Cảnh giác với hành vi thu thập, mua bán trái phép thông tin cá nhân

Theo Công an tỉnh, thời gian qua, Phòng An ninh kinh tế (ANKT) phát hiện trên mạng xã hội Facebook có một số nhóm kín (group) hoạt động trao đổi, mua bán dữ liệu thông tin cá nhân với số lượng lớn, đa dạng về nhu cầu, ảnh hưởng đến cuộc sống, công việc của rất nhiều người, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thông tin và an ninh mạng viễn thông, mạng Internet…

Cơ quan điều tra lấy lời khai đối tượng trong ổ nhóm chuyên thu thập, mua bán trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng, căn cước công dân, chứng minh nhân dân.

Trước tình hình đó, Phòng ANKT phối hợp với Phòng An ninh điều tra, Công an tỉnh tiến hành xác minh, làm rõ và bắt giữ hai nhóm đối tượng có hành vi thu thập, mua bán, sử dụng trái phép dữ liệu thông tin cá nhân. Nhóm đối tượng thứ nhất gồm: Nguyễn Phi Long, sinh năm 1992, thường trú tại xã Tân Tiến, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình (tạm trú TP Hà Nội) và Vũ Hồng Anh, sinh năm 1991, thường trú tại phường Mông Dương, TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh (tạm trú tại TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) có hoạt động thu thập, mua bán dữ liệu thông tin cá nhân cơ bản gồm: Số điện thoại, họ tên, ngày tháng năm sinh, địa chỉ, thư điện tử (email)...

Quá trình đấu tranh, hai đơn vị nghiệp vụ xác định: Các đối tượng Nguyễn Phi Long và Vũ Hồng Anh quản trị một nhóm kín trên mạng xã hội facebook có tên “Data khách hàng tiềm năng” để trao đổi, mua bán dữ liệu thông tin cá nhân, trong đó Nguyễn Phi Long là người xây dựng phần mềm có khả năng ghi nhận, thu thập các thông tin cá nhân người khác trên tài khoản facebook, google... và lưu trữ vào máy tính được Long cài đặt có tính năng như một máy chủ ảo, cho phép truy cập từ xa. Sau đó, Long tạo tài khoản đăng nhập và mật khẩu cho Vũ Hồng Anh để truy cập, tra cứu, trích xuất dữ liệu, bán cho khách hàng có nhu cầu.

Vũ Hồng Anh sử dụng tài khoản facebook có tên Le Thi Quynh Anh để quảng bá, lôi kéo các tài khoản mới tham gia nhóm kín “Data khách hàng tiềm năng” rồi thỏa thuận mua bán các thông tin cá nhân. Sau khi thống nhất với khách hàng về số lượng thông tin cá nhân, giá cả, Hồng Anh yêu cầu người mua chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng đứng tên người khác do Hồng Anh sử dụng nhằm ẩn danh, tránh sự truy tìm của cơ quan điều tra. Khi nhận được tiền, Hồng Anh trực tiếp trích xuất dữ liệu dưới dạng tập tin excel và chuyển cho người mua theo các tài khoản mạng xã hội, thư điện tử.

Trong khoảng từ tháng 3/2021 đến tháng 5/2022, Vũ Hồng Anh và Nguyễn Phi Long đã thu thập được 2.382.620 dữ liệu thông tin cá nhân, trong đó có nhiều dữ liệu có các trường thông tin liên quan đến bí mật cá nhân như: Nghề nghiệp, tiền sử bệnh lý, số điện thoại, email... Các thông tin này được các đối tượng mua bán trái phép, không được sự đồng ý của chủ sở hữu thông tin. Các đối tượng đã hưởng lợi khoảng 600 triệu đồng.

Tiếp tục điều tra, mở rộng vụ án, Công an tỉnh xác định nhóm đối tượng thứ hai gồm: Vũ Tiến Dũng, sinh năm 1992, trú tại phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, TP Hà Nội; Đinh Việt Hải, sinh năm 1993, trú tại phường Bưởi, quận Tây Hồ, TP Hà Nội và Vũ Gia Anh, sinh năm 1993, thường trú tại huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên (tạm trú tại TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương).

Cũng với thủ đoạn trên, trong thời gian từ tháng 3/2021 đến 1/8/2022, Vũ Tiến Dũng, Vũ Gia Anh, Đinh Việt Hải đã thu thập, bán hơn 400.000 dữ liệu thông tin cá nhân chứa số điện thoại và địa chỉ truy cập, hưởng lợi khoảng 1,1 tỉ đồng.

Một điểm chung trong hai vụ án kể trên, theo cơ quan điều tra, các đối tượng phạm tội đều là người có trình độ về công nghệ thông tin nhưng khi các đối tượng sử dụng sự hiểu biết và kiến thức của mình vào mục đích phạm pháp thì kết cục tất yếu sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Hiện cơ quan điều tra đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án để xử lý theo quy định của pháp luật.

Thượng tá Cao Việt Hải- Trưởng Phòng An ninh điều tra, Công an tỉnh cho biết: Để phòng ngừa loại tội phạm này, người dân tuyệt đối không cho người lạ mượn, chụp, thuê, mua căn cước công dân (chứng minh nhân dân) hoặc tài khoản ngân hàng nếu không có mục đích chính đáng. Khi bị các đối tượng xấu lừa đảo, lấy cắp thông tin căn cước công dân, chứng minh nhân dân để tiến hành các hoạt động phi pháp, người dân cần liên hệ ngay với cơ quan chức năng nơi gần nhất để được hỗ trợ. Trường hợp nghi ngờ hay phát hiện số căn cước công dân, chứng minh nhân dân của mình bị sử dụng trái phép để mở tài khoản ngân hàng hoặc đăng ký thuê bao trả sau, cần nhanh chóng liên hệ ngân hàng, nhà mạng để được hỗ trợ khóa tài khoản, thuê bao.

Quỳnh Chi

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//an-ninh/canh-giac-voi-hanh-vi-thu-thap-mua-ban-trai-phep-thong-tin-ca-nhan/190528.htm