Cảnh giác với chiêu trò dán đè QR Code để chiếm đoạt tiền
Thời gian gần đây, nhiều tiểu thương tại các chợ truyền thống để tiện cho khách hàng thanh toán đã dán QR lên tường, lợi dụng điều này, nhiều đối tượng đã dán đè mã khác để chiếm đoạt tiền.
Thủ đoạn mới
Để tiện buôn bán, kinh doanh các cửa hàng, quán ăn, thậm chí là sạp hàng ngoài chợ, hay gánh hàng rong, hiện hầu hết đều có mã QR để thanh toán. Để tiện lợi hơn, các tiểu thương thường có 2 - 3 tài khoản của những ngân hàng khác nhau, như MB, Sacombank, Vietcombank, BIDV, Techcombank… giúp khách hàng có thể chuyển khoản mà không mất phí dịch vụ.
Các mã QR ở sạp ngoài chợ thường được dán trên tường, mặt bàn, treo bên cạnh biển... Tại các cửa hàng, còn được sao thành nhiều bản, dán hoặc đặt ở các khu vực khách ăn uống. Những mã QR này được đặt công khai, trở thành kẽ hở khiến kẻ gian dán đè để trục lợi.
Anh Nguyễn Phúc Dương (Vĩnh Phúc, quận Ba Đình) chia sẻ, quán bún đậu của anh mỗi ngày bán khoảng hơn 100 suất, đặc biệt vào buổi trưa. Số lượng khách ăn đông, nhiều người trẻ đa phần đều thanh toán trực tuyến. Để tiện cho việc thanh toán, anh đã dán mã QR của mình lên tường.
"Tuy nhiên, mới đây khi có đoàn khách ăn xong rồi thanh toán, xem thấy đã chuyển nhưng tài khoản không báo nhận được tiền nhưng họ đã đi mất rồi. Tôi kiểm tra thấy mã QR của mình đã bị dán đè lên, không hề hay biết kẻ gian đã âm thầm dán đè mã QR từ bao giờ" - anh Dương cho hay.
Còn với chị Yến, một tiểu thương tại chợ Vĩnh Hồ (quận Đống Đa) cho biết, tình trạng dán đè mã QR cũng đã xuất hiện tại một số gian hàng trong chợ khi kẻ gian lợi dụng sự thiếu để ý của các tiểu thương khi đang đông khách.
"Nhiều gian hàng trong chợ gặp tình trạng không nhận được số tiền mà khách đã thanh toán. Kiểm tra lịch sử giao dịch thấy được chuyển đến một tài khoản khác. Khi cố gắng quét mã QR, đã không thể truy cập vào số tài khoản đó nữa" - chị Yến cho hay.
Cẩn trọng hơn khi giao dịch
Trước chiêu trò dán đè mã QR thanh toán nhằm chiếm đoạt tài sản của một số đối tượng, nhiều tiểu thương bắt đầu cẩn trọng hơn trong mỗi giao dịch với khách hàng và kiểm tra mã mỗi ngày.
Bà Nguyễn Thị Kim, tiểu thương tại chợ Vĩnh Hồ, chỉ đưa tấm thẻ dán mã QR cho khách hàng có nhu cầu. Những thẻ in mã mini này có thể đem theo bên mình, trên mặt in logo, tên ngân hàng, mã QR, số tài khoản và tên chủ thẻ để người chuyển tiền dễ dàng đối chiếu.
"Nếu có nhu cầu chuyển khoản, tôi mới lấy thẻ từ trong túi ra rồi đưa cho khách. Sau khi quét xong, tôi lại cất vào chứ để công khai sợ bị mất tiền lắm" - bà Kim cho hay.
Trong khi đó, anh Vũ Văn Tư - chủ một cửa hàng phở trên đường Yên Phụ (quận Tây Hồ) cho biết, trước đây quán của anh dán tới 3 mã khác nhau, nhưng trước tình trạng giả mạo mã QR như hiện nay, anh dự tính sẽ giảm bớt các kênh thanh toán.
"Tôi chuyển về một kênh thanh toán duy nhất cho dễ quản lý khi những vụ dán đè mã QR thường xuất hiện ở những quán ăn, khó kiểm soát khi đông khách. Nếu sơ hở một chút người bị thiệt chính là mình vì không thể yêu cầu khách chuyển thanh toán 2 lần" - anh Tư nói.
Các chuyên gia cảnh báo, thời gian qua hình thức giả mạo này đã được ghi nhận dù chưa phổ biến. Tuy nhiên, sự nguy hiểm nằm ở việc kẻ xấu có thể dễ dàng thực hiện bằng cách đóng vai khách hàng, dán mã QR mới trong vài giây, sau đó chọn mua món hàng với giá trị lớn.
Để tránh mất tiền oan, người dân cần kiểm tra lại thông tin số tài khoản, tên chủ tài khoản với chủ cửa hàng, quán ăn, khi thực hiện quét mã QR để trả tiền. Đồng thời, chủ cửa hàng cần rà soát các mã QR để chuyển tiền mặt đặt tại cơ sở của mình nhằm kịp thời phát hiện và gỡ bỏ mã QR giả mạo.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/canh-giac-voi-chieu-tro-dan-de-qr-code-de-chiem-doat-tien.html