Cảnh giác trục lợi chính sách
Bộ Tài chính vừa có tờ trình gửi lên Chính phủ về nghị định giảm phí trước bạ đối với ôtô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước.
Theo đó, phí trước bạ được giảm 50% đến hết ngày 31-12-2020 nhằm kích thích tiêu dùng trong nước. Nhờ đó, người mua ôtô sẽ đỡ tốn từ vài chục tới cả trăm triệu đồng, tùy loại xe.
Người mua xe được lợi trực tiếp và tất nhiên các hãng sản xuất, lắp ráp, kinh doanh ôtô cũng được lợi theo. Các hãng ôtô cho biết hiện có hàng chục ngàn khách hàng đang mong ngóng, chờ quy định này có hiệu lực để "xuống tiền, lấy xe". Các nhà kinh doanh ôtô cũng sốt ruột gấp bội, nhất là khi đại dịch Covid-19 khiến họ lao đao mấy tháng qua, đến nay vẫn chưa lấy lại thăng bằng. Chính sách hỗ trợ hậu Covid-19 này về mặt xã hội thể hiện tính nhân văn, về mặt kinh tế thị trường là phù hợp quy luật. Mãi lực tiêu dùng các mặt hàng xa xỉ nói chung và ôtô nói riêng sẽ góp phần làm hồi phục và thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, phát triển kinh tế. Nhưng cũng cần phải xét tới yếu tố công bằng. Ai có tiền mua ôtô thì hầu hết là người khấm khá, các hãng ôtô cũng đã từng có một thời gian dài tích lũy, "no cơm ấm cật" nhờ giá xe tại Việt Nam cao ngất ngưởng, cho dù các chỉ số phát triển kinh tế của nước ta thấp hơn rất nhiều quốc gia khác. Do vậy, chính sách giảm phí trước bạ 50% đối với ôtô do Bộ Tài chính đề nghị chỉ kéo dài tới hết năm nay là hợp lý.
Không thể hỗ trợ… "nhà giàu" mãi được! Cũng cần lưu ý là chính sách hỗ trợ nói trên chỉ dành cho ôtô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước. Vì thế, tiếp sau chính sách là phải có hướng dẫn thực hiện thật chi tiết, chặt chẽ, tránh sự nhập nhèm về nguồn gốc xe để hưởng lợi. Tuần qua, Thái Lan và Indonesia - hai quốc gia có sản lượng ôtô sản xuất lớn nhất Đông Nam Á - đã tính tới giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu ôtô (đang tồn đọng rất nhiều do Covid-19), dự báo một lượng không nhỏ xe nguyên chiếc sẽ đổ sang Việt Nam. Ôtô nhập khẩu nguyên chiếc không thuộc diện giảm 50% phí trước bạ, vì thế phải có cách chống gian lận về tính phí trước bạ. Lo như vậy chẳng thừa bởi đã từng xảy ra nhiều trường hợp trục lợi chính sách. Mới nhất là gói an sinh 62.000 tỉ đồng được nhà nước quyết định chi hỗ trợ khoảng 20 triệu người bị mất việc, mất hoặc giảm mạnh thu nhập do Covid-19, bắt đầu triển khai từ ngày 10-4. Ngay từ đầu, Chính phủ đã chỉ đạo phải cấp phát đúng - trúng đối tượng và kịp thời nhưng chẳng lâu sau, gian lận đã xảy ra ở một số địa phương và bị phát hiện, xử lý. Ngoài ra, đến nay, khâu giải ngân từ gói an sinh này vẫn còn tắc nhiều chỗ do vướng thủ tục, đồng nghĩa rằng nhiều người bị yếu thế trong xã hội đã không được hỗ trợ đúng lúc.
Để phát huy ý nghĩa tốt đẹp và đạt được mục tiêu quan trọng của các gói an sinh, kích cầu…, khâu tổ chức thực hiện là hết sức quan trọng, trong đó luôn cần tới vai trò kiểm tra, giám sát. Trước khi triển khai nghị định về giảm phí trước bạ ôtô, các địa phương và ban - ngành cũng cần nhớ lại bài học từ gói an sinh 62.000 tỉ đồng đang còn nóng hổi.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/kinh-te/canh-giac-truc-loi-chinh-sach-20200621225844787.htm