Cảnh giác với các loại hải sản có chứa độc tố
Hải sản là món ăn nhiều dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe và được nhiều người ưa thích. Thế nhưng, trong một số loại hải sản lại chứa những chất khiến người sử dụng có nguy cơ bị ngộ độc. Do đó, người dân cần cảnh giác, không nên ăn những loại hải sản lạ, chỉ ăn các loại hải sản còn tươi, được nấu chín và chắc chắn không có độc tố.
Điều trị cho một bệnh nhân tại quận 2 (thành phố Hồ Chí Minh) bị ngộ độc do ăn dạ dày cá mặt thỏ.
Tử vong vì những loại hải sản lạ
Ngay trong tháng 9-2020, một nhóm 3 ngư dân ở huyện Vạn Ninh (tỉnh Khánh Hòa) đã lặn bắt được một số ốc biển lạ, vỏ có màu nâu với những chấm trắng. Sau đó, 3 ngư dân cho số ốc bắt được luộc ăn. Sau khi ăn khoảng 30 phút, cả 3 người xuất hiện triệu chứng tê môi, tê tay, tê chân, chóng mặt, buồn nôn và đau đầu. Một người đã tử vong sau đó, 2 người còn lại được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa và may mắn qua cơn nguy hiểm.
Sau sự việc trên, số mẫu ốc nói trên được chuyển đến Viện Hải dương học, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam để xác định tên loài ốc, độc tố. Kết quả, trong tổng số 30 mẫu được phân tích, có 29 mẫu được xác định là loài ốc bùn răng cưa Nassarius papillosus và 1 mẫu vật thuộc loài ốc bùn bóng Nassarius glans. Đặc biệt, kết quả phân tích đã xác định hàm lượng lớn chất tetrodotoxin xuất hiện trong tất cả các mẫu vật của 2 loài ốc nêu trên.
Theo Viện Hải dương học, tetrodotoxin được biết là độc tố thần kinh, tác động lên hệ thần kinh trung ương của người và động vật bậc cao. Với độc tính cao gấp nhiều lần giới hạn an toàn thực phẩm biển trong mẫu phân tích, ước tính chỉ cần 5-10 cá thể ốc chứa lượng độc tố này có thể gây tử vong cho 1 người bình thường trong 30 phút cho đến vài giờ sau khi ăn. Do đặc tính bền nhiệt, bền axít, độc tố tetrodotoxin không bị phân hủy ở nhiệt độ cao khi chế biến nên có thể tồn tại trong các sản phẩm thức ăn đã được chế biến, thậm chí kể cả sản phẩm cấp đông, đóng hộp.
Trước đó, vào tháng 7-2020, tại huyện Xuyên Mộc (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) xảy ra 2 vụ ngộ độc thực phẩm do ăn cá hồng khiến 23 người nhập viện với các triệu chứng: Mệt, khó chịu, đau bụng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, mạch loạn nhịp, chậm nhịp tim. Kết quả mẫu xét nghiệm được gửi về Viện Hải dương học Nha Trang, nhằm định danh loài cá và định lượng độc tố ciguatera trên mẫu thử. Mẫu cá hồng nguyên con và cá hồng cắt lát chứa chất ciguatera, vượt ngưỡng an toàn. Cá hồng là loại thủy sản ăn tảo. Chỉ có những loại cá hồng ăn phải một số loài tảo có chứa độc tố, chất độc được tích tụ trong cơ thể và có khả năng gây mất an toàn cho người sử dụng. Ngộ độc ciguatera từ cá là một loại ngộ độc do ăn phải cá biển đã tích tụ độc tố ciguatoxins trong chế độ ăn của chúng.
Cũng theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), hầu hết các trường hợp ngộ độc hải sản nặng nhập viện là do ăn phải những loài chứa độc tố mạnh. Ngoài ra, cũng có một số người bị trúng độc do sờ hoặc vô tình chạm vào những loài rắn biển, cá mặt quỷ, mực đốm xanh, ốc cối… nên bị chúng cắn, chích hoặc phóng tên độc. Các độc tố của con vật sẽ theo răng hoặc phóng ra xâm nhập cơ thể người qua vết thương gây ngộ độc.
Tránh ăn hải sản lạ, chưa được nấu chín kỹ
Bộ Y tế khuyến cáo người dân, trong trường hợp ngộ độc hải sản cần loại trừ chất độc ra khỏi cơ thể càng sớm càng tốt, trong đó nôn là biện pháp hiệu quả nhất. Người bị ngộ độc có thể dùng lông gà (rửa sạch bằng nước muối), sau đó đưa vào gần cuống họng sẽ có phản ứng nôn hoặc cũng có thể dùng ngón tay ngoáy họng. Sau khi đã nôn, người bệnh uống nước trà đường nóng, nước sắc lá sim, lá ổi… để bù nước rồi nhanh chóng đưa đến bệnh viện để bác sĩ kiểm tra, theo dõi tình trạng sức khỏe.
Để phòng ngừa ngộ độc hải sản, bác sĩ Lê Thị Hải, nguyên Giám đốc Trung tâm Khám tư vấn dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng quốc gia cho rằng, người dân cần lưu ý khi mua hải sản phải bảo đảm tươi sống. Tuyệt đối không ăn hải sản đã chết vì chúng có thể tiết ra chất độc. Đối với cá, phải làm ngay khi còn tươi và bỏ toàn bộ lòng ruột vì trong ruột cá có nhiều vi khuẩn, có thể thấm nhanh vào thịt cá gây ngộ độc. Ngoài ra, không nên mua các hải sản có màu sắc khác thường. Bởi vì những loài hải sản sống trong vùng ô nhiễm thường có màu sắc khác với bình thường. Khi chế biến phải nấu chín kỹ, hải sản để đông lạnh trước khi chế biến phải rã đông, tránh tình trạng nấu chín không kỹ bên trong do chưa rã đông hết. Những người có cơ địa dị ứng khi ăn hải sản cần ăn từ từ ít một, nếu có các biểu hiện dị ứng thì phải ngừng lại ngay.
Còn bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên cũng đưa ra lưu ý, biện pháp phòng, tránh ngộ độc thực phẩm tốt nhất là thực hiện ăn chín, uống sôi. Bởi lẽ, nhiều thực khách khoái khẩu với món lẩu hải sản, nhưng cần phải nhúng cho hải sản chín kỹ rồi hãy ăn. Nếu ăn hải sản chín tái thì nguy cơ mắc bệnh vẫn còn nguyên. Ngoài ra, thực khách cũng không nên ăn hải sản đã chế biến từ lâu mà chỉ ăn món ăn mới nấu chín, còn nóng sốt. Đối với những hải sản lạ, chưa từng ăn thì mọi người phải rất thận trọng, vì trong đó có thể chứa chất độc nguy hiểm mà chúng ta không lường trước được.