Cảnh giác với 'bẫy nợ'
Khi Sri Lanka bàn giao Hambantota - cảng biển phía Nam của mình cho Trung Quốc vào tháng 12 năm ngoái, nhiều người coi đây là một lời cảnh báo đối với những quốc gia đang háo hức chấp nhận sự trợ giúp của Trung Quốc để xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng lớn.
Cảng biển của Kazakhstan giáp biên giới với Trung Quốc vắng hoe. Ảnh: Reuters
Sri Lanka đã cho công ty Trung Quốc mang tên China Merchants Port Holdings thuê cảng Hambantota trong 99 năm để... gán nợ. Hợp đồng này giúp Trung Quốc giành quyền kiểm soát một bãi biển quan trọng cho việc mở rộng ảnh hưởng quân sự ở Ấn Độ Dương.
Việc xây dựng cảng Hambantota trị giá 1,5 tỉ đô la Mỹ bắt đầu vào năm 2008 dưới thời cựu Tổng thống Mahinda Rajapaksa. Giai đoạn đầu tiên của dự án, kết thúc vào năm 2010, có trị giá 361 triệu đô la, do Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc tài trợ 85% vốn.
Khi các khoản lỗ của cảng Hambantota ngày một gia tăng, Chính phủ Colombo cảm thấy không thể trả được nợ. Tính đến cuối năm 2015, nợ nước ngoài của Sri Lanka là 48,3 tỉ đô la. Tổng số tiền mà Sri Lanka nợ Trung Quốc lên đến 8 tỉ đô la, với lãi suất được cho là khoảng 6%.
“Chúng tôi phải quyết định để thoát ra khỏi cái bẫy nợ này”, ông Mahinda Samarasinghe, Bộ trưởng Bộ Cảng và Vận tải biển được hãng tin Nikkei trích dẫn cho biết lý do đằng sau hợp đồng thuê dài hạn tới 99 năm.
Các nhà phê bình cho rằng, chủ quyền của đất nước đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong vụ việc này. Sri Lanka là một địa điểm chiến lược trong sáng kiến Một vành đai, một con đường của Bắc Kinh (BRI).
Tại Khorgos, thị trấn biên giới của Kazakhstan giáp Trung Quốc, sự hiện diện của người Trung Quốc đang tràn ngập. Trong khuôn khổ sáng kiến BRI, Bắc Kinh đang nhanh chóng đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng trên khắp nước cộng hòa Trung Á này, làm lu mờ các chương trình khác do Mỹ và Nga từng thực hiện.
Trung Quốc đang gia tăng ảnh hưởng ở Kazakhstan. Bắc Kinh hiện mua gần 25% sản lượng dầu của Kazakhstan, và việc xuất khẩu dầu sang Ý, Hà Lan, Pháp và các quốc gia châu Âu khác đang ngày càng giảm.
Ở phía bên kia biên giới, Trung Quốc đang xây dựng một thành phố mới với hàng loạt tòa nhà cao tầng chứa khoảng 100.000 người. Nhiều người Trung Quốc được khuyến khích chuyển đến đây để tham gia vào các hoạt kinh doanh liên quan đến BRI. Các công ty nhà nước Trung Quốc cũng đã có mặt và các doanh nghiệp tư nhân đang được thiết lập tại khu vực này.
Theo quan điểm của Bắc Kinh, Kazakhstan, nơi sáng kiến BRI được Chủ tịch Tập Cận Bình lần đầu tiên công bố vào năm 2013, là một nước có vai trò chiến lược. Nó nằm ở giữa Trung Quốc và Nga, đồng thời lại cách xa các cường quốc cạnh tranh như Mỹ và EU.
Trong khi nhiều quan chức và doanh nhân Kazakhstan cổ vũ cho BRI, nhiều người dân đang cảnh giác với Trung Quốc. Năm 2016, một cuộc biểu tình lớn đã nổ ra ở miền Tây Kazakhstan sau khi chính phủ định thông qua luật mới cho phép người nước ngoài được sở hữu đất nông nghiệp. Người dân cho rằng các công ty Trung Quốc sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ luật này.
Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tuần trước đã cảnh báo các nước về nguy cơ bị mắc kẹt trong cái “bẫy nợ” trước những khoản vay không bền vững tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng.
Chủ tịch ADB Takehiko Nakao thừa nhận, sáng kiến BRI của Trung Quốc có vai trò quan trọng để kết nối và mở rộng hội nhập và hợp tác trên khắp châu Á, song ông cảnh cáo việc vay tiền quá mức để bù đắp những khoảng trống về cơ sở hạ tầng.
“Nếu các nước vay quá nhiều mà không xem xét tính khả thi một cách nghiêm túc, họ sẽ gặp nhiều rắc rối trong việc trả nợ”, ông nói tại cuộc họp báo ở Manila tuần trước.
Phát biểu của ông Nakao lặp lại những lo ngại của Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde. Hồi tháng 4, bà Lagarde đã nói tại một hội nghị ở Trung Quốc rằng, BRI có thể tạo ra những gánh nặng cho các quốc gia vốn đã phải gánh chịu nhiều nợ công.
Theo báo cáo của Trung tâm Phát triển toàn cầu, một tổ chức tư vấn đặt trụ sở ở Washington, có 23 quốc gia có nguy cơ lâm vào bẫy nợ do vay tiền để xây dựng cơ sở hạ tầng của Trung Quốc. Một số quốc gia thuộc diện “nguy cơ cao” gồm Lào, Maldives, Pakistan, Mông Cổ, Tajikistan và Kyrgyzstan.
Trở lại trường hợp của Sri Lanka, nước này có nợ chiếm 81,6% GDP. Tuy nhiên năm ngoái, sau vụ cảng biển Hambantota, Trung Quốc tiếp tục đề xuất hai dự án xây dựng chung quanh cảng gồm một nhà máy lọc dầu trị giá 3 tỉ đô la Mỹ và một nhà máy xi măng trị giá 125 triệu đô la.
Minh Đức
Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/272378/canh-giac-voi-bay-no-.html