Cảnh giác với chiêu trò đăng tin trẻ đi lạc nhằm tăng tương tác MXH để bán hàng
Ngày 7/10, Công an TP.Hội An (Quảng Nam) cho biết thông tin bé gái đi lạc ở Hội An đang lan truyền trên mạng xã hội là không có thật.
Gần đây, mạng xã hội xuất hiện nhiều bài đăng về thông tin “trẻ bị lạc”, kèm theo đó là hình ảnh đáng thương của các bé. Điều đáng nói, cùng một hình ảnh và số điện thoại nhưng thông tin về “trẻ đi lạc” lại xảy ra ở nhiều tỉnh, thành.
Tại TP.Hội An, vừa qua hình ảnh một bé gái khoảng 4-5 tuổi được cho là đi lạc, đang tìm người thân đã lan truyền nhanh chóng trong nhiều diễn đàn, hội, nhóm trên facebook. Xuất phát từ tình thương đối với trẻ, nhiều người đã không ngại chia sẻ và kêu gọi bạn bè chia sẻ với hi vọng giúp bé sớm tìm được người thân.
Nhiều trường hợp các đối tượng còn đưa rõ tên của bé, tên người thân, địa điểm thất lạc và cả số điện cần liên hệ (thường không thể liên lạc) để “giăng bẫy” người dùng mạng xã hội tin là thật. Đáng chú ý, cũng cùng hình ảnh, số điện thoại và chiêu trò đó, các đối tượng dễ dàng dẫn dắt người dùng tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước.
Qua xác minh, lực lượng chức năng xác định những thông tin trên là sai sự thật. Động cơ sau cùng của các đối tượng này là để câu view, câu like, nhằm tăng tương tác trên các nền tảng mạng xã hội với mục đích để bán hàng hoặc tăng thành viên cho các hội, nhóm.
Công an TP.Hội An khuyến cáo người dân cần thận trọng tìm hiểu, kiểm chứng kỹ các thông tin trước khi đăng tải, chia sẻ. Đặc biệt, cần tuân thủ nguyên tắc 5K khi tham gia các trang mạng xã hội, đó là “không tin ngay, không vội like, không thêm thắt, không kích động và không vội chia sẻ”.
Hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật trên mạng xã hội sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 10-20 triệu đồng theo quy định tại điểm a, Khoản 1, Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP , quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.
Nếu hậu quả của hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật trên làm ảnh hưởng đến nhân phẩm, uy tín của người khác thì người bị hại có thể khởi kiện dân sự, yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Ngoài ra, nếu việc đưa thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật trên mạng xã hội có tính chất vu khống người khác thì có thể bị xử lý hình sự về tội vu khống theo quy định tại Điều 156 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.