Cảnh giác với lừa đảo mua bán người thông qua môi giới xuất khẩu lao động, du lịch
Theo đánh giá của ông Nguyễn Xuân Lập, Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội, các vụ buôn bán người ngày càng tinh vi, không chỉ xảy ra ở biên giới mà thông qua mạng xã hội để lừa bán phụ nữ, trẻ em tại các vùng quê qua xuất khẩu lao động, du lịch…
Tuyên truyền phòng chống tội phạm buôn bán người ở vùng đồng bào dân tộc Khmer Sóc Trăng. Ảnh: Trung Hiếu/TTXVN
Ngày 30-8, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) tổ chức hội thảo công tác thực hiện chương trình hành động quốc gia phòng chống mua bán người giai đoạn 2016 - 2020 và nâng cao hiệu quả hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.
Ông Brett Dickson, Trưởng bộ phận chương trình IOM Việt Nam cho biết: Mua bán người vi phạm nghiêm trọng đến nhân quyền và là hình thức của nô lệ hóa thời hiện đại. Theo thống kê của Liên hợp quốc, mỗi năm có 800.000 đến 1 triệu người trở thành nạn nhân của mua bán người. Hoạt động mua bán người trên thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là mua bán thông qua việc đưa người di cư trái phép từ châu Á, châu Phi, Trung Đông sang châu Âu. Tại Việt Nam, từ năm 2016 đến tháng 6-2019, toàn quốc phát hiện gần 1.059 vụ mua bán người, với hơn 1.400 đối tượng lừa bán gần 2.700 nạn nhân.
Trung tá Ngô Xuân Ý, Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an cho biết: Trong giai đoạn 2011 - 2015, trung bình, mỗi năm phát hiện 441 vụ, với 668 đối tượng, lừa bán 999 nạn nhân. Còn giai đoạn 2016 đến nay, trung bình mỗi năm phát hiện 302 vụ, với 409 đối tượng, lừa bán 764 nạn nhân. Như vậy, so với giai đoạn 2011 - 2015 giảm 31,5% về số vụ, 38,8% về đối tượng và 23,5% về số nạn nhân.
Mặc dù so với giai đoạn trước, tình trạng mua bán người giảm cả về số vụ, đối tượng và nạn nhân nhưng thủ đoạn của bọn tội phạm rất tinh vi, sử dụng công nghệ thông tin để lừa các đối tượng nhẹ dạ cả tin. Đáng chú ý là tình trạng mua bán trẻ em tại các trường dân tộc nội trú. Các đối tượng lợi dụng mạng xã hội để tiếp cận, lôi kéo đi du lịch, mua tặng quà, làm thuê thu nhập cao, lừa bán trẻ em gái về các tỉnh, thành phố cho nhà hàng, quán karaoke hoặc massage ở các khu du lịch, ven quốc lộ.
“Tuy nhiên diễn biến phức tạp nhất là đối tượng người nước ngoài vào Việt Nam câu kết với cò mồi tổ chức đưa người trái phép ra nước ngoài lao động. Khi đến nước sở tại, chúng thu giữ giấy tờ tùy thân cưỡng bức lao động, hoặc đòi tiền chuộc. Đã xuất hiện các đường dây môi giới lập tài khoản trên mạng với tên giả, dùng “tiền” làm mồi nhử dụ dỗ đối tượng. Đáng chú ý là tình trạng mua bán, chiếm đoạt mô, bộ phận cơ thể người diễn biến phức tạp. Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các địa phương triệt phá đường dây mua bán nội tạng xuyên quốc gia liên quan đến 5 đối tượng hoạt động từ tháng 5-2017 đến tháng 1-2019”, Trung tá Ngô Xuân Ý cho biết.
Để hỗ trợ các nạn nhân, sau 3 năm thực hiện Đề án “Tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán” giai đoạn 2016 - 2020, Nhà nước đã có hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đồng bộ, có tính khả thi, tạo khung pháp lý thuận lợi để thực hiện công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về hòa nhập cộng đồng.
“Theo đó, 100% nạn nhân sau khi được giải cứu đã được các lực lượng chức năng tổ chức gặp gỡ, tư vấn, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng theo quy trình, quy định và chế độ chính sách. Thực tế các mô hình hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về đã và đang triển khai tại cộng đồng cho thấy nhiều hình thức hỗ trợ rất phù hợp. Việc xây dựng các mô hình hỗ trợ, nhất là mô hình nhóm tự lực đã đem lại hiệu quả cho nạn nhân và cần được tăng cường trong thời gian tới”, ông Nguyễn Xuân Lập, Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội cho biết.
Theo nhận định của các chuyên gia quốc tế, tình hình buôn bán người hiện nay rất phức tạp liên quan đến việc buôn bán thai nhi, nô lệ tình dục. Để ngăn chặn và giảm đến mức thấp nhất số người bị mua bán, trước hết cần tăng cường cách tiếp cận đa dạng để truyền thông thay đổi hành vi và giáo dục nâng cao nhận thức người dân; đồng thời hỗ trợ nạn nhân về y tế, tư pháp, tâm lý và giải quyết việc làm, an sinh xã hội khi bị mua bán trở về.