Cảnh giác với cuộc gọi giả danh nhân viên giao hàng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Nhận được điện thoại của một người giả danh nhân viên giao hàng đến giao hàng, tuy nhiên khi xuống sân chung cư thì chị Thanh không thấy có shipper nào cả. Gọi lại số máy vừa liên lạc với chị thì nhận được thông báo số không liên lạc được do… sai số.
Gọi điện giả danh nhân viên giao hàng
Chị Trần Thanh (quận Long Biên, Hà Nội) kể lại câu chuyện của mình, khoảng 1h30 trưa 23/8 chị có nhận được cuộc gọi từ số máy 0996626174 gọi báo chị có 1 gói hàng online chuyển đến địa chỉ nhà chị ở. Bởi đang ở nhà nên chị báo chị sẽ xuống sảnh để nhận trực tiếp.
Tuy nhiên, khi xuống sảnh chị không hề thấy một shiper hay người giao hàng nào cả. Thậm chí chị đi cả ra ngoài cổng chung cư, xung quanh vẫn vắng ngắt. Cứ nghĩ chắc shiper gọi trước khi đến, chị đứng dưới sảnh chờ. 5, 10 phút vẫn không thấy ai đến giao hàng. Thắc mắc, chị gọi lại đúng số máy chị vừa nhận nhưng lạ lùng, số máy không kết nối được bởi “số máy không đúng”.
Chị Thanh cũng cho biết, sau cuộc gọi đó chị đã nghi ngờ và kiểm tra lại đơn hàng duy nhất ở thời điểm đó chị đặt trên 1 sàn thương mại điện tử. "Đơn hàng này được báo vẫn đang trên đường vận chuyển, ngày mai mới có thể đến tay tôi" - chị Thanh nói. Và chị cho biết, có thể, chị vừa có 1 cuộc gọi của các đối tượng lừa đảo mà may mắn chị... thoát. Bởi lẽ, nếu lúc ấy chị không có nhà, chị sẽ bảo gửi ở dưới sảnh chung cư rồi chuyển khoản cho họ.
Tương tự như chị Thanh, chị Lê Thị Loan (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cũng cho biết, trong lúc đang đi công chuyện, chị cũng nhận được một số máy gọi điện giao hàng.
“Do mình thường đặt hàng giao về nhà nên khi có cuộc gọi giao hàng mình cũng không suy nghĩ nhiều. Có điều do không có nhà nên có bảo người điện gửi hàng ở cửa hàng tạp hóa gần nhà, vì tôi thường hay gửi đồ ở đó” - chị Lê Thị Loan kể.
Nhưng khi về nhà đến hỏi chủ cửa hàng tạp hóa về món đồ được gửi, chủ cửa hàng nói không có shipper nào gửi hàng cho chị cả. “Do chưa chuyển khoản thanh toán hàng nên tôi cũng không để ý, nghĩ chắc do người ta gọi nhầm” - chị Lê Thị Loan nói.
Tuy nhiên, không may mắn như chị Thanh và chị Loan, chị Nguyễn Thị Thương (quận Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ câu chuyện của mình. Chị bị một đối tượng gọi điện tự xưng là nhân viên giao hàng thông báo có đơn cần giao cho chị. Là người thường xuyên đặt hàng trên mạng nên chị Nguyễn Thị Thương không mảy may suy nghĩ khi shipper gọi yêu cầu nhận hàng và chuyển khoản để thanh toán giá trị đơn hàng.
Đối tượng này cho biết, đơn hàng của chị Thương có giá là 320.000 đồng và vẫn gửi phòng bảo vệ trước tòa nhà chung cư nơi chị ở như mọi khi. Sau khi chị Thương chuyển khoản thành công, đối tượng liền thông báo do nhầm lẫn nên số tài khoản trên là số đăng ký thẻ hội viên shipper. Khi chị chuyển tiền vào đó, trung tâm sẽ kích hoạt gói cước hội viên, mỗi tháng tự động bị trừ 3,5 triệu đồng từ tài khoản của hội viên.
Chưa dừng lại ở đó, đối tượng đề nghị chị Thương kết bạn với link Facebook lạ và một số điện thoại giả mạo Trung tâm chăm sóc khách hàng thuộc một công ty giao hàng để tư vấn cho khách.
Lúc này, chị Thương mới chợt tỉnh ngộ. "Thông thường đầu số gọi điện cho tôi thực sự là nhân viên của giao hàng tiết kiệm không dùng số lạ này. Họ cũng không sử dụng Facebook để liên hệ với tôi" - chị Thương nói.
Cảnh giác với các cuộc gọi giả danh nhân viên giao hàng
Trước chiêu thức lừa đảo mới này, trước đó, Công an TP Hà Nội cũng đã ra cảnh báo. Theo Công an TP Hà Nội, các đối tượng giả danh là nhân viên giao hàng gọi điện cho khách hàng thông báo có đơn đặt hàng online và yêu cầu chuyển tiền thanh toán để chiếm đoạt.
Cụ thể, thủ đoạn của đối tượng là tham gia các buổi livestream bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội (Facebook, TikTok…) để xác định những khách hàng có đặt mua sản phẩm. Các đối tượng lấy thông tin liên hệ và mặt hàng đặt mua của khách hàng từ các bình luận hoặc tin nhắn công khai trên livestream.
Sau khi thu thập được thông tin cá nhân và đơn hàng từ các buổi livestream, đối tượng sẽ gọi điện thoại cho khách hàng, xưng là nhân viên giao hàng (giao hàng tiết kiệm, giao hàng nhanh…) của đơn vị bán hàng mà khách đã mua sản phẩm.
Các đối tượng thường chọn thời điểm khách hàng không có mặt tại nhà (giờ hành chính) để gọi điện. Nếu khách hàng cho biết không có mặt tại nhà, đối tượng sẽ dẫn dắt "con mồi" đưa địa chỉ (người quen, hàng xóm, bạn bè…) để gửi hàng; sau đó yêu cầu khách hàng chuyển tiền thanh toán đơn hàng. Nhận được tiền, đối tượng sẽ chiếm đoạt và cắt đứt liên lạc với khách hàng.
Để phòng ngừa thủ đoạn trên, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an TP Hà Nội đề nghị người dân khi mua hàng trên các nền tảng mạng xã hội cần chú ý việc kiểm tra và xác nhận thông tin.
Theo đó, trước khi chuyển khoản thanh toán đơn hàng, khách hàng cần kiểm tra kỹ thông tin của người gọi điện và xác nhận lại với đơn vị bán hàng hoặc dịch vụ giao hàng chính thức. Chỉ chuyển tiền khi đã trực tiếp nhận, kiểm tra hàng. Tránh chuyển tiền vào tài khoản cá nhân hoặc những tài khoản không rõ ràng.
Công an TP Hà Nội cũng khuyến nghị người dân bảo mật thông tin cá nhân, hạn chế việc chia sẻ thông tin cá nhân, địa chỉ và số điện thoại công khai trên mạng xã hội hoặc trong các buổi livestream. Sử dụng các kênh tin nhắn riêng tư hoặc hệ thống bảo mật để trao đổi thông tin đặt hàng với shop bán hàng.
Đồng thời, người dân cần cảnh giác với những yêu cầu chuyển khoản đột ngột và không rõ ràng, có tính chất "thúc ép" chuyển tiền ngay; nên xác nhận lại với người bán hàng qua các kênh chính thức trước khi thực hiện bất kỳ giao dịch nào.
Nếu phát hiện hoặc nghi ngờ mình bị lừa đảo, người dân cần nhanh chóng báo cáo cho cơ quan Công an để kịp thời giải quyết.