Mới đây, một vụ ngộ độc hải sản tập thể (gồm 6 người trong gia đình và 1 người hàng xóm) đã xảy ra tại huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương (Ảnh: VOV)
Cụ thể, tối ngày 9-3, 7 người sau khi ăn năm con sam biển mua tại Vũng Tàu thì đều có biểu hiện bị ngộ độc. Trong đó, một cháu bé 8 tuổi đã tử vong, 6 người còn lại được chuyển đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương điều trị, hiện đã qua cơn nguy kịch và sức khỏe đã ổn định (Ảnh: Báo Thanh Niên)
Hiện cơ quan chức năng đang giám định con sam mà 7 người ăn là sam hay con so biển. Do con so chứa trong mình độc tố gây chết người nhưng lại sở hữu hình dạng tương đối giống sam biển nên dễ gây nhầm lẫn. Thực tế, hằng năm ở Việt Nam vẫn thường ghi nhận nhiều vụ ngộ độc dẫn tới tử vong do nhầm con so với con sam
So biển (tên khoa học là Carcinoscorpius rotundicauda), dân gian thường gọi là sam nhỏ. Nó được tìm thấy trong khu vực ven biển thuộc Ấn Độ, Indonesia, Malysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Ở nước ta, so thường sống ở vùng sình lầy ven biển vịnh Bắc Bộ, miền Trung và Nam Bộ
So biển có hình dạng tương đối giống sam biển (tên khoa học là Tachypleus tridentatus, dân gian thường gọi là sam lớn), nhưng kích thước nhỏ hơn. Chiều dài thân của so biển trưởng thành thường khoảng 20-25 cm (không kể đuôi), cân nặng thường dưới 1 kg . Còn sam biển dài từ 30 cm trở nên, cân nặng có thể đạt 3,8 kg
Tuy nhiên, không đủ độ tin cậy nếu chúng ta chỉ phân biệt so và sam qua kích thước và trọng lượng. Vì để trưởng thành, sam cần thời gian khoảng mười năm, do đó rất có thể con so sẽ bị nhầm với con sam còn non
Ngoài ra, đuôi sam biển có tiết diện hình tam giác, ba cạnh kéo dài đến tận cuối đuôi, ở đỉnh tam giác có các gai nhọn giống như lưỡi cưa. Ngược lại, đuôi so biển có tiết diện hình tròn, không có gai
Con so biển thường di chuyển một mình, còn sam thường sống thành từng cặp đến cuối đời, con đực hay bám trên lưng con cái. Tuy nhiên, vào mùa sinh sản con so cũng có thể đi theo cặp với nhau
Điểm khác biệt quan trọng là so biển có chứa độc tố thần kinh Tetrodotoxin còn sam biển thì không. Đây được xếp vào loại kịch độc, dù nấu chín, phơi khô, sấy... độc chất vẫn tồn tại. Độc tố này thường tập trung chủ yếu trong buồn trứng của con so, sau đó có thể lây lan sang các bộ phận khác
Nếu ăn phải so biển thì sau 20 phút đến 3 giờ, môi và lưỡi sẽ hơi tê. Tiếp đó các ngón tay bị tê cứng có thể kèm theo đau đầu, đau bụng hoặc nôn mửa. Sau là tê liệt vận động, ngồi khó khăn, tê liệt tri giác, khó thở, huyết áp tụt rồi rơi vào trạng thái mất ý thức và tử vong nhanh. Vì vậy tuyệt đối không ăn khi chưa phân biệt rõ con so và con sam để tránh việc ngộ độc thực phẩm
Cá nóc vốn được mệnh danh là "tử thần" biển cả với khả năng phát độc Tetrodotoxin. Độc tố của cá nóc có được là do các vi khuẩn cộng sinh (chủ yếu là nhóm Pseudomona, Vibrio và một số loại khác) tổng hợp ra
Thịt cá nóc thường không độc, nhưng khi cá chết, cá bị ươn thối hoặc chế biến không đúng cách khiến độc tố từ các bộ phận khác như gan, thận, tụy, cơ quan sinh sản (buồng trừng, túi tinh)... ngấm vào thịt khiến thịt cá trở nên độc. Đây cũng là nguyên nhân của những vụ ngộ độc do ăn thịt cá nóc
Nếu ăn phải cá nóc có độc tố Tetrodotoxin, sau 5 phút đến 3-4 giờ sẽ xuất hiện biểu hiện như: Ngứa miệng, tê môi và lưỡi. Tiếp theo thấy mệt mỏi, chóng mặt, vã mồ hôi, sùi bọt mép, mặt ửng hồng, đau bụng, buồn nôn, tứ chi yếu, đồng tử co...
Trường hợp nặng sẽ xuất hiện liệt toàn thân, người mềm ra, chân tay mất khả năng vận động, da tím tái, nhiệt độ và huyết áp giảm, khó thở, cuối cùng liệt cơ hô hấp, trụy tim mạch và tử vong. Tỷ lệ tử vong rất cao (60%) nếu cấp cứu chậm
Những loài cá nóc mang độc tính mạnh có thể kể đến như: Cá nóc răng mỏ chim, cá nóc chuột, cá nóc đầu thỏ mắt to, cá nóc chuột vân bụng, cá nóc chấm cam, cá nóc chuột vằn mang...
Cá bống vân mây có tên khoa học là Yongeichthys criniger, có độc tố giống cá nóc và tập trung hầu hết ở da. Ở Việt Nam, chúng sống chủ yếu ở ven biển, các vùng cửa sông nước lợ miền Trung
Cá bống vân mây thường bị nhầm lẫn với cá bống hoa (tên khoa học là Acanthogobius flavimanus) dẫn đến nhiều vụ ngộ độc do ăn nhầm. Nếu quan sát kỹ, chúng ta có thể thấy cá bống hoa có thân dài, phần trước hình trụ tròn, phần sau hơi dẹp, phủ vảy đến sau mắt, trên da có nhiều lốm đốm nhỏ. Còn cá bống vân mây thân cá ngắn và tròn, trên da có hoa văn rất đậm như những vân mây, mỗi bên thân có những vệt đen lớn hình đám mây
Không chỉ ngộ độc qua đường thức ăn, con người có thể nhiễm độc Tetrodotoxin thông qua đường tiếp xúc nếu vô tình đụng chạm cá, bị cá làm tổn thương. Như vậy các chất độc có trong tuyến nước bọt của cá có thể chuyển vào cơ thể người thông qua vết thương
Mang trong mình chất độc thần kinh Tetrodotoxin ở tuyến nước bọt, bạch tuộc đốm xanh là mối đe dọa thật sự đối với con người, đặc biệt là những ngư dân mỗi ngày dùng tay không để cầm nắm hải sản
Bạch tuộc đốm xanh là một loài hung dữ, có thể chủ động tấn công nếu cảm thấy bị đe dọa. Những lúc như thế, các đốm xanh trên cơ thể chúng sẽ sáng rực lên. Độc tố quá vết cắn của bạch tuộc đốm xanh ngấm vào máu cực nhanh, chừng 1-5 phút sau khi bị cắn sẽ xuất hiện triệu chứng nhiễm độc
Ngoài ra, không ít trường hợp ngộ độc do ăn nhầm bạch tuộc đốm xanh. Bởi nếu đánh bắt lẫn lên bờ thì rất khó phân biệt bạch tuộc đốm xanh so với bạch tuộc thường khác, trừ khi bạch tuộc đốm xanh phải thật tươi thì bạn mới có thể nhìn thấy những đốm xanh đặc trưng hoặc đốm xàm mờ mờ để phân biệt
Trường hợp ngộ độc bạch tuộc đốm xanh qua đường tiêu hóa, sau 10-20 phút sẽ xuất hiện các triệu chứng tương tự như ngộ độc cá nóc. Nếu không cấp cứu kịp thời sẽ dẫn tới tử vong
Ốc bùn răng cưa có tên khoa học là Nassarius papilosus. Loại ốc này có đặc điểm nhận dạng là một cái đuôi dài khoảng 1cm, rộng khoảng 0,5cm, bằng kích thước của ngón tay cái, vỏ ốc nhô lên nhiều chấm đều như răng cưa, có 1-3 dải sọc màu nâu tím hoặc vàng đỏ. Ốc bùn răng cưa cũng chứa chất kịch độc Tetrodotoxin
Tetrodotoxin trong ốc bùn răng cưa có được là do chúng ăn xác chết của cá, tảo, các mảnh vụn hữu cơ độc hại. Khi ốc ăn phải những thứ này, độc tố sẽ tích tụ trong dạ dày và trở thành chất kịch độc
Nếu ăn phải ốc bùn răng cưa thì chừng 30 phút, nạn nhân sẽ có triệu chứng khó thở, liệt cơ hô hấp cực nhanh, nếu không đưa đi cấp cứu kịp thời sẽ dẫn tới tử vong
Đặc biệt, loài ốc bùn răng cưa có hàm lượng độc tố thay đổi theo cá thể, có cá thể chứa lượng độc cực lớn. Người nặng 50kg chỉ cần ăn 2-3 con là bị ngộ độc, tử vong nhanh
Ngoài ra, các loại ốc khác như ốc mặt trăng miệng vàng, ốc hương Nhật Bản, ốc đụn cái, ốc tù và, ốc bùn hình nón... cũng được ghi nhận là nguyên nhân của các vụ ngộ độc do chứa một lượng lớn chất kịch độc trong cơ thể
Như Quỳnh (Tổng hợp)