Cảnh giác với chiêu trò 'Tiêu dùng hoàn tiền', 'mua sắm hoàn tiền'
Các website, ứng dụng hoàn tiền mua sắm (cashback) có dấu hiệu kinh doanh đa cấp trái phép nên người tiêu dùng cần cảnh giác.
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (CT&BVNTD- Bộ Công Thương) cho biết, “tiêu dùng hoàn tiền” hay “mua sắm hoàn tiền” (cashback) là việc người tiêu dùng, người mua được hoàn lại một phần tiền khi họ mua sắm thông qua thẻ ngân hàng, ví điện tử, hoặc qua ứng dụng mua hàng. Thực chất của mô hình cashback là mô hình thương mại điện tử B2C (kết nối doanh nghiệp với người tiêu dùng).
Các doanh nghiệp/nhà cung cấp dịch vụ hoàn tiền cho người tiêu dùng với lý do: Muốn mở rộng hệ thống khách hàng, việc hoàn tiền là cách để thu hút khách hàng sử dụng sản phẩm và dịch vụ của họ; Chiết khấu/hoàn lại một phần tiền hoa hồng cho khách khi họ mua sắm sản phẩm, dịch vụ khi giới thiệu cho người tiêu dùng khác.
Cashback thời gian gần đây nổi lên như một xu hướng mua sắm thương mại điện tử hiện đại. Tuy nhiên, qua quá trình theo dõi, Cục CT&BVNTD nhận thấy nhiều trang thương mại điện tử, ứng dụng internet được quảng cáo theo mô hình cashback có dấu hiệu kinh doanh đa cấp trái phép.
Cụ thể, khi sử dụng các website, ứng dụng thương mại điện tử này để giao dịch mua sắm thì người tham gia (bao gồm cả tài khoản của nhà cung cấp và người tiêu dùng) được “vẽ” là luôn luôn có lợi với giá trị hoàn tiền/chiết khấu cho mỗi giao dịch được quảng cáo rất hấp dẫn từ 80% tới 100%, thậm chí cao hơn dành cho cả bên bán và bên mua.
“Tuy nhiên, thực tế việc hoàn tiền với giá trị % cao như vậy chỉ được thể hiện ở việc tích điểm trên hệ thống nội bộ, khi chuyển đổi ra tiền mặt thì chỉ theo theo các tỷ lệ % rất nhỏ, không đáng kể (thường chỉ khoảng từ 0,05% - 0,1%/ ngày), không có ý nghĩa về việc “hoàn tiền” như đã quảng cáo”- Cục CT&BVNTD cảnh báo.
Việc tích điểm trên hệ thống nội bộ của những website và ứng dụng này thường có liên quan tới một hoặc một số loại tiền ảo, ví điện tử như: Gem, CBP, Silling, USDT, ETH, ONE, VNDC…
Ngoài việc giao dịch mua sắm tiêu dùng, hệ thống còn cho phép các tài khoản của người tham gia có thể đầu tư, mua bán và trao đổi các điểm số nội bộ trên hệ thống tương ứng với các loại tiền ảo tự lưu hành trên.
Song thực tế các loại tiền ảo, ví điện tử này chỉ có giá trị nội bộ trong hệ thống, không được pháp luật Việt Nam công nhận là trung gian để thanh toán. Người tham gia có những tranh chấp liên quan đến những giao dịch này đều không được pháp luật bảo vệ.
Hơn nữa, tùy thuộc vào thứ tự tham gia và người giới thiệu (bảo trợ để đăng ký vào hệ thống) mà các tài khoản người tham gia trong hệ thống sẽ được kết nối, sắp xếp theo tầng, cấp, nhánh.
Lúc này, hệ thống thường đưa ra các hình thức để huy động vốn hoặc mời gọi người tham gia nộp thêm tiền để nâng cấp tài khoản lên các mức cao hơn, như: Silver, Gold, Platinum, Dimond hay Global Executive Commission, Millionaire… để được hưởng hoa hồng, quyền lợi hấp dẫn theo tỷ lệ phần % số tiền của những người tham gia tuyến dưới, nhánh dưới nộp vào để tham gia và nâng cấp tài khoản trên hệ thống.
“Ứng dụng thương mại điện tử có những biểu hiện như trên hoặc tương tự đều không rõ ràng, không minh bạch trong mô hình hoạt động, có nhiều dấu hiệu biến tướng, sử dụng mô hình kinh doanh đa cấp trái phép”- Cục CT&BVNT nhấn mạnh.
Do đó để hạn chế những rủi ro tài chính và pháp lý, Cục CT&BVNTD cảnh báo người dân không nên tham gia đầu tư và phát triển hệ thống của những website và ứng dụng thương mại điện tử có dấu hiệu nêu trên.