Cảnh giác mối lo an ninh ở châu Âu
Các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) thời gian gần đây đang đứng trước lo ngại cao độ sau các vụ tấn công và hàng loạt lời đe dọa khủng bố.
Lo ngại về an ninh căng thẳng nhất trong EU hiện tại là ở Pháp, sau vụ tấn công khủng bố ở trường học vào ngày 13/10. Vụ tấn công nhắm vào một trường trung học ở Arras, thủ phủ tỉnh Pas-de-Calais, miền Bắc nước Pháp khiến một giáo viên tiếng Pháp thiệt mạng. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và phu nhân đã trực tiếp đến tang lễ của vị giáo viên này, cho thấy sự quan tâm rất lớn của Chính phủ Pháp đối với mức độ nghiêm trọng của tình hình an ninh hiện hữu. Vụ việc này cũng làm gợi nhớ lại vụ một giáo viên lịch sử ở ngoại ô Thủ đô Paris bị khủng bố sát hại gần 3 năm trước từng gây rúng động dư luận quốc tế.
Tiếp nối vụ khủng bố thương tâm mới nhất là hàng loạt lời đe dọa tấn công, bao trùm bầu không khí căng thẳng khắp nước Pháp. Tính đến ngày 18/10, có 11 sân bay cấp vùng phải tổ chức các cuộc sơ tán vì nhận được đe dọa khủng bố. Riêng ngày 19/10, ít nhất 14 sân bay nhận được thư đe dọa đánh bom, 8 trong số đó phải tiến hành sơ tán. Một số điểm du lịch cũng bị đe dọa và phải tiến hành sơ tán du khách. Đặc biệt là cung điện Versailles đã 3 lần phải sơ tán du khách để các lực lượng an ninh tác nghiệp với hàng vạn du khách được sơ tán an toàn mỗi khi có cảnh báo.
Trước tình hình đó, giới chức cảnh sát Pháp khẳng định, những lời đe dọa là có cơ sở và có nguy cơ xảy ra khủng bố. Thực tế những lời đe dọa này gây ra hoang mang rất lớn trong xã hội và khiến lực lượng chức năng phải mất rất nhiều công sức kiểm soát an ninh, đảm bảo an toàn thực sự cho các mục tiêu bị đe dọa.
Mối lo an ninh cũng bao trùm Bỉ sau vụ xả súng vào ngày 17/10 ở ngay Thủ đô Brussels, tước đi sinh mạng của 2 công dân Thụy Điển. Thủ phạm bị bắn chết là người theo đạo Hồi và nằm trong danh sách theo dõi của cảnh sát với các tiền án buôn người và xâm phạm an ninh quốc gia Bỉ. Phần tử này cư trú bất hợp pháp ở Bỉ và trước đó cũng tự công khai nhận mình là thành viên của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Sau vụ việc, bầu không khí căng thẳng không chỉ ở Bỉ, mà còn bao trùm Thụy Điển. Bởi 2 người thiệt mạng ở Bỉ là công dân Thụy Điển, trong bối cảnh Thụy Điển leo thang căng thẳng với các nước Hồi giáo liên quan tới các vụ đốt kinh Koran của đạo Hồi. Vì vậy, Thụy Điển ngay lập tức nâng mức báo động khủng bố ở trong nước. Thậm chí, Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson lên tiếng thừa nhận rằng, lợi ích của Thụy Điển chưa bao giờ lại bị đe dọa nghiêm trọng như hiện nay.
Bên cạnh Pháp, Bỉ, Thụy Điển, hàng loạt quốc gia EU đồng loạt tăng cường các biện pháp trật tự trị an liên quan tới những diễn biến xung đột ở Trung Đông. Điển hình như Anh, Đức, Tây Ban Nha, Italia... vốn là những quốc gia có lượng lớn người mang các sắc tộc đối địch ở Trung Đông. Thực tế xung đột leo thang ở Trung Đông thời gian gần đây cũng đã kích động một số vụ đụng độ giữa các nhóm người này ở Đức, Italia...
Theo giới quan sát an ninh châu Âu, thực trạng hiện nay không cho thấy những mối đe dọa cụ thể, cũng chưa rõ những liên hệ trực tiếp với bất ổn ở Trung Đông. Song, sự cảnh giác cao độ và hành động ngăn chặn quyết liệt từ chính quyền các nước EU là rất cần thiết. Bởi, EU thực sự có thể phải đối mặt với một làn sóng khủng bố tiềm tàng trong thời gian tới, khi bất ổn an ninh ở Trung Đông nói riêng và quốc tế nói chung, cũng như cạnh tranh địa chính trị sẽ tạo ra sự phân cực trong xã hội, thuận tiện cho sự bùng phát các hành vi kích động hận thù.
Các vụ tấn công và hàng loạt lời đe dọa khủng bố cho thấy, châu Âu đang dễ bị tổn thương, nhất là trước sự trỗi dậy của chủ nghĩa khủng bố và bạo lực cực đoan. Thực tế trong thập kỷ trước, châu Âu từng trải qua thời kỳ sợ hãi với những vụ tấn công khủng bố thương tâm, gây ám ảnh sâu sắc trong tâm trí của người dân.
Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/canh-giac-moi-lo-an-ninh-o-chau-au-post468041.html