Cảnh giác với loại tội phạm nghiện ma túy

Thời gian qua, trên địa bàn cả nước xảy ra nhiều vụ cướp và cướp giật tài sản. Đối tượng gây án có hành vi manh động, liều lĩnh, không chỉ cướp tài sản mà còn nhẫn tâm cướp cả sinh mạng của nạn nhân. Đáng nói là, trong số những vụ cướp, thủ phạm gây án thường nghiện ma túy hoặc có tiền sử nghiện ma túy.

Thời gian qua, trên địa bàn cả nước xảy ra nhiều vụ cướp và cướp giật tài sản. Đối tượng gây án có hành vi manh động, liều lĩnh, không chỉ cướp tài sản mà còn nhẫn tâm cướp cả sinh mạng của nạn nhân. Đáng nói là, trong số những vụ cướp, thủ phạm gây án thường nghiện ma túy hoặc có tiền sử nghiện ma túy.

Mới đây, vụ việc thương tâm xảy ra tại huyện Thường Tín (Hà Nội), khiến nhiều người không khỏi bàng hoàng về mức độ dã man của những kẻ cướp. Hai đối tượng: Nguyễn Xuân Trung (SN 1985) và Nguyễn Văn Quân (SN 1983), cùng trú tại huyện Thường Tín vốn là những kẻ nghiện ma túy. Sau khi ăn cắp cốp-pha, trên đường đi tiêu thụ, chúng thấy nữ sinh T.T.H. (SN 2002), ở xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín, đang dừng xe đạp điện ven đường cạnh sông để nghe điện thoại. Đối tượng Trung nảy sinh ý định cướp tài sản. Mặc cho nạn nhân kêu cứu, xin đưa tài sản để được yên thân, đối tượng Nguyễn Xuân Trung vẫn đẩy nữ sinh xuống sông, dìm chết để lấy những món tài sản. Một vụ việc khác có tính chất manh động không kém là, vào giữa tháng 10 vừa qua, Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) phối hợp nhiều đơn vị của Bộ Công an, Công an tỉnh Vĩnh Long, Công an tỉnh Đồng Tháp và Công an các địa phương liên quan triệt phá băng nhóm cướp giật tài sản trên nhiều tỉnh, thành phố phía nam. Theo đó, từ tháng 2-2020, trên địa bàn các tỉnh, thành phố phía nam đã xảy ra hàng chục vụ cướp giật tài sản táo tợn, tài sản bị cướp có giá trị lớn. Các nghi phạm gây án tuổi đời đều còn trẻ. Chúng thường điều khiển xe máy với tốc độ cao, sẵn sàng dùng bình xịt hơi cay, chống trả nạn nhân và người hỗ trợ truy bắt. Thậm chí, nhóm này manh động tông vào xe công an khiến một chiến sĩ bị thương. Theo cơ quan chức năng, toàn bộ số tài sản cướp giật được, cả nhóm đem đi bán lấy tiền mua ma túy sử dụng.

Theo thống kê của Bộ Công an, người nghiện có ở tất cả các địa phương, có ở mọi thành phần, mọi lứa tuổi, song chủ yếu ở lớp trẻ (0,1% dưới 16 tuổi; 76% dưới 35 tuổi). Từ năm 2009 đến năm 2018, trên cả nước có tổng số 365.293 người sử dụng trái phép chất ma túy, trong số này có 56.122 người sử dụng trái phép chất ma túy vi phạm pháp luật, phạm tội (chiếm 15,36%), có 5.337 người sử dụng trái phép chất ma túy gây bất ổn về tình hình an ninh, trật tự, có 27.655 người đã từng sử dụng trái phép chất ma túy đang chấp hành án tại các trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ. Hầu hết những đối tượng nghiện, sau một thời gian hút chích đã lao vào con đường mua bán trái phép chất ma túy, trộm cắp tài sản, cướp giật... Theo phân tích của các chuyên gia về tội phạm học thuộc Bộ Công an, những đối tượng này khi đến cơn nghiện dễ hành động theo bản năng để thỏa mãn nhu cầu của bản thân. Khi gặp tình huống như: nạn nhân có tài sản, người yếu thế (phụ nữ, trẻ em) dễ tấn công, khống chế, những đối tượng nghiện dễ dàng hình thành ý định phạm tội...

Để ngăn chặn loại tội phạm này, các bộ, ban, ngành, địa phương cần có sự phối hợp, làm tốt công tác quản lý người nghiện ma túy, người sau cai nghiện, người tái nghiện. Nghiên cứu vướng mắc của các quy định trong những bộ luật hiện hành để có chế tài xử lý nghiêm khắc hơn đối với cả người sử dụng chất ma túy lẫn tội phạm tàng trữ, mua bán chất ma túy. Riêng đối với lực lượng Công an, nhất là lực lượng Cảnh sát Phòng, chống tội phạm về ma túy, cần đẩy mạnh công tác phòng ngừa như: nâng cao trách nhiệm của Công an cơ sở, kịp thời phát hiện đối tượng có nguy cơ về tệ nạn ma túy, nghi sử dụng ma túy… để sớm có biện pháp phòng, chống hiệu quả, phòng ngừa từ xa. Đẩy mạnh công tác truy tố, xét xử tội phạm ma túy để tạo tính răn đe.

Chính quyền địa phương cần vận động các doanh nghiệp tạo điều kiện việc làm cho đối tượng bỏ học thất nghiệp, đối tượng sau cai nghiện có việc làm ổn định, xa dần sự lôi kéo của đối tượng xấu. Riêng những đối tượng nghiện ma túy, nghiện nặng, có biểu hiện “ngáo đá”, khẩn trương lập hồ sơ đưa đi cai nghiện. Các bậc phụ huynh cần có sự sát sao, quan tâm đến con em mình, thường xuyên tuyên truyền về tác hại của ma túy để những người thân không bị vướng vào tệ nạn này. Khi phát hiện người có dấu hiệu sử dụng ma túy, kể cả người trong gia đình, cần báo ngay cơ quan chức năng để có biện pháp ngăn ngừa kịp thời. Thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình an ninh, trật tự tại địa phương, nhất là trên những tuyến đường, khu vực hay di chuyển; không nên mang theo quá nhiều tài sản khi tham gia giao thông, không để tài sản ở những nơi các đối tượng dễ nhận biết và thực hiện hành vi phạm tội. Hạn chế đi lại trên các tuyến đường vắng, nhất là vào ban đêm.

LÊ TÚ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/cung-suy-ngam/canh-giac-voi-loai-toi-pham-nghien-ma-tuy-623122/