Cảnh giác trước luận điệu xuyên tạc nền giáo dục Việt Nam

Ngày 5-9 vừa qua, các trường học trong cả nước đồng loạt tổ chức lễ khai giảng năm học 2022-2023. Là quốc gia có truyền thống hiếu học, tại Việt Nam, ngày khai giảng không chỉ có ý nghĩa bắt đầu năm học mới mà còn là ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường. Vậy nhưng, với những kẻ có trái tim 'không cùng nhịp đập' với dân tộc, mọi điều tốt đẹp đều bị xuyên tạc, hướng lái tiêu cực.

Trên nhiều trang mạng xã hội do các cá nhân, tổ chức chống đối, thù hằn với Việt Nam như Việt Tân, Tiếng Dân News… đang lan truyền những luận điệu xuyên tạc, thiếu khách quan nhằm bôi lem, vấy bẩn nền giáo dục Việt Nam. Lợi dụng một số khó khăn, bất cập, mặt trái của nền giáo dục, các “nhà bình loạn” đã chụp mũ, đổ lỗi cho chế độ, cho Đảng, chính quyền. Những kẻ này rêu rao cho rằng “chính quyền không quan tâm đến giáo dục; việc đưa ra chủ trương bảo đảm công bằng trong giáo dục để không ai bị bỏ lại phía sau, đặc biệt ở vùng sâu, vùng khó khăn, đồng bào các dân tộc thiểu số chỉ là nhằm mị dân”, “nền giáo dục Việt Nam đầy bất công, tiêu cực”, “nền giáo dục Việt Nam là nền giáo dục dối trá từ trên xuống dưới”… Mục tiêu mà các đối tượng hướng đến là làm suy giảm uy tín của nền giáo dục; phủ nhận thành tựu giáo dục dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước; kích động tư tưởng bất mãn, chống đối với chính quyền.

Không thể phủ nhận thành tựu của nền giáo dục

Ngày 2-9-1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Trong những ngày đầu mới thành lập, nước ta phải đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức. Một trong số đó là “giặc dốt” khi có đến 95% dân số không biết chữ. Xác định tầm quan trọng của giáo dục, tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời ngày 3-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề cập đến vấn đề “diệt giặc dốt” và xác định đây là một trong 6 nhiệm vụ cấp bách của nước ta lúc bấy giờ. Trong bức thư gửi vào ngày khai giảng đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Ngày nay các em được cái may mắn hơn cha anh là được hấp thụ một nền giáo dục của một nước độc lập, một nền giáo dục nó sẽ đào tạo các em nên những người công dân hữu ích cho nước Việt Nam, một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em”. “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, những năm qua, giáo dục luôn được xác định là “quốc sách hàng đầu”. Đại hội XIII của Đảng xác định định hướng phát triển: “Tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài…”.

Với những quyết tâm và nỗ lực thúc đẩy giáo dục, nước ta đã hoàn thành mục tiêu xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học vào năm 2000; phổ cập giáo dục THCS vào năm 2010; giáo dục mầm non đạt chuẩn phổ cập cho trẻ 5 tuổi và giáo dục phổ thông có chuyển biến tốt, được thế giới công nhận.

Đối với những nhóm yếu thế trong xã hội, nhất là với đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành và triển khai nhiều chủ trương, chính sách để bảo đảm việc tiếp cận giáo dục. Đơn cử, học sinh bán trú cấp tiểu học, THCS, học sinh THPT là người dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn ở xa trường, không thể đi đến trường và trở về nhà trong ngày được hỗ trợ tiền ăn bằng 40% mức lương tối thiểu chung và tiền nhà ở bằng 10% mức lương tối thiểu chung, hỗ trợ 15kg gạo/tháng/học sinh theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18-7-2016 của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn. Ngoài ra, còn nhiều chính sách khác để thúc đẩy giáo dục, đào tạo như chính sách cử tuyển; miễn, giảm học phí; ưu tiên trong tuyển sinh; hỗ trợ đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục… Đây là minh chứng rõ ràng khẳng định nỗ lực của Đảng, Nhà nước ta trong bảo đảm công bằng trong giáo dục để không ai bị bỏ lại phía sau, đặc biệt ở vùng sâu, vùng khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số.

Cùng với đó, chất lượng giáo dục cũng đang được nâng cao. Trong các kỳ thi Olympic quốc tế: Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học… các thí sinh của Việt Nam đều đoạt giải thưởng cao. Theo bảng xếp hạng The Impact Rankings được Tạp chí Times Higher Education (THE) công bố vào tháng 4-2022, nước ta có 7 cơ sở giáo dục vào top 1.000 trường đại học có ảnh hưởng thế giới. Trước đó, ngày 17-11-2021, trong khuôn khổ khóa họp Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) lần thứ 41 tại Paris (Pháp), Việt Nam đã trúng cử thành viên Hội đồng Chấp hành UNESCO nhiệm kỳ 2021-2025. Điều này cho thấy những nỗ lực phát triển giáo dục của Việt Nam đã đạt nhiều kết quả tích cực và được cộng đồng quốc tế ghi nhận.

Dĩ nhiên, chúng ta không phủ nhận giáo dục, đào tạo vẫn có những mặt chưa đáp ứng được yêu cầu. Tuy nhiên, không phải vì vậy mà các “nhà dân chủ” có thể xuyên tạc, phủ nhận sạch trơn, “đổi trắng thay đen” bản chất của nền giáo dục nước ta. Tại Đại hội XIII, Đảng đã chỉ ra: “Chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo chưa cao... Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, trên một số mặt vẫn còn bất cập về chất lượng, số lượng, cơ cấu và chính sách đãi ngộ. Quản lý nhà nước và quản lý - quản trị nhà trường còn nhiều hạn chế. Nguy cơ tái mù chữ có xu hướng tăng ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số”. Việc nhìn thẳng vào hạn chế, thiếu sót cho thấy Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm đến giáo dục, không bao giờ có chuyện “tô hồng” để “mị dân” như những luận điệu độc địa được các đối tượng xấu đưa ra.

Đẩy mạnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo

Đảng, Nhà nước ta xác định giáo dục và đào tạo cùng với khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển đất nước. Trước những biến đổi nhanh chóng của tình hình trong nước và quốc tế, đặc biệt là tác động của cuộc cách mạng 4.0, giáo dục và đào tạo càng có ý nghĩa, vai trò quan trọng.

Thời gian tới, chúng ta cần tiếp tục đổi mới đồng bộ mục tiêu, nội dung, chương trình, phương thức, phương pháp giáo dục và đào tạo theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế, gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Không chỉ dừng lại ở việc cung cấp tri thức, giáo dục phải tập trung rèn luyện đạo đức, nhân cách, tinh thần yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc, truyền thống và lịch sử dân tộc. Đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng một cách đồng bộ; quan tâm hơn nữa đến phát triển giáo dục ở miền núi, vùng cao, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cùng với đó, cần đổi mới mạnh mẽ chính sách đãi ngộ, chăm lo xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục để tạo nền tảng thúc đẩy giáo dục.

Anh Tú

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/33/136844/canh-giac-truoc-luan-dieu-xuyen-tac-nen-giao-duc-viet-nam