu, chưa có công trình nghiên cứu nào cho thấy lợi ích từ việc điều chế bọ xít đen dùng trong Đông y. Do đó, người dân không nên thử sử dụng bất cứ loài côn trùng nào làm thực phẩm, hay thuốc nếu chưa có các nghiên cứu và khuyến cáo của cơ quan chức năng. Việc người khai thác côn trùng thường là hành động tự phát sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy về sau”.

Bọ xít đen là đối tượng sinh vật gây hại lúa, rau màu.

Bọ xít đen là đối tượng sinh vật gây hại lúa, rau màu.

Đồng chí Phan Văn Đạo - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở NN&PTNT cho biết: "Bọ xít đen là đối tượng sinh vật gây hại lúa, rau màu, do đó rất dễ có nguy cơ bùng phát thành dịch trên cây trồng trong trường hợp người dân tiến hành nhân nuôi hoặc làm phát tán số lượng lớn ra môi trường trong quá trình thu mua.

Việc vận chuyển, nhân nuôi, lưu giữ trái phép hoặc phát tán sinh vật gây hại (bọ xít đen) là hành vi bị cấm theo quy định tại Điều 13, Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật số 41/2013/QH13, trong trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định tại Điều 19, Nghị định số 31/2016/NĐ-CP, ngày 6/5/2016, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật.

Bên cạnh đó, trong quá trình sơ chế, bảo quản bọ xít đen xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường tại các cơ sở thu mua. Trong quá trình mua, bán bọ xít đen, thương lái gom hết hàng, sau đó thổi giá lên đỉnh điểm và bán giống hoặc bọ xít ra thị trường nhằm trục lợi, khi xả hết hàng họ dừng thu mua, gây ra thiệt hại về kinh tế cho người dân khi đã tiến hành nhân nuôi hoặc gom hàng nhưng không còn nơi để bán”.

Việc đẩy giá cao, khan hàng của mặt hàng nông sản “lạ”- cụ thể là bọ xít, khiến cho người dân đổ xô đi đánh bắt.

Việc đẩy giá cao, khan hàng của mặt hàng nông sản “lạ”- cụ thể là bọ xít, khiến cho người dân đổ xô đi đánh bắt.

Trước thực trạng này, ngày 11/7, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ra văn bản số 1086/SNN-TT&PTNT, gửi tới các sở, ngành: Sở Tài nguyên và Môi trường, Cục Quản lý Thị trường, Công an tỉnh, Hội Nông dân tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị về việc việc chủ động ngăn chặn và cảnh giác với chiêu trò lừa đảo mua bán bọ xít đen; tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân về nguy cơ, tác hại khi tham gia mua bán đối tượng sinh vật gây hại cho cây trồng; tiếp tục kiểm tra, rà soát, phát hiện các tổ chức, cá nhân tham gia mua, bán, nhân nuôi bọ xít đen gây ô nhiễm môi trường để kịp thời có phương án ngăn chặn chặn, xử lý theo quy định của pháp luật, không để việc thu gom, nhân nuôi, mua bán bọ xít đen diễn ra trên địa bàn, gây nguy cơ thiệt hại về kinh tế.

Việc nông sản “lạ” được rao bán với giá cao chót vót khiến ai cũng ham làm giàu. Mặc dù trước đó đã có rất nhiều bài học từ những chiêu trò mua bán nông sản tương tự trên địa bàn tỉnh. Vậy nên, để tránh “tiền mất, tật mang”, người dân cần hết sức tỉnh táo, cảnh giác với hành vi thu mua bọ xít đen. Khi phát hiện có trường hợp mua bán, vận chuyển bọ xít đen trên địa bàn tỉnh, cần báo cho cơ quan chức năng để kịp thời ngăn chặn và xử lý.

Bảo Thoa

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/canh-giac-manh-khoe-lua-dao-thu-mua-nong-san-la-tren-cho-troi-online-215187.htm