Cảnh giác trước mời chào lừa đảo tiêm vắc xin phòng Covid-19
Theo Tổ chức Y tế thế giới, vắc xin là 'vũ khí' để chấm dứt đại dịch Covid-19. Loại hàng hóa đặc biệt này gần đây đã xuất hiện không ít lời mời chào mua, bán hay tiêm chủng trên các mạng xã hội, tờ rơi... Các hãng sản xuất vắc xin cho biết, sản phẩm này chưa được bán thương mại mà chỉ được trực tiếp cung cấp thông qua các thỏa thuận song phương với các chính phủ, do đó có thể khẳng định vắc xin rao bán trên các mạng xã hội là sản phẩm giả mạo.
Sản phẩm vắc xin chính hãng chưa được bán thương mại, do đó các giao dịch thương mại đều là sản phẩm giả mạo hoặc không chính hãng.
Đã xuất hiện những "lời mời" tiêm vắc xin cho người lao động, đối tác, khách hàng…
Thời gian qua đã xuất hiện nhiều lời mời các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp mua, nhập khẩu vắc xin phòng Covid-19 hoặc tiêm chủng cho người lao động, đối tác, khách hàng… của một số tổ chức, cá nhân trên các mạng xã hội. Những lời mời có nội dung: “Vắc xin được sản xuất tại Mỹ, một người tiêm đủ 2 mũi cách nhau 21 ngày. Đối tượng tiêm từ 15 đến 60 tuổi, mức giá 720 nghìn đồng/mũi. Những người có phản ứng về các loại thuốc phải thử phản ứng trước khi tiêm với giá 1 triệu đồng…”. Các đối tượng tự nhận tiếp cận được nguồn vắc xin của các hãng sản xuất hoặc mua lại của một số nơi dư thừa. Ngoài ra, nhiều người dân cũng nhận được lời mời đăng ký tiêm vắc xin phòng Covid-19 thông qua những hình thức quảng bá khác nhau.
Trong buổi tập huấn trực tuyến phân biệt vắc xin chính hãng Pfizer cho toàn lực lượng quản lý thị trường tổ chức theo hình thức trực tuyến mới đây, ông John Paul Pullicino, đại diện hãng dược Pfizer, đơn vị sản xuất và phân phối vắc xin Pfizer cho biết: “Thời gian qua, chúng tôi đã ghi nhận nhiều vắc xin Pfizer giả trên thế giới. Tại Việt Nam, chúng tôi cũng đã ghi nhận sự việc một số cá nhân tự nhận mình có quyền tiếp cận nguồn vắc xin Pfizer”.
Trước thực trạng trên, Bộ Y tế đã phát đi cảnh báo, người dân cần cảnh giác trước những lời mời đăng ký tiêm vắc xin phòng Covid-19 lan truyền trên mạng xã hội, hoặc qua tin nhắn, tờ rơi. Bên cạnh đó, các chuyên gia y tế cũng đưa ra khuyến cáo các doanh nghiệp, tổ chức không nên tìm nguồn vắc xin không rõ nguồn gốc, rất có thể là sản phẩm hết hạn bảo quản.
Chỉ tiêm vắc xin tại các cơ sở y tế được cấp phép
Về vấn đề phân phối vắc xin, ông John Paul Pullicino, đại diện hãng dược Pfizer cho biết: “Đến thời điểm hiện tại, chúng tôi khẳng định Pfizer trên toàn cầu chỉ trực tiếp cung cấp thông qua các thỏa thuận song phương với các Chính phủ. Cho đến nay, không có một nguồn vắc xin tư nhân nào là hợp pháp”.
Người dân chỉ tiêm phòng dịch Covid-19 tại cơ sở y tế được Bộ Y tế cấp phép. Ảnh minh họa, nguồn internet
Đây cũng là thông tin được bà Vanessa Piepenburg, đại diện Đội an ninh toàn cầu của hãng Pfizer tại Singapore cung cấp: Hiện tại, vắc xin chưa được bán thương mại, bất kỳ các giao dịch thương mại nào đều là sản phẩm giả mạo hoặc không chính hãng.
Với chức năng kiểm soát chặt chẽ thị trường, chống hàng giả, hàng nhái, nhất là các mặt hàng thiết bị y tế, phòng, chống dịch Covid-19, ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, cho biết, lực lượng quản lý thị trường đã được trang bị những thông tin liên quan đến vắc xin phòng Covid-19, một sản phẩm có tính đặc thù cao. Đây là cơ sở để lực lượng có kỹ năng nhận biết giữa hàng giả và hàng chính hãng, góp phần phục vụ tốt công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Rõ ràng, hoạt động buôn bán vắc xin giả hiện rất phức tạp, do đó người dân cần thực hiện đúng theo khuyến cáo của ngành Y tế. Cụ thể, người dân chỉ đi tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 tại các cơ sở y tế, cơ sở đào tạo y, dược và các cơ sở, điểm tiêm chủng được Bộ Y tế cấp phép. Tuyệt đối không tiêm chủng những loại vắc xin phòng Covid-19 trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không được Bộ Y tế kiểm định, cấp phép. Khi phát hiện các thông tin liên quan đến tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 không rõ ràng hoặc nghi ngờ có dấu hiệu lừa đảo, hãy báo ngay cho chính quyền hoặc cơ quan y tế địa phương.