Cảnh giác trước thủ đoạn lừa đảo nộp viện phí cho con bị tai nạn cấp cứu
Vừa qua, tại TP Hồ Chí Minh đã xảy ra tình trạng các đối tượng lừa đảo mạo danh là giáo viên hoặc nhân viên bệnh viện gọi điện trực tiếp đến số điện thoại của phụ huynh báo tin về việc học sinh bị tai nạn, đang được cấp cứu tại một số bệnh viện cần chuyển tiền gấp để đóng viện phí. Nhiều phụ huynh mất cảnh giác đã chuyển tiền cho các đối tượng lừa đảo từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng…
Theo phản ánh của một số phụ huynh, các đối tượng lừa đảo gọi điện thoại thông báo là con em họ bị tai nạn, đang cấp cứu tại bệnh viện, với yêu cầu cần tiền phải phẫu thuật gấp để cứu tính mạng. Điều đáng nói, trong những cuộc gọi lừa đảo, các đối tượng còn dàn dựng quá trình trao đổi giữa bác sĩ mổ, nhân viên y tế trực cấp cứu, thu ngân với "thầy, cô giáo", nhân viên y tế nhà trường về tình trạng cấp cứu của học sinh... Cuối cùng, các đối tượng hối thúc các phụ huynh chuyển khoản vào tài khoản do chúng chỉ định để chiếm đoạt.
Như trường hợp của phụ huynh H. ở Q.1 (TP HCM) bị bọn xấu dùng thủ đoạn lừa mất 100 triệu đồng vào trưa 6-3. Đối tượng lạ gọi điện cho chị H. và cho số tài khoản yêu cầu chuyển tiền gấp, vì con chị đang học lớp 9, bị té ngã, nên vào bệnh viện cấp cứu cần mổ gấp. Vì quá lo lắng, chị H.quên mất phải xác minh thông tin, nên vội vã chuyển tiền liền bị chúng chiếm đoạt. Cũng trong ngày 6-3, Phòng bảo vệ Bệnh viện Chợ Rẫy liên tục tiếp nhận tin báo của nhiều người dân để hỏi về việc con em họ đang mổ cấp cứu tại bệnh viện này. Trong đó, phụ huynh như chị N.T.P (1986) đã chuyển khoản 20 triệu đồng cho “nhân viên bệnh viện”; riêng chị Đ.T.M.T (1981) đã chuyển khoản 2 lần tổng cộng 200 triệu đồng vào 2 số tài khoản lạ tên Nguyễn Duy Thái và Thạch Vũ Hà.
Đến thời điểm hiện tại, tại TP Đà Nẵng chưa ghi nhận trường hợp người dân nào bị lừa đảo với thủ đoạn như trên. Tuy nhiên, để phòng ngừa tình trạng “sập bẫy” các đối tượng lừa đảo, ngành giáo dục Đà Nẵng nói chung và trực tiếp là các trường học cần rà soát, đảm bảo an toàn thông tin, sự kết nối liên lạc thông suốt giữa nhà trường và gia đình học sinh. Các trường cần kiểm tra các điều kiện để đảm bảo an toàn thông tin học sinh, giáo viên của trường; công khai đường dây nóng, rà soát các kênh thông tin liên lạc, giữa nhà trường và gia đình. Bên cạnh đó, các trường phải có biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn cha mẹ học sinh, học sinh giáo viên thận trọng trong việc tiếp nhận thông tin, chủ động rà soát thông tin tránh trường hợp thông tin sai sự thật…
Về phía các phụ huynh, khi nhận được những cuộc gọi hoặc thông báo "hung tin" bất ngờ từ các đối tượng lạ tự xưng thầy, cô giáo hoặc nhân viên y tế, bảo vệ nhà trường... thì cần bình tĩnh, liên lạc ngay với nhà trường, giáo viên chủ nhiệm hoặc đến trực tiếp nhà trường để xác minh. Tuyệt đối không làm theo hướng dẫn, kiểu ép buộc chuyển tiền ngay vào số tài khoản mà các đối tượng đưa ra, tránh sập bẫy đối tượng lừa đảo. Khi bị đối tượng lừa đảo hoặc phát hiện các đối tượng có biểu hiện nghi vấn hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người dân cần liên hệ ngay với cơ quan Công an nơi gần nhất để cung cấp thông tin, phối hợp cơ quan Công an điều tra, xử lý.