Cảnh giác với hành vi lừa đảo qua mạng

Thời gian gần đây, tình hình tội phạm lừa đảo bằng hình thức mạo danh các cơ quan chức năng (công an, viện KSND, TAND…) và lừa đảo qua mạng xuất hiện nhiều trên cả nước và địa bàn tỉnh Phú Yên, gây thiệt hại lớn đến tài sản của người dân. Đối tượng thường sử dụng một số thủ đoạn sau:

1. Các đối tượng giả danh cán bộ công an, viện KSND, nhân viên bưu điện… sử dụng giao thức kết nối internet (VoIP) để giả các đầu số giống số điện thoại của cơ quan công an như: +000113, +84000113... gọi đến số máy cố định hoặc di động của bị hại và xưng danh cán bộ công an đang điều tra vụ án buôn bán ma túy và rửa tiền lớn, hù dọa tiền trong tài khoản của bị hại có liên quan đến các vụ án này…

Chúng đề nghị người bị hại để chứng minh sự trong sạch phải chuyển tiền đến tài khoản do chúng chỉ định hoặc tài khoản của bị hại nhưng lấy số điện thoại chúng cho trước để đăng ký Internet Banking. Khi người bị hại chuyển tiền theo yêu cầu, các đối tượng nhanh chóng rút tiền hoặc chuyển sang tài khoản khác rồi rút tiền và chiếm đoạt.

2. Các đối tượng tự xưng là người nước ngoài (đa phần là ở các nước Tây Âu, Mỹ) làm quen bị hại (thường là phụ nữ độc thân) qua các trang mạng xã hội (Facebook, Zalo, Viber, Whatsapp...), với nhiều kịch bản khác nhau để tạo lòng tin với bị hại. Sau một thời gian quen biết, đối tượng ngỏ ý muốn gửi một số tiền lớn hoặc gửi hàng, quà có giá trị về Việt Nam để đầu tư, làm từ thiện, để tặng, cho, mua bất động sản...và nhờ bị hại nhận giúp, sau khi bị hại đồng ý thì một vài hôm sau sẽ có đối tượng khác giả danh là nhân viên sân bay, hải quan, nhân viên thuế... với nhiều lý do khác nhau để yêu cầu bị hại chuyển tiền nhiều lần như: đóng tiền phạt, đóng thuế, đóng tiền vận chuyển... sau đó cắt liên lạc và chiếm đoạt tiền của bị hại.

3. Giả mạo là cán bộ ngân hàng, yêu cầu cung cấp mật khẩu, mã PIN hoặc thông tin thẻ để xử lý sự cố liên quan đến các dịch vụ ngân hàng điện tử hoặc thẻ. Gửi email, tin nhắn có chứa link truy cập website của dịch vụ chuyển tiền, nhận tiền từ nước ngoài, nhập thông tin đăng nhập từ tài khoản Internet Banking, hoặc thông tin thẻ để nhận tiền. Thực chất đây là website giả mạo, lừa khách hàng cài đặt các phần mềm, ứng dụng gián điệp để đánh cắp thông tin từ tin nhắn hoặc khi khách hàng đăng nhập website của ngân hàng.

4. Nhắn tin thông báo người bị hại đã trúng một giải thưởng có giá trị lớn, yêu cầu đóng góp ủng hộ quỹ người nghèo, tàn tật bằng cách chuyển tiền vào tài khoản chúng cho trước hoặc mua thẻ điện thoại chuyển thông tin cho các đối tượng, sau đó bị các đối tượng chiếm đoạt.

Bằng phương thức, thủ đoạn nêu trên các đối tượng đã lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của các bị hại, có vụ lên đến hàng tỉ đồng. Sở dĩ bọn chúng thực hiện được hành vi lừa đảo là do người bị hại nhẹ dạ, cả tin, cá biệt có trường hợp bọn chúng khai thác lòng tham của bị hại. Vì vậy, mọi người nên cảnh giác lưu ý tránh bị sậy bẫy. Khi phát hiện kẻ xấu có những dấu hiệu lừa đảo như trên thì nên báo cáo cho cơ quan công an để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

HỮU NAM

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/164/232451/canh-giac-voi-hanh-vi-lua-dao-qua-mang.html