Cảnh giác thủ đoạn dụ dỗ, kích động người Việt ở nước ngoài tham gia biểu tình chống phá đất nước
Trong những năm qua, cộng đồng người Việt Nam học tập, lao động tại nước ngoài không ngừng lớn mạnh, trở thành lực lượng quan trọng thúc đẩy quan hệ đối ngoại, giao lưu văn hóa và đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế đất nước.
Tuy nhiên, cùng với sự gia tăng số lượng và phạm vi hoạt động, nguy cơ một bộ phận người Việt ở nước ngoài bị các thế lực thù địch, phản động lợi dụng làm những việc sai trái cũng ngày càng hiện hữu. Lợi dụng môi trường tự do ngôn luận, tự do hội họp ở nước sở tại cũng như tâm lý dễ dao động khi sống xa quê hương, một số tổ chức, cá nhân phản động đã tìm cách tiếp cận, tuyên truyền xuyên tạc, kích động người Việt tham gia tụ tập, biểu tình. Các luận điệu của chúng thường núp dưới chiêu bài “bảo vệ nhân quyền”, “ủng hộ dân chủ” nhưng thực chất nhằm chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam, gây mất ổn định chính trị, xã hội.
Những hoạt động này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình an ninh trật tự tại nước sở tại, khiến cộng đồng người Việt gặp khó khăn trong sinh sống, làm việc, học tập mà còn làm xấu đi hình ảnh quốc gia trong mắt bạn bè quốc tế. Về lâu dài, việc tham gia các hoạt động biểu tình có thể tác động tiêu cực đến chính sách đối ngoại, làm phức tạp công tác bảo hộ công dân của Nhà nước ta ở nước ngoài, bị các thế lực thù địch lợi dụng để bóp méo tình hình nhân quyền, tự do dân chủ Việt Nam trên trường quốc tế.

Cơ quan Công an làm việc với các gia đình có con em ở nước ngoài bị lôi kéo vào hoạt động sai trái.
Một trong những thủ đoạn tinh vi hiện nay của các tổ chức, cá nhân phản động là núp bóng dưới danh nghĩa “hội đoàn xã hội”, “bảo vệ nhân quyền”, “đấu tranh cho dân chủ” để tiếp cận cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Lợi dụng vỏ bọc này, chúng đã lôi kéo bộ phận kiều bào nhẹ dạ cả tin, đồng thời né tránh sự giám sát của cơ quan chức năng sở tại. Thông qua mạng xã hội và các kênh truyền thông tiếng Việt ở nước ngoài, chúng liên tục tung ra các luận điệu xuyên tạc, bóp méo tình hình chính trị - xã hội trong nước, khoét sâu vào những khó khăn thực tế hoặc những kỳ vọng chưa được đáp ứng của người dân. Đặc biệt, chúng tập trung khai thác tâm lý bất mãn, lo lắng hoặc tâm lý tự ti, mặc cảm của một số người Việt xa quê để kích động sự hoài nghi, mất niềm tin vào Đảng và Nhà nước.
Các tổ chức phản động thường lựa chọn thời điểm có sự kiện nhạy cảm, những vấn đề xã hội phức tạp trong nước như tranh chấp đất đai, môi trường, lao động… để gia tăng tần suất tuyên truyền, kêu gọi cộng đồng người Việt tham gia biểu tình, tụ tập dưới danh nghĩa “thể hiện chính kiến”. Không chỉ dừng lại ở lời kêu gọi, chúng còn hướng dẫn cách tổ chức, điều phối nhóm kín trên mạng, cung cấp khẩu hiệu, tài liệu, hỗ trợ tài chính nhằm duy trì sức ép và tạo hiệu ứng truyền thông.
Một bộ phận du học sinh và lao động phổ thông Việt Nam tại nước ngoài do hạn chế về hiểu biết pháp luật sở tại, thiếu thông tin chính thống và kinh nghiệm hội nhập quốc tế, dễ trở thành đối tượng bị các tổ chức phản động lôi kéo. Với tâm lý muốn tìm kiếm sự gắn kết cộng đồng hoặc tham gia hoạt động xã hội, nhiều người vô tình bị dụ dỗ tham gia các cuộc biểu tình, tụ tập dưới danh nghĩa “bảo vệ quyền lợi”, “bày tỏ chính kiến” mà không nhận thức đầy đủ về hậu quả gây ra.
Thực tế tại nhiều quốc gia, việc tham gia biểu tình có thể dẫn đến những hệ quả như: bị phạt hành chính, trục xuất, cấm nhập cảnh lâu dài hoặc bị xử lý hình sự tùy theo mức độ vi phạm. Thông tin vi phạm còn có thể được lưu vào hệ thống kiểm soát di trú quốc tế, ảnh hưởng trực tiếp tới cơ hội học tập, lao động và định cư sau này. Không dừng lại ở thiệt hại cá nhân, những hành vi thiếu suy nghĩ này còn gây tổn hại nghiêm trọng đến uy tín chung của cộng đồng người Việt Nam tại nước sở tại. Một số nước có thể gia tăng kiểm soát, siết chặt các quyền lợi vốn dành cho kiều bào Việt, gây khó khăn trong sinh sống, học tập và kinh doanh. Các thế lực phản động lợi dụng các sự việc này để xuyên tạc tình hình trong nước, vu cáo Nhà nước Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền, làm tổn hại hình ảnh quốc gia trên trường quốc tế.
Trên thực tế, mặc dù các cơ quan chức năng trong nước, cơ quan ngoại giao và các phương tiện truyền thông đã nỗ lực tuyên truyền, khuyến cáo người dân, đặc biệt là cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài nâng cao cảnh giác trước các hoạt động sai trái song một bộ phận kiều bào vẫn bị các đối tượng xấu dụ dỗ tham gia các cuộc biểu tình chống đối Đảng, Nhà nước Việt Nam, trong đó có giới trẻ. Thời gian gần đây, các hoạt động chống phá ở hải ngoại diễn ra trong bối cảnh cả dân tộc thiết thực kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tạo hình ảnh phản cảm.
Qua rà soát thông tin trên không gian mạng, Phòng An ninh nội địa, Công an tỉnh Nghệ An đã phát hiện một số cá nhân là người Nghệ An tham gia biểu tình trước Đại sứ quán Việt Nam tại London, Vương quốc Anh vào ngày 4/5/2025. Họ tham gia hoạt động này dưới sự tổ chức của “Hội anh em dân chủ” – một tổ chức phản động, đội lốt dân chủ, nhân quyền với các nội dung tuyên truyền sai sự thật nhằm làm xấu hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế. Những hình ảnh và thông tin về hoạt động biểu tình này nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội, gây phản ứng mạnh mẽ từ dư luận người Việt trong và ngoài nước.
Trước tình hình đó, cơ quan chức năng đã làm việc trực tiếp với gia đình (ở Việt Nam) của các cá nhân này để thông báo về hành vi sai phạm của con em mình, đồng thời yêu cầu gia đình phối hợp trong công tác giáo dục, quản lý. Qua đó, thân nhân của các cá nhân tham gia biểu tình ở hải ngoại đã nhận thức rõ hành động sai trái của con em mình, đồng thời mong muốn Nhà nước và cộng đồng giúp đỡ, tạo điều kiện cho con em họ có cơ hội sửa chữa. Các gia đình cho biết, trước khi ra nước ngoài, những cá nhân này đều tuân thủ pháp luật, không có bất kỳ mâu thuẫn nào với chính quyền nhưng sau khi sang các nước phương Tây, họ đã bị các đối tượng phản động lôi kéo, dụ dỗ tham gia các hoạt động chống đối bằng các thủ đoạn như mua chuộc vật chất, hứa cải thiện tình trạng cư trú bất hợp pháp.
Trước những thủ đoạn lôi kéo của các tổ chức phản động lưu vong, đặc biệt là những lời hứa hẹn về “tị nạn chính trị” để dụ dỗ thanh niên Việt Nam tham gia biểu tình, Phòng An ninh Nội địa Công an Nghệ An đã và đang phối hợp cùng các cơ quan chức năng tiếp tục làm rõ các vấn đề liên quan. Các công dân Việt Nam tại nước ngoài cần hết sức tỉnh táo và cảnh giác, tránh trở thành công cụ cho những kẻ phản quốc sử dụng làm quân cờ chống phá đất nước.
Để chủ động phòng ngừa các hoạt động lôi kéo, kích động tham gia biểu tình, mỗi công dân Việt Nam ở nước ngoài cần nâng cao cảnh giác. Điều này không chỉ giúp họ tự bảo vệ mình mà còn bảo vệ uy tín của quốc gia. Cần tuyệt đối tránh tham gia vào các hoạt động biểu tình gây rối, đồng thời cập nhật thông tin từ các nguồn chính thống để tránh bị lợi dụng. Trong kỷ nguyên số, mạng xã hội trở thành công cụ mạnh mẽ để các đối tượng phản động xuyên tạc thông tin, vì vậy công dân phải thận trọng trước những lời kêu gọi tụ tập, biểu tình không rõ ý đồ, động cơ. Duy trì liên hệ chặt chẽ với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước sở tại để kịp thời nhận sự hỗ trợ khi cần thiết.
Ngoài sự nỗ lực từ mỗi công dân, các cơ quan chức năng trong nước và các cơ quan ngoại giao cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, giúp cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài nhận diện rõ các âm mưu, thủ đoạn lôi kéo của các thế lực thù địch, phản động. Điều này không chỉ giúp kiều bào tránh được sự lợi dụng mà còn tăng cường sự chủ động trong phòng tránh các hoạt động chống đối. Cảnh giác và kiên quyết không để bị lợi dụng chính là cách mỗi người Việt Nam góp phần bảo vệ uy tín quốc gia và giữ vững hình ảnh Việt Nam - đất nước yêu chuộng hòa bình, đoàn kết, ổn định và phát triển.