Cảnh giác với 'bình cũ, rượu mới' của thủ đoạn lừa đảo cho vay tiền
Công an phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội vừa chia sẻ thông tin về thủ đoạn mới của nhóm đối tượng lừa đảo cho vay tiền qua mạng và các thủ đoạn lừa đảo bằng công nghệ cao khác.
Đáng chú ý, hình thức lừa đảo mới này đang hết sức phổ biến hiện nay. Theo thông tin từ CAP Mễ Trì cảnh báo người dân, đối với hình thức lừa đảo mới của hành vi vay tiền qua app, kẻ gian lập tài khoản Facebook, chạy quảng cáo cho vay tiền lãi suất thấp, thủ tục đơn giản, duyệt hồ sơ qua mạng, giải ngân nhanh... Người vay bị yêu cầu nộp một số tiền nhất định với các lý do đảm bảo khoản vay, các chi phí. Và sau đó, những chi phí này sẽ “không cánh mà bay” cùng với khoản vay mà các đối tượng hứa hẹn.
Không dừng lại ở đó, khi vay tiền qua ứng dụng, các đối tượng sử dụng hình thức đánh cắp thông tin khách hàng để chiếm đoạt tài khoản, rút tiền. Ở thủ đoạn mạo danh cơ quan chức năng, nhân viên cung cấp dịch vụ cũng có “kịch bản” mới. Theo đó, người vay tiền cung cấp hình ảnh 2 mặt CMND, CCCD. Ngay lập tức, người dân sẽ bị thu thập thông tin cá nhân, số tài khoản ngân hàng liên kết với tài khoản ví điện tử của đối tượng.
Kẻ gian còn yêu cầu người vay cung cấp mã OTP để thực hiện việc liên kết. Và chỉ cần có vậy, chúng đã nhanh chóng xâm nhập tài khoản, rút toàn bộ tiền bằng cách chuyển qua nhiều tài khoản trung gian hoặc "rửa tiền" bằng cách mua hàng.
Đối với hình thức lừa đảo mạo danh cơ quan điều tra, nhà mạng, điện lực… thông báo vi phạm, phạm pháp để yêu cầu nộp tiền bảo lãnh, kẻ gian cũng sử dụng chiêu thức mới là gửi đường link mạo danh Bộ Công an để dụ nạn nhân trình báo. Link này chứa mã độc, thu thập dữ liệu cá nhân, chiếm quyền sử dụng điện thoại, tài khoản ngân hàng.
Như đã nhiều lần khuyến cáo, khi có nhu cầu vay tiền, người dân nên tìm đến các ứng dụng uy tín của ngân hàng hoặc giao dịch trực tiếp với ngân hàng, không nên giao dịch với các app (ứng dụng) không rõ ràng, có dấu hiệu lừa đảo.
Còn đối với hình thức lừa đảo mạo danh, cơ quan công an một lần nữa khuyến cáo người dân, cơ quan điều tra, nhà mạng, điện lực… không bao giờ thông báo vi phạm, phạm pháp qua điện thoại mà phải gửi văn bản trực tiếp đến cá nhân có hành vi vi phạm.